PV:Xin ông cho biết, hiện nay Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đang được triển khai trên cả nước như thế nào?
Ông Nguyễn Hưng Thịnh: Nghị định số 155/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2017 với nhiều điểm mới như: khung và mức phạt cao, đặc biệt với hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn Việt Nam tăng từ 10% đến 50% của khung phạt; hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả nghiêm khắc, ngoài bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả vi phạm, buộc phải dừng hoạt động…
Ngay sau khi Nghị định 155 được ban hành, các địa phương đã tích cực tổ chức triển khai thực hiện. Trong đó, hầu hết các địa phương đã tăng cường đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác xử lý vi phạm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Nghị định qua các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; kiên quyết xử lý các vụ vi phạm về môi trường.
Nhìn chung, qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, Nghị định 155 đã phát huy hiệu quả tích cực với doanh nghiệp, người dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Cụ thể là với mức phạt quy định tại Nghị định số 155 có tính răn đe cao nên sau khi có Kết luận thanh tra, dưới sự hướng dẫn của các Đoàn thanh tra, các doanh nghiệp đã có ý thức khắc phục ngay các tồn tại, vi phạm và nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp được nâng lên, môi trường tại các khu công nghiệp, khu sản xuất, kinh doanh từng bước được cải thiện. Qua đó góp phần đáng kể vào việc ngăn ngừa, giảm thiểu các hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Kết quả thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy tỷ lệ cơ sở vi phạm pháp luật về môi trường giảm qua các năm, cụ thể năm 2014 là 77,4%; năm 2015 tỷ lệ này là 65,6%; năm 2016 là 40,7%; năm 2017 là 36,5%; năm 2018 là 40% (giảm khoảng 2 lần so với năm 2014). Đặc biệt, các hành vi vi phạm về xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật giảm rõ rệt, chủ yếu các hành vi vi phạm về thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, việc quy định thẩm quyền lập biên bản và xử phạt các vi phạm về xả thải tại các khu vực đô thị, khu dân cư, khu vui chơi, giải trí… đã góp phần nâng cao ý thức và nhận thức của người dân về thu gom, phân loại, xử lý rác, giữ gìn vệ sinh môi trường ở các khu đô thị, khu dân cư và nơi công cộng.
Đặc biệt, việc phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và quy định trách nhiệm, cơ chế phối hợp trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại Nghị định 155 đã phát huy được hiệu quả tích cực như: giảm chồng chéo trong việc lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm; đảm bảo một năm chỉ có một đoàn kiểm tra hoặc thanh tra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại một cơ sở, doanh nghiệp, trừ trường hợp kiểm tra, thanh tra đột xuất theo quy định của pháp luật. Nhờ đó, lực lượng công an nhân dân đã phát huy được nghiệp vụ, thế mạnh lực lượng đông, có thể thực hiện trinh sát, theo dõi vào các thời gian ban đêm, ngoài giờ hành chính để tập trung phát hiện, ngăn chặn, xử lý đối với các vi phạm về xả thải, xả thải trộm, vận chuyển, đổ, thải, chôn lấp chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy định.
Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước đã được nâng lên một bước, công tác thanh tra tập trung theo hướng giảm số lượng các cơ sở thanh tra theo kế hoạch, tăng cường thanh tra đột xuất, tập trung vào các cơ sở có quy mô lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, xử phạt nghiêm các đối tượng vi phạm để răn đe và tạo dư luận buộc các cơ sở đang hoạt động sản xuất, kinh doanh phải quan tâm, đầu tư cho môi trường.
PV:Ở góc độ quản lý nhà nước, những khó khăn, thách thức khi triển khai thực hiện Nghị định số 155/2016/NĐ-CP trong thực tiễn hiện nay, thưa ông?
Ông Nguyễn Hưng Thịnh: Bên cạnh các kết quả tích cực như đã đề cập trên đây, việc triển khai thực hiện Nghị định 155 tại các địa phương trong cả nước nói chung, thành phố Hà Nội nói riêng cũng gặp phải những khó khăn, thách thức nhất định.
Trước hết là những khó khăn, thách thức do vướng mắc từ chính các quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính. Trong đó, các quy định pháp luật về thanh tra, kiểm tra hiện nay còn thiếu hoặc chưa được sửa đổi kịp thời. Luật thanh tra quy định các Đoàn thanh tra phải thông báo trước, chỉ được làm việc trong giờ hành chính; trong khi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở ngoài giờ hành chính là khá phổ biến. Các doanh nghiệp lại luôn tìm cách đối phó với các lực lượng chức năng, lợi dụng quy định này để tiến hành xả trộm chất thải vào ban đêm…; chưa quy định trình tự, thủ tục của hoạt động thanh tra đột xuất; thiếu quy định về công tác kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp… dẫn tới giảm hiệu lực của việc thi hành các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Tiếp đến là một số biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính như: khấu trừ tiền từ tài khoản ngân hàng, kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá, thu tiền tài sản… được quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính nhưng chưa bảo đảm tính khả thi. Trong thời gian qua, Tổng cục Môi trường đã nhận được rất nhiều ý kiến của địa phương về việc khó khăn trong việc áp dụng các biện pháp này trong thực tế, theo đó các biện pháp như cắt điện, cắt nước, thu hồi mã số thuế hay giấy phép đăng ký kinh doanh là các biện pháp có tính khả thi cao nhưng không được quy định để áp dụng dẫn đến hiện tượng các doanh nghiệp cố tình chây ì không thi hành các quy định xử phạt của cơ quan quản lý nhà nước.
Mặt khác, Nghị định 155 qua hơn 2 năm triển khai cũng bộc lộ một số vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện. Chẳng hạn như chưa quy định rõ đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính; việc sử dụng kết quả thu bằng thiết bị, hệ thống quan trắc tự động, liên tục khí thải, nước thải để làm căn cứ xử phạt vi phạm hành chính còn hạn chế; chưa quy định xử phạt đối với một số hành vi có xảy ra trên thực tế như: xây lắp không đúng quy định đối với công trình bảo vệ môi trường; không có biện pháp thu gom triệt để nước thải, khí thải phát sinh trong quá trinh hoạt động để xử lý theo quy định; không vận hành công trình xử lý chất thải;…
Trong khi đó, Quốc hội đã thông qua Luật số 12/2017/QH14 - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, theo đó Chương tội phạm môi trường đã được sửa đổi, bổ sung; Chính phủ đã ban hành một số quy định mới như Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường... theo đó đã bổ sung một số các quy định mới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Vì vậy, một số quy định của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Các khó khăn, thách thức xuất phát từ nhiều nguyên nhân; trong đó nguyên nhân chủ quan là ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của người dân và doanh nghiệp đã có chuyển biến tích cực nhưng nhìn chung vẫn còn chưa cao; các vi phạm của cơ sở có xu hướng ngày càng tinh vi, mang tính chống đối cao trong khi lực lượng cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường còn mỏng, lại bị ràng buộc bởi các quy định của Luật thanh tra nên việc phát hiện hành vi vi phạm là hết sức khó khăn.
Đồng thời, phương tiện, thiết bị, lực lượng giám sát, thực thi pháp luật, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của nhiều một số cán bộ thanh tra môi trường ở Trung ương và địa phương còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc xác định đối tượng vi phạm và công tác thực thi pháp luật. Hoạt động tuyên tuyền, kêu gọi các đoàn thể xã hội, người dân tham gia giám sát về bảo vệ môi trường còn chưa hiệu quả… dẫn đến việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm còn chưa kịp thời, khiến tình trạng vi phạm môi trường, tội phạm về môi trường vẫn còn xảy ra và nhiều trường hợp có diễn biến phức tạp.
PV:Vậy thì, theo ông cả nước nói chung, trong đó có TP Hà Nội cần làm gì để đẩy mạnh việc triển khai Nghị định 155 trong thực tiễn, góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp?
Ông Nguyễn Hưng Thịnh: Để đẩy mạnh việc triển khai Nghị định 155 trong thực tiễn cần triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Trước hết, các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở Trung ương và địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, đa dạng hóa nội dung và phương thức tuyên truyền các quy định về bảo vệ môi trường, các hành vi vi phạm, khung và mức phạt theo Nghị định 155 để người dân và doanh nghiệp biết và thực hiện tốt nhằm hạn chế hành vi vi phạm.
Đồng thời, thường xuyên cập nhật các thông tin về bảo vệ môi trường trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng; tạo điều kiện để người dân chủ động phát hiện, tố giác các vi phạm về bảo vệ môi trường tới cơ quan có thẩm quyền, cung cấp cho cơ quan thanh tra, kiểm tra các thông tin về ô nhiễm môi trường để kịp thời xem xét, xử lý.
Song song với đó, Tổng cục Môi trường đang khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những bất cập, vướng mắc của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành, đáp ứng yêu cầu quản lý thực tế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người có thẩm quyền thi hành nhiệm vụ ở cơ sở và đảm bảo chế tài cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với cá nhân; tiếp tục rà soát các văn bản, quy định pháp luật còn thiếu, chưa phù hợp với thực tiễn để kiến nghị Chính phủ, Quốc hội kịp thời sửa đổi, ban hành và sớm áp dụng trong thực tế.
PV:Xin trân trọng cảm ơn ông!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã