Thời gian vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành sớm các quy hoạch về sử dụng đất, về các vùng chuyên canh cây hoa, màu, cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến giấy, bột giấy và chế biến gỗ.
Thực hiện định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng diện tích trồng các loại cây có giá trị, đồng thời duy trì một tỷ lệ thích hợp các cây lương thực, đặc biệt là cây lúa, để đảm bảo an ninh lương thực.
Ngành nông nghiệp cũng hướng tới việc trồng trọt đa dạng và chuyên canh nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất, tăng giá trị trên một đơn vị diện tích, phát triển các nhóm cây trồng chủ lực và phát triển theo vùng sinh thái, ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Cụ thể, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh đã rà soát các loại cây trồng chủ lực, xây dựng thương hiệu sản phẩm và xây dựng phương án chuyển đổi cây trồng phù hợp với lợi thế của các địa phương và nhu cầu thị trường.
Với chủ trương đa dạng hóa cơ cấu giống, rải vụ thu hoạch, tăng hiệu quả sản xuất, nhiều giống rau, hoa màu có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao được người dân lựa chọn đưa vào sản xuất, thay thế những giống cũ có năng suất, chất lượng thấp.
Tại một số vùng trồng cây ăn quả, cây công nghiệp tập trung của các địa phương trong tỉnh đã tích cực duy trì các vùng sẵn có, đồng thời đưa một số giống mới có năng suất, chất lượng cao đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng vào sản xuất như vải chín sớm (chiếm trên 16% cơ cấu giống, tập chung chủ yếu tại Uông Bí); cam V2, cam CS1, cam đường canh (chiếm trên 32% cơ cấu giống cam); na dai (chiếm khoảng 98% cơ cấu giống na); chè cành Ngọc Thúy, LDP1, LDP2 (chiếm trên 60% cơ cấu giống chè); ổi Đài Loan, thanh long ruột đỏ...
Đồng thời, Quảng Ninh đã xây dựng và phát triển thành công các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế của tỉnh, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp.
Tập trung phát triển chính 3 nhóm sản phẩm: Nhóm cây có lợi thế cạnh tranh và tăng giá trị gia tăng lớn (Rau sạch, lúa chất lượng, lúa nếp cái hoa vàng, cây ăn quả (na, vải, cam); cây công nghiệp lâu năm (chè), cây dong riềng ); Nhóm sản phẩm tiềm năng (Phát triển diện tích hoa, cây cảnh); Sản phẩm hỗ trợ phát triển ngành chăn nuôi (ngô, cỏ…).
Có thể tháy, đây chỉ là số ít cây chủ lực trồng chủ lực hiệu quả mà tỉnh Quảng Ninh lựa chọn, gắn với quá trình hình thành lĩnh vực trồng trọt đa dạng, tùy vào thế mạnh của địa phương. Quá trình quy hoạch vùng trồng trọt mang tính sáng tạo, phù hợp với thổ nhưỡng, đất đai.
Ngành NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh không rập khuôn, áp đặt cây trồng cho tất cả các địa phương, mà để địa phương tự đưa ra lựa chọn, hướng người dân đến lợi ích lâu dài, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập.
Có thể khẳng định, chính sách đặc thù khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung là một chính sách đúng đắn, giúp ngành NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ.
Hiện, công việc này đang được tiếp tục triển khai, hình thành thêm các chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, phát huy nội lực trong phát triển nông nghiệp.
Trong lĩnh vực trồng trọt, Quảng Ninh khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích đất nông nghiệp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường.
Ngành chức năng tỉnh Quảng Ninh thường xuyên theo dõi sát diễn biến tình hình dịch hại, công tác điều tra, phát hiện, dự tính dự báo, các đối tượng dịch hại cơ bản được kiểm soát tốt được thực hiện tốt.
Tổ chức các đợt kiểm tra đánh giá tình hình sinh vật gây hại, công tác phòng trừ dịch hại trên địa bàn toàn tỉnh trong các đợt chỉ đạo phòng trừ.
Ban hành Danh mục thuốc BVTV từ 4068 tên thương mại thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, còn 76 tên thương mại để nông dân tham khảo và sử dụng; Phân bón từ trên 7000 loại xuống còn 50 loại ; Các loại thuốc BVTV, Phân bón cho bà con nông dân tham khảo và sử dụng là những loại tốt nhất, an toàn với môi trường và an toàn với các sản phẩm nông sản.
Những chính sách thông thoáng, cởi mởchính là đòn bẩy, cơ hội lớn để người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, dám đột phá trong sản xuất, biến những cánh đồng trồng trọt manh mún, thiếu hiệu quả thành những cánh đồng lớn, quy mô sản xuất mang tính hàng hoá, tập trung, chuyên canh cao.
Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tích hợp các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của Trung ương và chính sách của tỉnh đã ban hành, tránh chồng chéo, bổ sung những nội dung mới phù hợp chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới nhằm thu hút nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, tăng thu nhập và nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn.
Đơn cử đối với nghị quyết khuyến khích thúc đẩy các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp sau khi khởi công xây dựng thì được tạm ứng 50% mức vốn hỗ trợ, sau khi dự án hoàn thành đầu tư và được nghiệm thu thì được giải ngân 50% mức vốn hỗ trợ còn lại.
Đối với các dự án còn lại thực hiện hỗ trợ sau đầu tư, sau khi thực hiện xong nội dung hỗ trợ thì được giải ngân 70% mức hỗ trợ và sau khi nghiệm thu thì được giải ngân 30% mức vốn hỗ trợ còn lại.
Đồng thời, có nhiều nội dung hỗ trợ thành lập mới các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp, cơ sở sản xuất được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP, người sản xuất được giải ngân 100% mức hỗ trợ khi đủ điều kiện và đi vào hoạt động ổn định trong 6 tháng…
Anh Thắng/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã