Chủ động các kịch bản ứng phó
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (Bộ Nông nghiệp và PTNT), dòng chảy mùa khô năm 2020-2021 từ thượng lưu sông Mê Công về ĐBSCL có khả năng thuộc năm thủy văn ở mức thấp cực hạn nên tình hình MXN đầu năm 2021 tại ĐBSCL thuộc nhóm mặn nghiêm trọng.
Theo đó, dự báo các đợt MXN cao nhất tập trung vào tháng 2, tháng 3 và tháng 4. Thời kỳ ảnh hưởng lớn nhất đúng vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu (25-12 đến 5-1 âm lịch). Phạm vi MXN (nồng độ mặn 4g/l) tại các cửa sông Cửu Long khoảng 55-75km, trên các sông Vàm Cỏ từ 80-95km; sông Cái lớn từ 45-52km.
Với những bài học kinh nghiệm từ nhiều năm trước, sau khi có dự báo các địa phương trong khu vực đã triển khai biện pháp ứng, xây dụng các kịch bản với phương châm hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân và sản xuất...
Theo ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, qua nghiên cứu và dự báo tình hình, Bạc Liêu sẽ chọn kịch bản 2 để ứng phó và kịch bản này tương đương với tình huống diễn biến HH&MXN trong mùa khô năm 2019-2020. Để chủ động giảm thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, diện tích sản xuất lúa đông xuân của tỉnh sẽ giảm 3.400ha ở các nơi có nguy cơ thiếu nước ngọt.
"Trong trường hợp khẩn cấp, toàn tỉnh sẽ tiến hành đắp hệ thống 380 đập tạm để tổ chức bơm nước ngọt cho vụ lúa Đông Xuân, dự kiến đầu tháng 3-2021. Chúng tôi cũng tiếp tục huy động vốn xây các trạm cấp nước tập trung ở khu vực nông thôn để cấp nước sạch cho người dân. Ngành nông nghiệp sẽ huy động nguồn nhân lực của toàn ngành bám sát đồng ruộng và có ngay các giải pháp xử lý các tác động bất lợi do HH&XNM gây ra", ông Ly cho biết thêm.
Tại Bến Tre, tỉnh này đang tranh thủ tích nước, sẵn sàng ứng phó với thiên tai cực đoan. Thời điểm này ở huyện Chợ Lách khô hạn đã qua nhưng nhà vườn vẫn giữ lại những ao đất lót bạt nhựa, có người còn đào sâu hơn, tôn cao thêm bờ để sẵn sàng tích trữ nước mưa.
Ông Trần Hữu Nghị, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách cho biết, địa phương có khoảng 9.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Rút kinh nghiệm hạn mặn trong mùa khô năm 2019-2020, hiện tại người dân đang tập trung trữ nước. Khoảng trên 50% hộ dân quy hoạch lại vườn, trữ nước 10-20% diện tích đất để đáp ứng nhu cầu nước tưới. Vì vậy, nếu kịch bản mặn như mùa khô năm 2019-2020, người dân huyện Chợ Lách đủ khả năng ứng phó.
Những năm qua hạn, mặn diễn ra gay gắt, điều này khiến người dân có tinh thần cảnh giác và chủ động hơn trong việc phòng, chống. Ông Lê Văn Long, nông dân ở xã Long Đức (Long Phú, Sóc Trăng) Mấy năm trước, mặn thường xuất hiện vào thời điểm cận Tết, nên năm nay tôi tuân thủ theo lịch thời vụ mà địa phương đưa ra. Nhờ vậy, vừa tránh được mặn, vừa có lúa bán kịp chuẩn bị Tết.
Những mô hình mang lại hiệu quả
Bên cạnh các giải pháp phòng, chống nhiều địa phương ở ĐBSCL đã nỗ lực tìm cách ứng phó với HH&MXN. Một trong những mô hình mang lại hiệu quả với hạn, mặn là mô hình trồng lúa tưới ướt khô xen kẽ của Hợp tác xã (HTX) Nam Hưng (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu). Mô hình thực hiện trên diện tích hơn 50ha lúa mang lại hiệu quả cao.
Ông Nguyễn Minh Thắng, xã viên HTX Nam Hưng, cho biết, mô hình tưới ướt khô xen kẽ giảm 20-30% lượng nước tưới mà không ảnh hưởng tới năng suất. Ngoài ra, khi áp dụng kỹ thuật ướt khô xen kẽ, giai đoạn khô (cây lúa ở thời điểm 30-40 ngày sau gieo sạ) sẽ tạo điều kiện thuận lợi để rễ lúa ăn sâu vào đất và hút dinh dưỡng. Cây lúa có bộ rễ khỏe, thân cứng sẽ ít bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh và giảm tỷ lệ đổ ngã. Việc áp dụng kỹ thuật “ướt khô xen kẽ” kết hợp với chương trình “1 phải-5 giảm”, “3 giảm-3 tăng”... lợi nhuận không chỉ tăng thêm 5-7 triệu đồng/ha, mà đây còn là mô hình thích ứng trong điều kiện thiếu nước ngọt khi đối đầu với hạn, mặn.
Thời gian qua, tỉnh Kiên Giang đã chủ động khuyến khích nông dân chuyển đổi nhiều diện tích thâm canh lúa sang luân canh tôm-lúa cho hiệu quả kinh tế cao. Bà Võ Thị Nguyệt, trú tại ấp Hòn Đất, xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất cho biết, trước đây, vùng đất này làm lúa không hiệu quả. Từ khi áp dụng mô hình 1 vụ lúa-2 vụ tôm (vụ tôm sú không cấy lúa, còn vụ lúa kết hợp thả tôm càng xanh) trên diện tích 3ha, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập khoảng gần 300 triệu đồng, cuộc sống dần được cải thiện.
Có thể nói, với sự chủ động từ sớm và mô hình thích hợp, vùng ĐBSCL hoàn toàn có thể sống chung một cách hòa hợp với HH&MXN như từng sống chung với lũ.
Trước tình trạng hạn, mặn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, mới đây UBND tỉnh Long An đã có quyết định công bố tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh, với cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn cấp độ 1. Tại Tiền Giang, địa phương này cũng đã phải ra quyết định công bố tình huống thiên tai xâm nhập mặn trên địa bàn ở cấp độ 1. Quyết định yêu cầu các sở, ngành tỉnh có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện các công việc về phòng, chống xâm nhập mặn bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã