Học tập đạo đức HCM

Thúc đẩy tiêu thụ nông, thuỷ sản trong mùa dịch bệnh

Thứ năm - 01/07/2021 09:38
Dịch Covid-19 kéo dài đã tác động trực tiếp đến thị trường tiêu thụ hàng hóa nông, thủy sản trên địa bàn Quảng Ninh, khiến cho người dân, doanh nghiệp hết sức lao đao. Tuy nhiên, với sự nỗ lực vào cuộc tháo gỡ khó khăn của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tình hình tiêu thụ nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh đã phục hồi, ổn định trở lại, thậm chí còn có nhiều cơ hội mới. Qua đó, góp phần giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, từng bước phục hồi kinh tế.


Nông sản được kiểm định và đưa vào bán tại Siêu thị Go! Hạ Long.

Liên tiếp những tín hiệu vui

Theo thống kê từ Sở NN&PTNT, 6 tháng đầu năm, tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 6.900ha, sản lượng ước đạt hơn 25.400 tấn; diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 21.123ha, sản lượng ước đạt trên 144.400 tấn. Toàn tỉnh có 547 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản các loại; 449 sản phẩm OCOP với 172 đơn vị tham gia. Tổng số sản phẩm thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp là 329 sản phẩm, chiếm 73,2%, thuộc 124 tổ chức kinh tế. Hầu hết các sản phẩm này đều gặp khó khăn trong việc tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Để hỗ trợ và đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp trong tiêu thụ nông, thủy sản, nhiều chương trình, hoạt động đã được triển khai sâu rộng, tạo sự lan tỏa, như: Xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, thủy sản qua các sàn thương mại điện tử; đưa nông, thủy sản vào tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh, tại các bếp ăn tập thể, nhất là của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc, các KCN trên địa bàn… Qua đó đã góp phần tiêu thụ một số lượng lớn sản phẩm cho các hộ sản xuất, nuôi trồng, cũng như nông sản bị ứ đọng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Chị Phạm Thị Bảy (xã Đông Xá, huyện Vân Đồn), chia sẻ: Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động quá lớn đến những người nuôi trồng thủy, hải sản như chúng tôi. Các sản phẩm làm ra đều ở trong tình trạng tồn đọng, giảm giá sâu, nhưng vẫn rất khó trong việc tiêu thụ. Tuy nhiên, được sự giúp đỡ, chung tay từ chính quyền các cấp, các tổ chức xã hội, sản phẩm thủy sản của người dân chúng tôi đã được tiêu thụ ra thị trường. Hy vọng, dịch Covid-19 sẽ sớm được kiểm soát, để người dân chúng tôi yên tâm sản xuất, bám biển phát triển kinh tế trong thời gian tiếp theo.

Để đảm bảo các quy định về phòng chống dịch, tất cả nông sản đều được phun khử trùng trước khi đưa đi tiêu thụ.

Thống kê về tình hình hỗ trợ tiêu thụ nông, thủy sản nội tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ tiêu thụ cho bà con nông dân 90.800 tấn nông sản, thủy sản các loại và trên 1 triệu quả trứng gia cầm. Một trong những biện pháp bán hàng hữu hiệu để ứng phó với dịch bệnh là bán hàng online qua website, facebook, điện thoại, zalo với 109.682 đơn hàng, tương đương trên 227 tỷ đồng.

Trong đó, một số siêu thị có lượng giao dịch online lớn, như: Vinmart với 56.286 đơn hàng, tương đương trên 25 tỷ đồng; Go! Hạ Long với 21.836 đơn hàng, tương đương trên 15 tỷ đồng; MM Mega Market với 19.626 đơn hàng, tương đương trên 8 tỷ đồng; TTP với 3.916 đơn hàng, tương đương trên 2 tỷ đồng; Lan Chi với 2.914 đơn hàng, tương đương trên 1 tỷ đồng...

Hiện đã có 223 sản phẩm nông, thủy sản đang được tăng tải trên sàn giao dịch thương mại điện tử http://thuonghieuquangninh.gov.vn/; http://teqni.gov.vn. Từ đầu năm đến nay, đã có 1.806 đơn hàng đặt hàng, trong đó có khoảng 80% chuyển cho các doanh nghiệp thực hiện giao dịch.


Các chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại TX Đông Triều được triển khai, nhằm tháo gỡ khó khăn cho nông dân.

Cùng với đó, hoạt động XNK đã được khôi phục trở lại tại các cửa khẩu với việc đảm bảo nghiêm ngặt những điều kiện phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt là việc xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng, như: Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan… Theo thống kê của Sở NN&PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có 14 vùng trồng cây ăn quả, với 3 vùng trồng nhãn, 7 vùng trồng thanh long và 4 vùng trồng vải, 5 cơ sở đóng gói quả tươi và 9 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Trước đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, phía Trung Quốc đã tạm đóng cửa thị trường, tuy nhiên hiện tại việc xuất khẩu nông sản, thủy sản vào thị trường Trung Quốc đã từng bước sôi động trở lại trên cơ sở vẫn đảm bảo nghiêm việc phòng chống dịch bệnh. Đây là điều kiện rất tốt để tiêu thụ hàng hóa, nông, thủy sản của tỉnh.

Từ đầu năm đến nay đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 523,3 tấn nông sản các loại; sản phẩm ruột hàu Thái Bình Dương xuất khẩu vào thị trường Đài Loan đạt trên 720 tấn. Cùng với đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang chủ động khảo sát nhu cầu tiêu thụ hàu sống nguyên con, ruột hàu sống tại các thị trường Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Cumpuchia...

Với sự chung tay, vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân, hiện nay các sản phẩm nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh cơ bản đã không còn lượng tồn nhiều, hàng hóa đa số đã có thị trường tiêu thụ ổn định, một số mặt hàng như cam, vải thiều, ngao hai cùi, hàu, gà, cơ bản đã tiêu thụ đạt và vượt sản lượng cần hỗ trợ tiêu thụ, các mặt hàng khác vẫn đang tiêu thụ ở mức ổn định.

Nhiều nông, thủy sản đã được tiêu thụ mạnh, như: Cá song 337,4 tấn (tại Vân Đồn, Quảng Yên), trị giá khoảng 50 tỷ đồng; gà Tiên Yên, Đầm Hà, Đông Triều 224.932 con, trị giá trên 40 tỷ đồng; hàu các loại 4.289 tấn; hà trên 200 tấn; cam V2 của huyện Vân Đồn 60 tấn; khoai tây trên 300 tấn; ngao 2 cùi tiêu thụ trung bình 6,4 tấn/ngày...

Tiếp tục tìm kiếm thị trường mới

Mặc dù việc tiêu thụ nông, thuỷ sản trên địa bàn tỉnh cơ bản đã bình thường trở lại, song người dân, doanh nghiệp, cũng như chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn không được chủ quan, mà phải lường trước mọi tình huống để tránh bị động. Về lâu dài cần phải có giải pháp khả thi, bền vững hơn.

Cục Hải quan tỉnh hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho huyện Vân Đồn.

Theo đó, Sở Công Thương phối hợp với Sở NN&PTNT cùng UBND các địa phương rà soát, thống kê hàng hoá, nông sản, hoa màu... do nhân dân trong tỉnh nuôi, trồng đến thời điểm thu hoạch để xây dựng, triển khai phương án hỗ trợ tiêu thụ cho nhân dân. Đến nay, nhiều chương trình đã được thực hiện và đạt được hiệu quả, giúp cho người dân, doanh nghiệp giải tỏa được nỗi lo về thị trường.

Điển hình như đã thực hiện kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP, nông, thủy sản của tỉnh với các đơn vị kinh doanh, phân phối trong và ngoài tỉnh. Hiện đã có 41 sản phẩm OCOP với 42 mã hàng gồm nhiều nông sản, thủy sản được đưa vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị và đơn vị phân phối trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, việc phát triển tiêu thụ nông, thủy sản tại thị trường nội địa với nhiều giải pháp đã được tổ chức, triển khai, như: Hội chợ triển lãm, tuần kết nối tiêu thụ sản phẩm; gian hàng trực tuyến qua các trang bán hàng Sendo, Tiki, Voso… hay thông qua các cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; các hoạt động thúc đẩy kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản vùng miền cũng sẽ là cầu nối vững chắc để người dân, doanh nghiệp sản xuất nông, thủy sản phát triển được thị trường.

Cùng với đó, tại lối mở cầu phao Km3+4 (TP Móng Cái), các cơ quan chức năng đã kết nối, tạo điều kiện cho Tập đoàn Kiểm nghiệm, kiểm dịch Trung Hoa (CCIC) đặt chi nhánh đại diện, lắp đặt phòng thí nghiệm để kiểm nghiệm, kiểm dịch hoa quả, thủy sản, dán tem sản phẩm… đáp ứng được yêu cầu đối với hàng hóa, nông sản nhập khẩu của phía bạn Trung Quốc. Đây là một trong những tiền đề rất quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng nông, thủy sản của tỉnh được tiến sâu hơn vào thị trường Trung Quốc.

Các mặt hàng thủy sản của tỉnh được kết nối, tiêu thụ thông qua các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP và thủy sản được Sở Công Thương phối hợp tổ chức.

Ông Lê Hồng Giang, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Thời gian tới, để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân trong tiêu thụ nông, thủy sản, Sở sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với Sở NN&PTNT, cùng các đơn vị liên quan thực hiện nghiên cứu những chính sách hỗ trợ cho người nuôi trồng và xây dựng nghị quyết riêng để phát triển ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đảm bảo tốt việc mở rộng thị trường tiêu thụ nguồn thủy, hải sản của tỉnh khi dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát.

Ngoài ra, Sở Công Thương sẽ thường xuyên cập nhật tình hình tiêu thụ nông, thủy sản hàng ngày, để kịp thời có những giải pháp, đề xuất điều tiết thị trường cho phù hợp, không để tình trạng tồn hàng cục bộ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp phân phối trên địa bàn trong và ngoài tỉnh đẩy mạnh việc thu mua nông, thủy sản của tỉnh; phối hợp, liên hệ với các đối tác lớn thông qua Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) để tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm, nhằm tránh bị phụ thuộc vào một thị trường nhất định. Đặc biệt, Sở sẽ thường xuyên thực hiện trao đổi thông tin với các đơn vị kinh doanh, sản xuất trong tỉnh, để nắm bắt khó khăn, vướng mắc và kịp thời cùng tháo gỡ, giúp người dân, doanh nghiệp đáp ứng được thị trường, tìm kiếm được thêm nhiều bạn hàng mới, tạo ra chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ an toàn, hiệu quả, bền vững.

Minh Đức
https://www.quangninh.gov.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập157
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm156
  • Hôm nay33,540
  • Tháng hiện tại874,741
  • Tổng lượt truy cập93,252,405
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây