Học tập đạo đức HCM

Hà Tĩnh: Liên kết nuôi ong, thong dong đếm tiền!

Thứ hai - 17/08/2020 21:25
Người dân huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh) đang phát triển nghề nuôi ong ruồi theo hướng chế biến sâu, liên kết từ khâu nuôi đến chế biến, bảo quản, bao tiêu sản phẩm.

Áp dụng khoa học- công nghệ vào chế biến mật

Hương Sơn - huyện miền núi phía Tây tỉnh Hà Tĩnh là địa phương có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển chăn nuôi, trong đó điểm nhấn vẫn là hươu sao và các sản phẩm chế biến từ nhung hươu.

Tuy nhiên, khoảng 2 năm lại nay, với lợi thế có hơn 84.000 ha rừng đem lại nguồn phấn hoa dồi dào, Hương Sơn đã đẩy mạnh phát triển nghề nuôi ong ruồi lấy mật theo hướng chế biến sâu. “Nước cờ” này được đánh giá hết sức phù hợp, tạo việc làm cho người dân sống gần rừng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội khu vực biên giới Việt - Lào.

Theo ông Nguyễn Quang Thọ, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, nghề nuôi ong lấy mật là nghề “đầu tư ít lãi cao” nhưng lâu nay việc tổ chức sản xuất chưa được bài bản, đang mang

HTX mật ong Cường Nga đầu tư hơn 600 triệu đồng trang bị hệ thống máy móc chế biến mật đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Thanh Nga. 

HTX mật ong Cường Nga đầu tư hơn 600 triệu đồng trang bị hệ thống máy móc chế biến mật đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Thanh Nga. 

tính tự phát, đầu ra sản phẩm thả nổi tự do nên hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng.

Năm 2019, đón đầu chính sách hỗ trợ mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh, huyện, HTX mật ong Cường Nga, xã Quang Diệm ra đời, với nhiệm vụ chính là xây dựng thương hiệu sản phẩm ong giống và mật ong “made in Hương Sơn”.

“Sau hơn một năm đi vào hoạt động, HTX hoạt động rất hiệu quả. Hiện sản phẩm mật ong Cường Nga đã đạt chuẩn VietGAP và là 1 trong 72 sản phẩm đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn OCOP 3 sao; là 1 trong 17 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu được vinh danh tại hội nghị tổng kết NTM toàn tỉnh năm 2019”, ông Nguyễn Quang Thọ thông tin.

Mật ong thô được thu mua từ hộ dân. Ảnh: Thanh Nga.

Mật ong thô được thu mua từ hộ dân. Ảnh: Thanh Nga.

Một buổi sáng tháng Tám trời hửng nắng, theo lời giới thiệu của lãnh đạo huyện, chúng tôi tìm đến HTX mật ong Cường Nga, thôn 5 xã Quang Diệm.

Tại đây, anh Nguyễn Văn Cường (sinh năm 1983) – người đầu tiên hình thành ý tưởng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mật ong Hương Sơn trải lòng: Đầu những năm 2000, gia đình anh đã gắn bó với nghề nuôi ong ruồi. Ban đầu gia đình chỉ đặt nuôi trên dưới chục đàn trong vườn với mục đích lấy mật phục vụ sinh hoạt trong gia đình.

Quá trình nghiên cứu, anh Cường gắn bó với ong ruồi lúc nào không hay. Hàng năm tỉnh, huyện, xã có lớp tập huấn về nuôi ong anh đều xung phong tham gia, đồng thời học hỏi thêm trên internet, sách báo về kỹ thuật nuôi ong.

Tháng 8/2019, lấy ý tưởng từ một tổ hợp tác, anh Cường tập hợp thêm 10 thành viên trên địa bàn huyện thành lập nên HTX mật ong Cường Nga, cùng với đó đăng ký tham gia Chương trình OCOP của tỉnh Hà Tĩnh.

Theo anh Cường, các thành viên trong HTX đều là các hộ nuôi ong có đam mê, kinh nghiệm. Bình quân hộ thấp nhất nuôi 50 đàn ong, hộ nhiều nhất lên đến gần 200 đàn, tập trung ở các xã Sơn Kim II, Sơn Tây, Quang Diệm, thị trấn Tây Sơn…

Sau đó đưa về nhà máy chế biến theo một quy trình khép kín. Ảnh: Thanh Nga.

Sau đó đưa về nhà máy chế biến theo một quy trình khép kín. Ảnh: Thanh Nga.

“Việc thành lập HTX và tham gia Chương trình OCOP đã hỗ trợ các thành viên về mặt kỹ thuật cũng như phát triển thị trường đầu ra cho sản phẩm. Năm 2019, dù mới thành lập nhưng HTX đã bao tiêu hơn 1.200 lít mật ong cho bà con nông dân; 8 tháng đầu năm 2020 đã tiêu thụ gần 2.500 lít”, anh Cường nói.

Chủ tịch Nguyễn Quang Thọ cho rằng, điểm nhấn trong việc tái cấu trúc chăn nuôi ong so với truyền thống ở huyện Hương Sơn chính là khâu chế biến sâu sản phẩm mật.

Từ bao đời nay, đến chu kỳ khai thác mật, người dân chỉ vắt, lọc qua một lớp vải màn, đóng vào chai rồi đem bán cho khách có nhu cầu, không ai kiểm soát chất lượng. Cách làm truyền thống này khiến mật bị lẫn nhiều cặn bã, tạp chất; mật dễ lên men, đóng đường; thời gian bảo quản ngắn. 

“Khi HTX mật ong Cường Nga áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào chế biến mật, các hạn chế trên được khắc phục triển để. Mật đặc hơn, thời gian bảo quản lâu hơn và rất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Thọ đánh giá.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện mật ong Cường Nga không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn được người tiêu dùng ở các tỉnh, thành lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Vinh (Nghệ An)… tin tưởng, lựa chọn sử dụng.

Về quy trình chế biến, anh Đinh Nho Tuấn, vừa là thành viên HTX vừa là cán bộ kỹ thuật cho hay, hàng năm đến kỳ thai thác (từ tháng 2 đến tháng 5 âm lịch) mật được thu mua đồng loạt, sau đó dùng máy quay li tâm tách mật ra khỏi bánh tổ ong.

Tiếp đến đóng can nhập số lô, đưa về nhà máy lọc. Bước tiếp theo đưa vào hệ thống hạ thủy phần, diệt men, diệt nấm, phá kết tinh. Cuối cùng cho vào bồn chứa, đóng mật vào chai, xuất bán ra thị trường.

Sản phẩm mật ong Cường Nga được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Ảnh: Thanh Nga.

Sản phẩm mật ong Cường Nga được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Ảnh: Thanh Nga.

“Cầu” tăng thúc đẩy “cung” phát triển

Khi nhu cầu sử dụng mật ong lớn, người chăn nuôi cũng mạnh dạn đầu tư tăng đàn. Anh Nguyễn Văn Cường cho hay, để tạo vùng nguyên liệu ổn định, HTX còn liên kết với gần 20 hộ dân trên địa bàn toàn huyện mở rộng quy mô nuôi, đầu tư chăm sóc đàn ong để tăng sản lượng, chất lượng mật.

Hộ ông Lê Thái Quang, thôn 3 xã Quang Diệm có 50 đàn ong nuôi gần khu vực rừng Thúp Lúp. Những năm trước, gia đình ông nuôi ong theo kiểu ăn may, thiếu kỹ thuật chăm sóc. Sau khi lên kết với HTX mật ong Cường Nga, ông Quang được hưỡng dẫn tỉ mỉ cách chăm sóc đàn ong “vượt đông”, tránh các vật chủ gây hại cho ong “chúa”.

Người dân Hương Sơn đang đẩy mạnh chăn nuôi ong lấy mật. Ảnh: Thanh Nga.

Người dân Hương Sơn đang đẩy mạnh chăn nuôi ong lấy mật. Ảnh: Thanh Nga.

“Thời gian nhạy cảm nhất rơi vào 7 đến tháng 9 âm lịch. Giai đoạn này cây cối khô khốc, không có hoa, dịch bệnh nhiều và thường bị ong vò vẽ (ong chần) quấy phá nên cần bổ sung thêm phấn hoa hoặc bột đậu nành để đảm bảo thức ăn cho ong.

Hay mùa đông, tuyệt đối không được khai thác mật, phải phủ ấm và bổ sung đường cho đàn ong duy trì nhiệt độ, ủ ấm cho con non”, ông Quang như đọc thuộc lòng kỹ thuật nuôi được các thành viên trong HTX Cường Nga chia sẻ cách đây gần một năm.

Riêng gia đình anh Cường, nhận thấy nhu cầu sử dụng mật ong trên thị trường lớn, anh mạnh dạn đầu tư nuôi gần 200 đàn ong để cung cấp ong chúa, ong giống cho người dân trong tỉnh có nhu cầu.

“Từ đầu năm đến nay tôi đã xuất bán hơn 100 đàn ong giống và thu hàng trăm lít mật, lợi nhuận ước đạt hơn 250 triệu đồng”, anh Nguyễn Văn Cường chia sẻ.

Đồng thời cho biết, ngoài chuyển giao kỹ thuật, HTX mật ong Cường Nga còn là nơi cung cấp ong giống và vật tư ngành ong như thùng quay li tâm, chân tầng ong, mũ, áo bảo hộ, dụng cụ nuôi ong…

Theo tính toán của người nuôi ong Hương Sơn, bình quân suất đầu tư một đàn ong 3 cầu hết trên dưới 800 ngàn đồng. Nhưng chưa đầy 1 năm sau, lợi nhuận từ mật và bán ong giống đã đạt khoảng 3 – 3,2 triệu đồng/đàn.

Ưu điểm của nghề nuôi ong là chi phí đầu tư thấp, rất phù hợp với địa hình rừng núi, nhiều cây cối, ít phải chăm sóc, thời gian nuôi đến khi thu hoạch ngắn nên người dân thu hồi vốn nhanh…

Phấn đấu đến năm 2020 tăng quy mô toàn huyện lên đạt 15.000 đàn. Ảnh: Thanh Nga.

Phấn đấu đến năm 2020 tăng quy mô toàn huyện lên đạt 15.000 đàn. Ảnh: Thanh Nga.

Ông Nguyễn Quang Thọ, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn khẳng định, ngoài các đối tượng chủ lực tập trung phát triển như hươu sao, trâu bò, lợn…, từ nay đến năm 2025 Hương Sơn sẽ đẩy mạnh nghề nuôi ong lấy mật.

“Dự kiến cuối năm nay huyện sẽ ban hành chính sách hỗ trợ phát triển đàn ong nhằm khai thác tối đa lợi thế về khí hậu, thời tiết, đặc biệt là diện tích rừng tự nhiên lớn. Đây chính là nguồn thức ăn dồi dào cho đàn ong không phải địa phương nào cũng có. Hơn nữa, địa phương cũng đã xây dựng được quy trình sản xuất mật ong khép kín, kết nối tiêu thụ với các bạn hàng trong và ngoài tỉnh nên đầu ra cũng khá yên tâm”, ông Thọ nhấn mạnh thêm.  

Từ năm 2017, khi giá lợn, bò giảm sâu người dân Hương Sơn tập trung phát triển mạnh đàn ong. Cụ thể, năm 2016 đàn ong mới đạt 4.785 đàn, đến năm 2017 tăng lên 6.788 đàn; dự kiến đến năm 2025 tăng quy mô đạt 15.000 đàn; sản lượng mật trên 100 tấn; giá trị sản xuất hơn 21 tỷ đồng.

Thanh Nga - Võ Dũng/https://nongnghiep.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập214
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm213
  • Hôm nay27,469
  • Tháng hiện tại418,940
  • Tổng lượt truy cập90,482,333
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây