Học tập đạo đức HCM

Tin NN miền Trung: Chanh trái vụ Nghệ An, thương lái mua tại vườn, giá cao

Thứ tư - 22/04/2020 05:20
Hiện, bà con huyện miền núi Con Cuông, đang vào vụ thu hoạch chanh trái vụ, thương lái thu mùa tại vườn, giá cao.

Vào thời điểm này, người dân huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An) đang vào vụ thu hoạch chanh trái mùa. Do đang khan hiếm, nên thương lái đã tìm đến thu mua tận vườn.

chah-33.jpg
 

 Chanh đầu vụ còn khan hiếm, nên thương lái thu mua tại vườn. Ảnh: Bá Hậu

Trên diện tích 2ha, ông Bùi Đình Thảo, thôn Bãi Ổi xã Chi Khê, Con Cuông đã trồng gần 1.000 gốc chanh, trong đó, có khoảng 300 gốc, đang cho thu hoạch quả.

Dự kiến, chanh vụ sớm này, gia đình thu khoảng 3 tấn quả, với giá bán sỉ tại vườn 18.000 - 20.000 kg, bán lẻ 25 nghìn/kg, gia đình đã có nguồn thu hơn 50 triệu đồng.

Ông Thảo, chia sẻ: “Năm nay vườn chanh của gia đình, nhờ chăm sóc tốt, ra hoa sớm, nên được mùa trúng giá, đầu ra dễ.

Nếu như chanh chính vụ chỉ 5 - 8 nghìn/kg thì chanh trái vụ giá cao gấp đôi, thậm chí gấp 3, nên gia đình phấn khởi, nguồn thu tương đối lớn”.

Tại thôn Bãi Ổi, anh Bùi Đình Nghĩa cũng có hơn 100 cây chanh, nhưng chỉ có khoảng 50 cây trái vụ, với giá hiện tại, đã cho anh thu nhập hơn 20 triệu đồng. Do chanh đầu vụ còn khan hiếm nên thương lái thu mua tận vườn.

Anh Nghĩa còn cho biết: “Chanh chính vụ thu hoạch đại trà từ tháng 5-10, nhưng khi đó, lượng chanh nhiều, nên giá cả bấp bênh, người trồng chanh lãi ít.

Riêng tôi năm nào cũng có chanh trái vụ, dù sản lượng không nhiều, nhưng giá cao, nên nguồn thu đáng kể”.  

Hiện, toàn xã Chi Khê, có hơn 100 hộ trồng chanh, với hơn 100ha chanh tập trung ở thôn Bãi Ổi, hàng năm đem lại nguồn thu lớn cho người dân vùng này. Đặc biệt là vụ trái mùa, người dân “trúng đậm”.

Bà Nguyễn Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Chi Khê, huyện Con nói: “Hiện, chanh trái mùa thôn Bãi Ổi, đang được giá, cao gấp đôi so chanh chính vụ, và không đủ cung cấp cho thị trường. Cứ vào vụ trái mùa này, thương lái ở khắp nơi về mua chanh, đầu ra ổn định”.

Những năm gần đây, chanh trái vụ đã trở thành nguồn thu nhập khá, của người dân Con Cuông (gấp 2-3 lần chính vụ). Song, không phải diện tích nào cũng có chanh trái vụ.

Giá tăng đầu vụ, người trồng chanh cũng vừa mừng vừa lo, và mong muốn, khi thu hoạch chính vụ, vẫn giữ được giá cao.

Nghệ An: Giá chè chính vụ giảm sâu, do dịch Covid-19

Hiện, người trồng chè Thanh Chương (Nghệ An) đang bước vào thu hoạch chính vụ. Song, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá chè giảm sâu so với các năm trước.

che-19.jpg
 

 Dù giá chè búp tươi giảm mạnh, nhưng người dân vẫn đầu tư đúng mức, kịp thời, nên năng suất vẫn cao. Ảnh: Xuân Hoàng

Mặc dù năng suất vượt trội so mọi năm, nhưng giá thu mua chè búp tươi giảm sâu, do đại dịch Covid-19, nên giá chỉ đạt khoảng 50% so trước đây.

Ông Lương Văn Viên - xóm Đá Bia, xã Thanh Mai, hiện có 3 ha chè thương phẩm, trong thời kỳ thu hoạch. Song, hiện tại, mỗi kg chè búp tươi chỉ 3.000 đồng/kg, do vậy mỗi ha chè, chỉ thu nhập được khoảng 50% so trước đây.

"Dù nhà máy thu mua giá, chúng tôi cũng phải bán, để lấy lại ít vốn, đầu tư các lứa tiếp theo, nếu không thu hoạch kịp thời, sẽ hỏng toàn bộ diện tích chè" - ông Viên chia sẻ. 

Chè không có người mua, do đại dịch Covid-19 bùng phát, thị trường nước ngoài không thể giao dịch được, nên chè tồn kho với số lượng lớn.

Tuy giá thấp, nhưng các đơn vị chế biến, vẫn thu mua cho bà con, để duy trì diện tích chè cho nhà máy, tiếp tục có nguyên liệu, tạo việc làm cho công nhân, và thu nhập cho bà con.  

Xã Thanh Mai hiện có 411 ha chè công nghiệp, với hơn 700 hộ có thu nhập từ trồng chè. Hiện, bà con đang tập trung thu hoạch rộ. Do ảnh hưởng dịch Covid -19, giá chè búp tươi xuống thấp, chỉ còn 3.000 đồng/kg, bằng một nửa so năm trước.

Ông Hà Quang Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Mai cho biết: Hiện, khó khăn lớn nhất của bà con trồng chè là giá xuống thấp, do đại dịch Covid-19.

Chúng tôi đề nghị bà con tiếp tục duy trì diện tích hiện có, tập trung chăm bón, phòng chống hạn trong mùa nắng nóng, để vụ sau có thêm thu nhập.

Thanh Chương hiện có hơn 5.000 ha chè công nghiệp, là diện tích tương đối lớn so cả tỉnh. Để cùng bà con vượt khó trong đại dịch Covid-19, huyện đang khuyến khích bà con chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, chống hạn, để cây chè sinh trưởng tốt nhất, và duy trì diện tích hiện có.

Theo đó,  huyện Anh Sơn cũng có 2.265 ha chè, trong đó, chè kinh doanh 1.615 ha, hiện, bà con cũng đang thu hoạch rộ. Sản lượng chè búp tươi của Anh Sơn hàng năm đạt 19.582 tấn.

Theo bà con, giá chè búp tươi ở Anh Sơn từ đầu vụ đến nay, ngày càng giảm sâu. Ông Trần Minh Hoàn - Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn, cho biết, đầu vụ nhà máy thu mua 3.000 đồng/kg, nhưng nay giảm xuống 2.600 đồng/kg. Trong khi đó, dịp này năm ngoái trên 5.000 đồng/kg.

Ông Đặng Đình Luận - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn, cho biết, chè búp tươi giảm sâu do dịch Covid-19, huyện chỉ đạo các xã, động viên bà con, không vì thế bỏ bê cây chè, thay vào đó, tích cực chăm sóc đúng mức, kịp thời… Hy vọng, khi dịch Covid-19 hết lây lan, giá sẽ tăng trở lại.

Quảng Bình: Lúa “nước hai” và hành trình hồi sinh
 

Dù phải đối mặt với thiên tai khắc nghiệt, nhưng Bố Trạch (Quảng Bình) vẫn được thiên nhiên “ưu ái” một sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao từ cây lúa “nước hai”.

lua-66.jpg
 

 Gạo “nước hai” đang được huyện Bố Trạch khôi phục, quảng bá  

Đây là giống lúa bản địa, được phục hồi phù hợp với thổ nhưỡng của nhiều vùng đất ở Bố Trạch, và bà con đang mở rộng sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu cho giống lúa đặc sản này.

Trước mắt, huyện Bố Trạch đã xây dựng chuỗi sản phẩm gạo “nước hai", để bán ra thị trường.  Đông thời, gạo “nước hai” cũng đã dần quen với người tiêu dùng, qua các hội chợ, triển lãm thành tựu kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.

Vì giá trị dinh dưỡng, chất lượng khá đặc biệt của loại gạo này, không ít bệnh viện, đã tìm đến tận nơi để đặt hàng sản xuất.

Ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bố Trạch, cho biết, gạo “nước hai” là 1 trong 14 sản phẩm liên kết chuỗi giá trị, được Bố Trạch xây dựng tại các xã: Hải Phú, Vạn Trạch, Hoàn Trạch với gần 30ha. Đây là những địa phương vẫn giữ được giống lúa bản địa này.

So với lúa thường, lúa “nước hai” sinh trưởng tốt trong vùng đất và nước mặn lợ, khả năng kháng sâu bệnh gần như tuyệt đối, chống chịu được thời tiết khắc nghiệt.

Tuy nhiên, thời gian sinh trưởng đến khi thu hoạch của lúa “nước hai” dài ngày hơn các giống khác, từ 150 - 160 ngày, và năng suất đạt thấp, chỉ khoảng 23-25 tạ/ha.

Nhưng bù lại, gạo “nước hai” giá cao gấp 3,5 lần gạo thông thường, và rất được thị trường ưa chuộng, “cung” chưa đủ “cầu”.

Từ xưa, người dân Bố Trạch đã gắn bó với giống lúa “nước hai” như một giống lúa không thể thiếu trong đời sống lúa nước.

Nhưng do KHKT ngày càng phát triển, nhiều giống lúa mới cải tiến, ngắn ngày, năng suất cao,  dẻo, thơm, lại gieo trực tiếp, dễ  thâm canh... nên người dân ứng dụng nhiều, khiến giống bản địa mai một dần.

Sản phẩm gạo “nước hai” có giá trị cao, được khoa học và thực tế chứng minh. Chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng cao hơn hẳn, so các loại gạo thông thường.

Đặc biệt là hàm lượng đường thấp, rất tốt cho sức khỏe, nhất là người bị bệnh liên quan đến lượng đường trong cơ thể cao. Các sản phẩm chế biến từ gạo “nước hai” cũng phong phú, như: sữa gạo, bánh gạo...

Ông Nguyễn Hải Lương, Chủ tịch UBND xã Vạn Trạch, cho biết: “Chính vì sự khác biệt của gạo “nước hai” so với gạo thông thường, nên thời gian qua, đã có một số  bệnh viện ở các thành phố lớn, đặt vấn đề với xã, để bao tiêu lâu dài.

Trong đó, có Khoa Dinh dưỡng, Khoa Tim mạch Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Nhưng xã vẫn chưa thể ký hợp đồng cung ứng, vì chưa chủ động sản xuất với số lượng theo yêu cầu”.

Tuy diện tích còn hạn chế, nhưng Vạn Trạch là địa phương được nhiều người biết đến với thương hiệu gạo “nước hai”.

Hiện, xã đang thí điểm ở 1 hộ với diện tích 1ha lúa "nước hai" để làm giống, theo hướng hữu cơ: không phân bón, không thuốc trừ sâu... và 1ha gieo cấy rải rác, thu hoạch chậm so với các giống lúa khác trên địa bàn.

Dự kiến,  vụ đông-xuân 2020-2021, Vạn Trạch sẽ sản xuất khoảng 10ha lúa “nước hai”; tiến tới thành lập HTX sản xuất lúa “nước hai” theo chuỗi giá trị, và xây dựng sản phẩm OCOP “mỗi xã một sản phẩm”.

“Với cách làm “chậm mà chắc”, chúng tôi có thể kiểm soát, theo dõi, chăm sóc được quá trình sinh trưởng và bảo đảm giống lúa bản địa, được phục hồi, và phát triển tốt về chất và lượng”, ông Lương chia sẻ thêm.

Tại xã Hải Phú, giống lúa “nước hai” cũng vừa được người dân khôi phục năm 2018. Vụ đông-xuân 2019-2020, đã có 16 hộ sản xuất, với diện tích 2ha.

Nhờ thời tiết thuận lợi nên lúa “nước hai” phát triển tốt hơn năm ngoái; sản lượng ước tính 40 tạ/ha; giá bán 2,5 triệu đồng/tạ.

“Hiện, bà con xã Hải Phú muốn mở rộng diện tích giống lúa bản địa có giá trị này, và đã đề xuất với huyện về việc tháo gỡ khó khăn trong việc tìm đầu ra”, bà Phan Thị Ánh Nguyệt, Chủ tịch UBND xã Hải Phú cho hay.

“Vấn đề là, Bố Trạch có đủ điều kiện mở rộng sản xuất giống lúa  này, tuy nhiên, cần tính đến đầu ra.

Nếu bán nhỏ lẻ, giá cao gấp 3,5 lần,  so các loại gạo thông thường khác. Nếu đưa vào sản xuất theo chuỗi liên kết, có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, nhập số lượng lớn, thì phải hạ giá.

Bởi theo các nhà sản xuất,  sản phẩm tinh chế từ nguyên liệu gạo "nước hai", cần phải đầu tư máy móc, thiết bị và các chi phí nhân công, nhà xưởng...

Vậy nên đang có khá nhiều ý kiến. Không ít người chỉ thấy cái được trước mắt mà không nghĩ đến lâu dài. Nhiều ý kiến giữa “cung” và “cầu” chưa thống nhất, nên huyện đang phân vân việc có hay không, mở rộng hơn nữa diện tích lúa “nước hai” tại các địa phương”, ông Tuyển trăn trở.

“Trước mắt, các địa phương có giống lúa “nước hai” bản địa cần tiếp tục nhân giống, để mở rộng diện tích trong các vụ tiếp theo, đáp ứng nhu cầu sử dụng vừa phải trên địa bàn tỉnh và số ít người tiêu dùng.

Về lâu dài, huyện sẽ tính toán, tìm nguồn ra ổn định, trong đó, thỏa thuận được giá cả giữa doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với người sản xuất.

Được như vậy, Bố Trạch sẽ mở rộng diện tích, để đặc sản riêng có của vùng quê Bố Trạch vươn ra các thị trường lớn”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch trao đổi thêm.

            An Như (Tổng hợp)/https://kinhtenongthon.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập151
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm150
  • Hôm nay37,611
  • Tháng hiện tại245,087
  • Tổng lượt truy cập92,622,751
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây