Học tập đạo đức HCM

Trả lại tên cho... xoài

Thứ ba - 18/08/2020 22:42
Sự việc Hải quan Trung Quốc yêu cầu tạm ngừng xuất khẩu xoài từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói của Việt Nam có dấu hiệu mạo danh cho thấy, đã đến lúc phải có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp mạo danh mã số vùng trồng và có giải pháp mạnh bảo vệ thương hiệu nông sản Việt.

Tá hỏa khi bị mạo danh

Cuối tháng 6/2020, những người trồng xoài của Hợp tác xã (HTX) xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) tá hỏa khi phía Hải quan Trung Quốc phát hiện 220 lô xoài tươi nhập khẩu từ Việt Nam nhiễm sâu gây hại và buộc phải trả về, trong đó có nhiều lô gắn các mã số vùng trồng của HTX Xoài Mỹ Xương.

Điều này là hết sức vô lý vì thời điểm đó các vườn xoài của HTX đã hết vụ, không còn thu hoạch.

 Ông Võ Việt Hưng - Giám đốc HTX Xoài Mỹ Xương cũng cho biết, trong số các đối tác ký hợp đồng với HTX không có đơn vị nào xuất khẩu xoài sang Trung Quốc.

 Sự việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín sản phẩm xoài Mỹ Xương đã được người dân nơi đây xây dựng qua nhiều năm nên bà con ai cũng lo lắng.

Được biết, để đáp ứng yêu cầu mới của thị trường Trung Quốc về giám sát nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm qua mã số vùng trồng, Đồng Tháp là một trong những địa phương rất tích cực triển khai, hỗ trợ nông dân, HTX, tổ hợp tác đăng ký, cấp mã số vùng trồng. 

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 110 mã vùng trồng cây ăn trái và 13 mã nhà đóng gói quả tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, có 23 mã vùng cây ăn trái xuất khẩu sang thị trường khó tính.

Tuy nhiên, điều mà ngành chức năng, các doanh nghiệp, HTX băn khoăn là hiện nay vẫn chưa có văn bản, quy định nào hướng dẫn việc quản lý, bảo vệ những vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số. Trong khi đó, các mã số đã được cấp đều được công bố công khai, ai cũng có thể tra cứu, sử dụng.

Trường hợp của Công ty TNHH Kim Nhung (Đồng Tháp) là một ví dụ. Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Đồng Tháp được cấp mã số nhà đóng gói để xuất khẩu xoài sang Trung Quốc nhưng thời gian qua, mã số đã được cấp cho Kim Nhung đã bị nhiều doanh nghiệp tùy tiện sử dụng… như của mình. 

Khi đại diện Công ty Kim Nhung đến làm việc thì doanh nghiệp đó trả lời: Việc sử dụng mã số là do phía đối tác yêu cầu.

Theo ông Nguyễn Quang Hiếu – Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NNPTNT), việc cấp mã số cho các vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất phát từ yêu cầu của phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc. 

Quy định này được thông báo từ năm 2018 và bắt đầu áp dụng từ năm 2019, theo đó trước khi các lô hàng quả tươi xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc phải ghi mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói lên giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu.

Mạnh tay xử lý việc mạo danh mã số vùng trồng - Ảnh 1.

Sản phẩm xoài Cao Lãnh bị mạo danh mã số vùng trồng. Ảnh: I.T

Ngay trong năm 2018, để tạo điều kiện cho xuất khẩu và không làm gián đoạn thương mại, Cục Bảo vệ thực vật đã làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để có những hướng dẫn cụ thể hơn và xây dựng cơ chế phối hợp giữa 2 bên. 

Bộ NNPTNT đã có Văn bản số 3906/BNN-BVTV ngày 23/5/2018 để hướng dẫn các địa phương khai báo các vùng sản xuất và cơ sở đóng gói tại địa phương có nhu cầu được cấp mã số theo các yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. 

"Các tỉnh đã tiến hành rà soát kiểm tra và lập hồ sơ gửi về Cục Bảo vệ thực vật đề nghị cấp mã số. Trên cơ sở đề nghị của địa phương, Cục đã cấp mã số cho các vùng trồng, cơ sở đóng gói và gửi danh sách này để Tổng cục Hải quan Trung Quốc xác nhận và đồng ý" - ông Hiếu nói.

Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Cục sẽ chủ động làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để cùng thảo luận các biện pháp phối hợp trao đổi thông tin trong quản lý các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói".

Ông Nguyễn Quang Hiếu

Liên quan đến thông tin phía Trung Quốc thông báo về 220 lô xoài, khối lượng khoảng 3.300 tấn trong tổng số 750.000 tấn đã xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2019 và 2020, chiếm khoảng 0,43% tổng lượng xuất khẩu vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật với nhiều nguyên nhân khác nhau, ông Hiếu cho biết, phía Trung Quốc yêu cầu tạm ngưng xuất khẩu xoài từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói có liên quan để phối hợp tiến hành điều tra nguyên nhân, đề xuất biện pháp khắc phục và nâng cao công tác quản lý. 

Trong số các vùng trồng và cơ sở đóng gói này, có 2/82 vùng trồng xoài và 1/12 cơ sơ đóng gói của Đồng Tháp trong danh sách vi phạm.

Cần có cơ chế quản lý mã số vùng trồng

Cũng theo ông Nguyễn Quang Hiếu, do lượng mã số vùng trồng lớn trải dài ở tất cả các địa phương nên trong năm 2019 Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với nhiều địa phương tiến hành tập huấn, phổ biến thông tin liên quan đến nội dung quy trình cấp mã số cho thị trường Trung Quốc, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò địa phương trong việc xác minh thông tin các vùng trồng có yêu cầu cấp mã và thực hiện giám sát các mã số vùng trồng đã được phía Trung Quốc chấp nhận.

Để thực hiện quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng và mã số nhà đóng gói, tránh dẫn đến nguy cơ các mã số vùng trồng bị đóng vĩnh viễn gây thiệt hại lớn cho nông dân, Sở NNPTNT Đồng Tháp đề nghị Cục Bảo vệ thực vật tham mưu Bộ NNPTNT ban hành thông tư hướng dẫn việc quản lý và cấp mã số vùng trồng, mã số đóng gói thực hiện chặt chẽ thông tin hai chiều, từ Trung ương đến địa phương.

Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các ngành chuyên môn theo dõi chặt chẽ, ghi nhận sản lượng trái cây của từng vùng trồng đã được cấp mã, thường xuyên kiểm tra hướng dẫn các mã số vùng trồng, nhà đóng gói thực hiện tốt các tiêu chí đánh giá theo yêu cầu.

Ngay khi nhận được thông tin về việc nhiều vùng trồng xoài của Việt Nam bị mạo danh mã số vùng trồng, Cục Bảo vệ thực vật đã lập tức thông báo cho các đơn vị kiểm dịch cửa khẩu và địa phương để thực hiện theo yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tiến hành điều tra nguyên nhân và biện pháp khắc phục theo quy định.

Trong quá trình điều tra, Đồng Tháp thông báo cho Cục Bảo vệ thực vật về tình trạng các doanh nghiệp sử dùng không đúng mã số, "mượn" mã số của nhau để tiến hành xuất khẩu, không chỉ gây ảnh hưởng đế uy tín của xoài Việt Nam xuất khẩu mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến các đơn vị chủ sở hữu mã số ngay trong vụ xuất khẩu tới đây.

Theo ông Hiếu, trước mắt, việc này chưa gây ảnh hưởng đến việc xuất khẩu xoài do mùa vụ tại phía Nam đã kết thúc.

Nhưng để tránh lặp lại các vi phạm tương tự cũng như tăng cường các biện pháp quản lý để không gây thiệt hại trong thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật sẽ làm việc cụ thể với từng địa phương nói chung và Đồng Tháp nói riêng để thảo luận cụ thể hơn về việc phân công trách nhiệm, thống nhất về cách thức triển khai thực hiện và tăng cường công tác quản lý vùng trồng không chỉ với sản phẩm xoài.

"Trong thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục tập huấn, tuyên truyền và phổ biến cho các tổ chức, cá nhân và địa phương xuất khẩu về các quy định của thị trường nhập khẩu. Yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch cho việc cấp mã số vùng trồng và kế hoạch tăng cường công tác giám sát đối với các mã đã cấp. Trên cơ sở làm việc với các tỉnh, Cục sẽ có kế hoạch phối hợp thực hiện giám sát cùng với địa phương" - ông Hiếu nói.

Theo Khánh Nguyên/ Dân Việt
https://danviet.vn/tra-lai-ten-cho-xoai-20200818171421911.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập147
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm137
  • Hôm nay14,032
  • Tháng hiện tại423,524
  • Tổng lượt truy cập90,486,917
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây