Học tập đạo đức HCM

Thâm canh cây có múi theo VietGAP

Thứ ba - 05/12/2017 03:37
Đó là mục tiêu chính được các đại biểu 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ (từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế) tập trung thảo luận tại diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp về “Giải pháp nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cây ăn quả có múi” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NN-PTNT Hà Tĩnh vừa tổ chức.

100% sản phẩm vùng tập trung đảm bảo an toàn

Hiện khu vực Bắc Trung Bộ đã phát triển được khoảng 16.279ha cây ăn quả có múi (cam, bưởi, quýt). Nếu so sánh với các vùng khác trong cả nước thì diện tích này không lớn, tuy nhiên những năm gần đây, khi thực hiện chương trình Nông thôn mới thì phong trào sản xuất cây ăn quả có múi tăng mạnh cả về quy mô diện tích, năng suất và hiệu quả kinh tế.

15-01-54_nh1
Nhiều câu hỏi của nông dân về phát triển cây ăn quả có múi được các nhà khoa học và cơ quan chuyên môn giải đáp tại diễn đàn

Theo Cục Trồng trọt, toàn vùng Bắc Trung Bộ đang có hơn 9.800ha cam phát triển tốt, tập trung chủ yếu ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Những năm gần đây diện tích cam trên cho năng suất, hiệu quả kinh tế khá cao, thương hiệu một số loại “đứng” được trên thị trường trong và ngoài vùng, thậm chí ở các thị trường “khó tính” như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Điển hình là cam Vinh, cam Vân Du, Sông Con (Nghệ An); cam Khe Mây, Thượng Lộc, cam bù Hương Sơn (Hà Tĩnh)...

Đối với cây bưởi, diện tích hiện có là 5.155ha (chiếm 20,6% so với diện tích toàn vùng phía Bắc và 8,6% so với cả nước). Tập trung nhiều ở Hà Tĩnh (khoảng 2.000ha); Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế (hơn 1.000ha/tỉnh) và Nghệ An (730ha). Có 2 thương hiệu bưởi nổi tiếng là Phúc Trạch (Hà Tĩnh) và Thanh Trà (Thừa Thiên - Huế). Còn cây quýt, hiện diện tích đạt khoảng 1.270ha; chủ yếu tập trung ở tỉnh Nghệ An với hơn 900ha.

Mặc dù nằm trong nhóm 15 loài cây trồng có diện tích và sản lượng lớn nhất trong sản xuất cây ăn quả của cả nước. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất hiện nay trong phát triển cây có múi khu vực Bắc Trung Bộ là sản xuất quy mô nhỏ lẻ, phân tán (bình quân phổ biến 0,2 – 0,6ha/vườn hộ) dẫn đến quy cách, mẫu mã, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều. Bên cạnh đó, tâm lý trồng cây ăn quả theo phong trào, tự phát; năng suất thấp, đầu ra bấp bênh nên không đảm bảo tính ổn định, bền vững.

15-01-54_2
Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh cho biết, cam và bưởi là 2 cây trồng được tỉnh chọn chủ lực tập trung phát triển thời gian tới

Để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế các vùng đất đồi khu vực Bắc Trung Bộ, ngành NN-PTNT và các nhà khoa học đang khuyến khích các địa phương tập trung thâm canh, hướng tới mở rộng áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Đối với cây cam, quýt, sản xuất tập trung trên 70% diện tích gắn với ngành công nghiệp chế biến; 100% sản phẩm vùng tập trung đảm bảo ATTP. Riêng cây bưởi, chú trọng tại Hà Tĩnh và Thừa Thiên - Huế, trong đó diện tích sản xuất tập trung trên 70% và 100% sản phẩm vùng tập trung đảm bảo ATTP.  

Thu 5 tỷ từ cam

Theo đánh giá của nhiều hộ dân, hiệu quả kinh tế từ cây ăn quả có múi cao hơn nhiều lần so với trồng cây lâm nghiệp và các cây trồng khác. Đặc biệt, ở khu vực Bắc Trung Bộ, diện tích đất đồi núi lớn, nghèo chất dinh dưỡng và thường xuyên phải đối mặt với thời tiết bất thuận thì việc phát triển cây ăn quả là một hướng đi đúng đắn. Vấn đề bà con quan tâm, lo lắng nhất hiện nay là giống và đầu ra sản phẩm.

Ông Đinh Văn Oánh (64 tuổi) ở xã Hương Đô, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) nói: “Bây giờ virus gây hại cam rất nhiều do đó để nông dân tiếp cận được nguồn giống tốt, đề nghị các ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo các giống cam mới; quản lý chặt chẽ hoạt động cung ứng giống tại các doanh nghiệp, đơn vị”.

Cũng theo ông Oánh, ngoài chất lượng giống thì cần khuyến khích, hỗ trợ người sản xuất tuân thủ quy trình VietGAP để nâng cao chất lượng trái cam.

Ông Oánh là một nông dân điển hình vùng đất Hà Tĩnh trong sản xuất đặc sản cam Khe Mây (huyện Hương Khê). Năm 1991 ông là người đem những cây cam chanh đầu tiên về trồng trên đất Hương Đô, đến nay diện tích tăng lên đạt 20ha; trong đó, 7ha cho thu hoạch; năng suất bình quân 15 – 20 tấn/ha; doanh thu năm 2017 ước đạt 5 tỷ đồng. Toàn bộ diện tích của ông đều áp dụng quy trình VietGAP.

“Đất Hương Khê là đất cát pha sỏi, cằn cỗi lại hứng nhiều đợt gió nồm, gió lào nên có vị rất riêng, hội tụ đủ 3 vị ngọt, chua, mặn. Với giá trị dinh dưỡng cao đó nên giá bán thường giao động từ 60.000 – 70.000đ/kg, cao hơn các vùng khác từ 20.000 -30.000đ/kg”, ông Đinh Văn Oánh nhấn mạnh.

15-01-54_4
Nông dân Hà Tĩnh giàu lên nhờ sản xuất cam

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, cam và bưởi đang là 2 cây trồng được tỉnh xác định là cây chủ lực tập trung phát triển tại các huyện có diện tích đất đồi núi lớn như Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Can Lộc, Kỳ Anh. Năm 2017, hơn 1.290ha kinh doanh bưởi Phúc Trạch cho năng suất 10,4 tấn/ha; doanh thu bình quân đạt 500 triệu đồng/ha. Còn cây cam, diện tích đang tăng nhanh theo từng năm, năm 2017 đạt hơn 5.000ha; sản lượng hơn 47.000 tấn; doanh thu bình quân 350 triệu đồng/ha.

“Để gia tăng hiệu quả kinh tế, thời gian tới Hà Tĩnh tiếp tục lồng ghép các chính sách phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM để hỗ trợ nông dân; đồng thời, xây dựng chuỗi giá trị từ cung ứng giống đến bao tiêu đầu ra cho bà con. Trong đó, quan tâm hàng đầu hoạt động xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm”, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh nói.

Hàng năm cơ sở Tuyết Hùng, TP Hà Tĩnh bao tiêu hàng trăm tấn cam, bưởi, quýt cho người dân toàn tỉnh Hà Tĩnh. Theo chị Tuyết, cơ sở của chị là địa điểm thu mua sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, xuất xứ “độc nhất” ở TP Hà Tĩnh. Hơn chục năm qua, cơ sở đã đi tắt đón đầu, hỗ trợ, giúp đỡ người sản xuất trong việc tiêu thụ đầu ra, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi mà cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng ngày càng cao thì cơ sở Tuyết Hùng càng được chọn lựa hàng đầu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn: “Tỉnh Hà Tĩnh đã quy hoạch từ 12.000 – 14.000ha cây ăn quả có múi. Ngoài quỹ đất, các chính sách cũng luôn được tỉnh quan tâm hàng đầu. Thông qua diễn đàn này, Sở NN-PTNT và Trung tâm Khuyến nông cần kết nối các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn Trung ương nhìn nhận lại thực trạng sản xuất cây ăn quả có múi của Hà Tĩnh. Từ đó, nghiên cứu nghiêm túc công nghệ sản xuất cây bưởi nói riêng, cây có múi nói chung; tuyển chọn kỹ càng nguồn giống và các khâu bảo quản, tiêu thụ; đặc biệt là giảm hạt trong quả cam, bưởi”.
THANH NGA/nongnghiep.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập91
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm90
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại830,822
  • Tổng lượt truy cập92,004,551
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây