Làm việc với một số tỉnh, thành ĐBSCL tham gia Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) mới đây, ngài Hardwick Shyvan Tchale, Chủ nhiệm Dự án của Ngân hàng Thế giới (WB), đã chỉ ra những điểm yếu cốt lõi của các tổ chức nông dân hiện nay: “Đó là năng lực quản trị và năng lực tài chính của các đơn vị này còn yếu, nhất là về nguồn vốn đối ứng theo quy định nên chưa khai thác hết công năng của công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư. Từ đó, khiến cho việc đầu tư trang thiết bị của dự án VnSAT cho các chức nông dân - Hợp tác xã (HTX), ở một số địa phương còn chậm, hạn chế”.
Thấy được những hạn chế, yếu kém, từ khi bắt tay triển khai dự án VnSAT, song song với việc tập huấn kỹ thuật cho nông dân, các địa phương đã tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho tổ chức nông dân, nhất là đối với hội đồng quản trị của các HTX.
Ông Võ Minh Phúc, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án VnSAT Hậu Giang cho biết, trong năm 2020, để nâng cao năng lực quản trị cho các tổ chức nông dân, tỉnh sẽ thực hiện 5 lớp đào tạo về quản lý và phát triển HTX kiểu mới, quy mô từ 300 -500 ha trở lên. Phối hợp với các đơn vị chuyên môn tiến hành thành lập thêm 3 tổ chức nông dân/ HTX kiểu mới, với quy mô diện tích từ 500 hộ/500 ha.
Đối với nông dân, dự án VnSAT tỉnh sẽ mở tổng số 18 lớp đào tạo 3 ngày về kỹ thuật “1 phải 5 giảm” cho nông dân trong vùng dự án. Qua đào tạo, ước có khoảng 70% nông dân áp dụng quy trình canh tác “3 giảm 3 tăng” (đã được đào tạo trước đó) và từ 50 - 60% nông dân áp dụng quy trình canh tác lúa “1 phải 5 giảm”.
Ngoài ra, còn có 7 lớp đào tạo về luân canh cây trồng, 17 lớp đào tạo về tận dụng sản phẩm lúa gạo, 5 lớp đào tạo về nhân giống lúa xác nhận, 13 lớp về kỹ thuật sản xuất lúa VietGAP. Các lớp này sẽ do các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật của dự án và thuê tư vấn hỗ trợ tập huấn. Tiến hành đánh giá cho các HTX có hợp tác cánh đồng lớn gắn với bao tiêu sản phẩm bền vững với doanh nghiệp. Hỗ trợ công tác lấy mẫu phân tích đất trồng, nước tưới để xác định hàm lượng dinh dưỡng đất, tính chất nước phục vụ sản xuất bền vững cho các tổ chức nông dân/ HTX trong vùng dự án.
Ông Phúc cho biết thêm, để phục vụ cho công tác đào tạo được hiệu quả, tỉnh sẽ tổ chức 29 mô hình trình diễn áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến. Trong đó, bao gồm 7 mô hình trình diễn luân canh cây trồng, 17 mô hình trình diễn tận dụng sản phẩm phụ lúa gạo, 5 mô hình trình diễn nhân giống lúa xác nhận. Ngoài ra, còn thực hiện mô hình “Sản xuất lúa thông minh ứng dụng công nghệ 4.0”, các mô hình tiên tiến khác theo kế hoạch đã được cấp trên phê duyệt và phối hợp với ngành nông nghiệp địa phương để triển khai thực hiện.
Tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ dự án, như hỗ trợ cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho các tổ chức nông dân tiên tiến trong vùng dự án. Tổ chức các hội thảo truyền thông, hội thảo đầu bờ, điểm trình diễn, tập huấn nâng cao năng lực, hội nghị sơ kết hoạt động dự án. Thực hiện các gói mua sắm hàng hóa, thiết bị và hoạt động tư vấn.
Tương tự, tại tỉnh Sóc Trăng, hàng ngàn hộ nông dân trong vùng dự án và hàng trăm cán bộ, tổ chức nông dân tham gia dự án đã được tập huấn về kỹ thuật, đào tạo nâng cao năng lực quản trị.
Ông Huỳnh Văn Những, Phó Giám đốc VnSAT Sóc Trăng cho biết, lũy kế đến tháng 6/2020, toàn tỉnh đã đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ, tổ chức nông dân được 437/500 người so với mục tiêu đề ra, đào tạo về quản lý, phát triển HTX kiểu mới được 295/500 người, dự kiến đến cuối năm sẽ đạt 415 người.
Số người được hưởng lợi từ dự án VnSAT Sóc Trăng lũy kế đến nay là 77.800/71.000 người so mục tiêu đề ra. Diện tích áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong canh tác đạt 22.013/200.000 ha.
Vốn điều lệ hạn hẹp, quy mô hoạt động nhỏ nên nguồn vốn đối là khó khăn rất lớn đối với các tổ chức nông dân/HTX khi tham gia dự án VnSAT, nhất là đối với các đơn vị mới thành lập. Thấy được những hạn chế này, các địa phương đã có những chích sách để “hà hơi, tiếp sức” cho các đơn vị này đủ sức tham gia. Cụ thể, để được dự án đầu tư hỗ trợ hạ tầng, các HTX phải có nguồn vốn đối ứng là 20%. Không ít tiểu dự có số vốn đầu tư lên tới cả chục tỷ đồng, nguồn vốn đối ứng là không nhỏ nên các HTX bị đuối sức.
Theo ông Phúc, để giải quyết bài toán tài chính cho các tổ chức nông dân tham gia dự án, tỉnh Hậu Giang đã quyết định hỗ trợ 17% trong tổng số 20% cần đối ứng (hỗ trợ hạ tầng theo Công văn 189/UBND-NCTH của tỉnh), các đơn vị tham gia chỉ phải đóng góp 3% là đủ.
Cụ thể, hỗ trợ đầu tư cho các tổ chức nông dân đợt 1 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, có 4 HTX được hưởng lợi, gồm: HTX Nông nghiệp Thuận Lợi, HTX Danh Tiến (huyện Long Mỹ), HTX Nông nghiệp 26/3 (huyện Phụng Hiệp) và HTX Nông nghiệp Vị Thắng (hiện Vị Thủy). Tổng vốn đầu tư cho các HTX này lên đến hơn 24,6 tỷ đồng. Số vốn cần đối ứng (20%) là trên 4,8 tỷ đồng. Nếu phải đóng góp toàn bộ nguồn vốn đối ứng này, nhiều HTX sẽ không đủ lực. Tuy nhiên, nhờ tỉnh có chính sách hỗ trợ của tỉnh (17%, gần 4,2 tỷ đồng) nên các HTX chỉ còn phải đóng góp khoảng 738 triệu đồng. Đến nay, các HTX mới đóng được 492 triệu đồng, hiện đang chuẩn bị góp thêm tiếp.
Về thực hiện đầu tư hạ tầng cho các tổ chức tham gia Dự án VnSAT, hợp phần lúa gạo tại khu vực ĐBSCL, tỉnh Sóc Trăng được đánh giá là đơn vị dẫn đầu hiện nay. Có được kết quả này, ngoài việc sự vào cuộc quyết liệt của các cán bộ tham gia dự án, sự tích cực của các tổ chức nông dân, còn có vai trò to lớn của chính quyền các cấp, nhất là hỗ trợ tài chính để tham gia đối ứng.
Cụ thể, để dự án có thể triển khai hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà kho, lò sấy lúa… thì HTX phải có mặt bằng xây dựng, góp vốn đối ứng về thiết bị. Tuy nhiên, nhiều chỗ đất nền rất thấp, cần phải san lấp mặt bằng, HTX không đủ năng lực tài chính thực hiện. Nếu để HTX tự xoay xở thì sẽ trễ tiến độ thực hiện dự án. Vì vậy, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có chính sách để hỗ trợ một phần kinh phí này. Đến nay, tổng số tiền đã hỗ trợ cho các HTX san lấp mặt bằng là trên 4 tỷ đồng. Ngoài ra, một số nơi chưa có đường điện 3 pha tới nơi để xuống trạm biến thế, phục vụ hoạt động của nhà kho, trạm bơm điện, tỉnh cũng đã ứng vốn cho điện lực để thực hiện trước, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất của bà con xã viên được tốt hơn.
Nhờ được dự án VnSAT hỗ trợ đầu tư hạ tầng, tập huấn đào tạo nâng cao năng lực quản trị, các tổ chức nông dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã tăng mạnh cả về quy mô diện tích, lẫn hiệu quả hoạt động. Đánh giá về sự phát triển của 10 HTX đã được đầu tư tiểu dự án.
Ông Huỳnh Văn Những, Phó Giám đốc VnSAT Sóc Trăng tự hào: “Hiện nay, quy mô diện tích trung bình đạt 556 ha/ HTX, so với trước khi có dự án là 116 ha. Số thành viên hội đồng quản trị là 7 người/hợp tác xã, tăng 2 người so với trước đây. Vốn góp của thành viên/ HTX tăng từ 132 triệu đồng lên mức 281 triệu đồng hiện nay. Diện tích các HTX phối hợp với doanh nghiệp tiêu thụ lúa cho thành viên hiện nay đạt 4.531 ha, tăng 2.681 ha so với khi dự án chưa triển khai”.
Bạn đang đọc bài viết Nâng cao năng lực cho tổ chức nông dân sản xuất lúa tại chuyên mục Tái cơ cấu Nông nghiệp của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, Viber: 0369024447.
Đ.T.CHÁNH – HỮU ĐỨC/ https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã