AGPPS giỏi lắm, nhưng khó làm theo
TS Dư cho rằng mục tiêu của cánh đồng mẫu lớn cho phép suy nghĩ tới chất lượng cuộc sống chứ không chỉ là việc ứng dụng các giải pháp hiện đại để tổ chức sản xuất. Việc xây dựng thương hiệu lúa gạo, bán sản phẩm với giá cao, tạo thêm thu nhập và thêm công ăn việc làm trong mùa nông nhàn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Sản phẩm từ mối liên kết với nông dân. Ảnh: HL |
Tuy không kèng không trống nhưng Angimex - Kitoku đã xây dựng vùng nguyên liệu ổn định ở An Giang từ năm 1996; Doanh nghiệp Hồ Quang (Sóc Trăng) hỗ trợ nghiên cứu, cung ứng giống ST và mua lúa của nông dân cũng đã lâu rồi… Đến khi công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) có những cố gắng đặc biệt trong việc xây dựng cánh đồng mẫu, xây dựng cụm chế biến, cung cấp dịch vụ miễn phí cho khâu sau thu hoạch trong 1 tháng… thì mô hình Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang là hình ảnh minh bạch lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân rõ ràng nhất.
Tới nay, AGPPS đã xây dựng cánh đồng mẫu 26.000 ha và sẽ cố gắng nâng tổng diện tích lên nữa thích ứng công suất cụm chế biến lên 2,4 triệu tấn vào năm 2018. Mối quan hệ giữa “cần” và “lợi” ở AGPPS đã giúp nông dân thoát cảnh thu nhập bấp bênh. Nhưng theo TS Dư, tìm được một công ty thứ hai rất khó, chỉ có Tổng công ty Lương thực mới làm được nhưng họ lại chưa tham gia vào chương trình này.
Tới năm 2015, Gentraco, một trong số rất ít doanh nghiệp xây dựng cánh đồng mẫu, sẽ có cánh đồng mẫu lớn 5000 ha. Việt Nam có khoảng 153 công ty đầu mối xuất khẩu gạo (sắp xếp lại còn 100 đầu mối), nếu mỗi công ty xây dựng cánh đồng mẫu 5.000-10.000 ha thì việc tổ chức sản xuất, tồn trữ thuận lợi hơn, chất lượng gạo tốt hơn, và việc xây dựng thương hiệu lúa gạo không có gì khó, PGS.TS Phạm Văn Dư tin như vậy.
TS Lê Văn Bảnh, viện trưởng viện Lúa ĐBSCL, nói: "Theo báo cáo của VFA, ta xuất khẩu sản lượng đứng nhứt thề giới nhưng giá trị cao nhất thuộc về Thái Lan. Đứng nhứt thế giới về xuất khẩu gạo mà nông dân có vui đâu! Nhà nước muốn giữ 3,8 triệu ha trồng lúa nhưng WB điều tra thấy rằng mỗi nông hộ trồng lúa có thể lãi 30% nhưng do quy mô nhỏ nên không thể có thu nhập cao so với các tác nhân trong chuỗi giá trị: vận chuyển, xay xát, xuất khẩu… luôn có khối lượng lớn hơn".
Trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp – nông dân: Doanh nghiệp cần gì? Nông dân thực hiện đúng tiêu chuẩn. Nông dân cần gì? Sự minh bạch, rõ ràng, ổn định của doanh nghiệp. Nhưng chưa đủ, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, vay vốn…
Quá nhiều thách thức
Đất sản xuất lúa giảm, nhưng sản lượng lúa phải tăng lên và đất tốt phải giao cho công nghiệp. Tổ chức sản xuất cánh đồng mẫu lớn để khắc phục nhược điểm của nông hộ nhỏ và thực trạng này.
Kể từ lần đầu tiên bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phát động xây dựng mô hình cánh đồng mẫu tại Cần Thơ tháng 3.2011 đến nay, chủ trương mở ra cánh đồng mẫu lớn 200.000 ha nhưng vẫn chưa rộng như mong muốn. Doanh nghiệp và nông dân vẫn chưa hài lòng nhau do lấn cấn tiêu chuẩn thu mua, thái độ đồng lòng chia sẻ rủi ro và sức mua giới hạn của doanh nghiệp. PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ, trường đại học Cần Thơ, cho rằng cánh đồng mẫu còn phải giải quyết mối quan hệ giữa "cần” và “lợi” giữa các tác nhân tham gia chuỗi giá trị và nếu quan hệ này ổn thỏa thì yếu tố bền vững là làm sao nông dân có thể mua cổ phần của các công ty, cùng chăm lo cho sản phẩm cuối cùng thì việc xây dựng thương hiệu, cải thiện thu nhập mới chắc chắn hơn.
Thực trạng lâu nay, theo kỹ sư Nguyễn Thành Danh, công ty phân bón Bình Điền, cuộc khảo sát của Bình Điền, khoảng 80% nông dân mua vật tư nông nghiệp tại các đại lý đều phải trả chậm, chịu lãi suất cao. Tuy nhiên năng lực tài chính của chúng tôi không thể hỗ trợ cho chương trình mua vật tư bằng giá sỉ, trả cuối kỳ, không tính lãi suất nếu như triển khai đại trà mà không được hỗ trợ gì từ nhà nước”. Nông dân đã khổ sở khi mua chịu nợ và nhiều người không thể làm gì được khi mua phải hàng giả hoặc kém chất lượng.
Yếu tố bền vững
Ông Nguyễn Đăng Khoa, chủ tịch CLB nông dân ADC (do công ty TNHH ADC hỗ trợ), nói để “ rủ rê” nông dân xây dựng cánh đồng mẫu (nhỏ thôi, không cần lớn): "Hãy bắt đầu từ ruộng nhà, từ thân tộc, sui gia, nội ngoại. Đừng ham phình to nhanh quá, chỉ cần làm thật tốt từng mảnh ruộng. Chòm xóm sẽ thấy hiệu quả đó mà tham gia CLB”.
Cánh đồng mẫu đầu tiên của ADC ở xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang gắn với giống lúa than giàu chất kháng ung thư Anthocyanin, chỉ vài chục ha nhưng cho công ty này nhiều kinh nghiệm để tiếp tục xây dựng 3 mô hình “ Cánh đồng mơ ước” tại Mỹ Thành Nam (77,9 ha), Vĩnh Hưng, Long An (50 ha), Thoại Sơn, An Giang (44,5 ha) - làm nòng cốt cho 23 điểm thuộc khu vực sông Tiền, 30 điểm thuộc khu vực sông Hậu, quy mô diện tích 888,9 ha trong vụ đông xuân 2012-2013.
Có 3 điểm tựa trong mô hình này: 1/ Những nông dân sản xuất giỏi được huấn luyện thành chuyên gia trồng lúa trong hơn hai năm qua (sẽ bổ sung kiến thức thành chuyên gia nhiều loại cây trồng vật nuôi khác) để thực hiện ruộng mẫu; 2/ Cung cấp giống, bộ vật tư chính phẩm ADC với chính sách hợp lý (hoặc được hỗ trợ tiền trên mỗi ha /vụ quy đổi thành thuốc BVTV- giá thương mại có VAT), cho nợ phân bón và hướng dẫn cách sử dụng sản phẩm mới, có lợi cho việc kiểm soát chi phí; 3/ Công ty mua lại sản phẩm với giá thị trường. Cách làm này sẽ khiến cho dòng chảy vật tư chảy thẳng từ công ty về các nhóm nông dân thuộc CLB mà không mua nợ qua mạng phân phối truyền thống và việc kiểm soát giấy đỏ để “nắm đàng cán” sẽ được giám sát theo nhóm liên gia.
Ở những mô hình của AGPPS và ADC, nông dân đang chờ đợi một phương thức công ty bán cổ phần để từng nông dân tham gia công việc với tư cách là ông chủ nhỏ.
HOÀNG LAN
Ông Võ Minh Tấn, chủ tịch hội đồng thành viên công ty TNHH ADC: “Cánh đồng mơ ước” là xây dựng cách làm để nông dân vừa kiểm soát được chất lượng lẫn chi phí và lợi nhuận. Các nông dân sản xuất giỏi nói được làm được ngay trên mảnh ruộng của mình, chỉnh chu từng chút để bảo đảm khi tham gia mô hình có cuộc sống tốt hơn. Mô hình này có khởi đầu và sẽ không có kết thúc… |
Theo sgtt.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã