Học tập đạo đức HCM

Gà ri địa phương – Giống gà bản địa mang lại giá trị kinh tế ở miền núi Hà Tĩnh

Chủ nhật - 29/06/2025 20:50
Trước sự chuyển dịch rõ nét của thị trường từ “ăn no” sang “ăn ngon, ăn sạch”, người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn trong việc lựa chọn thực phẩm. Nắm bắt xu thế này, nhiều hộ dân ở các huyện miền núi Hà Tĩnh đã mạnh dạn chuyển đổi phương thức sản xuất, đầu tư các mô hình chăn nuôi bền vững, an toàn và thân thiện với môi trường. Trong số đó, mô hình nuôi gà ri địa phương thả vườn đang chứng minh được hiệu quả rõ rệt, không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập mà còn góp phần hình thành thương hiệu nông sản đặc trưng cho địa phương.
Tại thôn Sông Con, xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), bà Nguyễn Thị Sinh là một trong những hộ tiên phong thực hiện thành công mô hình nuôi gà ri địa phương theo hình thức bán chăn thả. Với quy mô 500 con mỗi lứa, 5 lứa mỗi năm, mô hình này đã và đang đem lại thu nhập ổn định, góp phần cải thiện rõ rệt đời sống gia đình.
Hơn 3 năm trước, gia đình bà Sinh vốn chỉ nuôi vài chục con gà quanh vườn nhà để cải thiện bữa ăn và bán lẻ cho người quen. Tuy nhiên, nhận thấy giống gà ri địa phương có chất lượng thịt thơm ngon, dễ tiêu thụ, lại phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng đồi núi, bà bắt đầu đầu tư bài bản để mở rộng quy mô chăn nuôi.
Trên khu vườn đồi rộng hơn 1 ha, bà Sinh cải tạo mặt bằng, xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố gồm: chuồng úm cho gà con, chuồng chính nuôi gà thương phẩm và khu thả vườn có rào chắn, trồng thêm cây lấy bóng mát. Khu chuồng được bố trí theo hướng đón nắng sáng, thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông, thuận tiện cho việc chăm sóc và phòng chống dịch bệnh.
Bà Sinh cho biết: “Giống gà ri địa phương có sức đề kháng tốt, không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật phức tạp, lại dễ thích nghi với điều kiện khí hậu miền núi. Mỗi lứa tôi nuôi khoảng 500 con. Sau khi úm khoảng 3 – 4 tuần thì thả ra vườn để vận động, tự tìm mồi như giun, cỏ, hạt rơi, giúp thịt gà săn chắc và thơm hơn hẳn gà nuôi công nghiệp.”
anh 1

 Đàn gà giống tại khu chuồng úm của gia đình bà Nguyễn Thị Sinh (xã Quang Diệm, Hương Sơn) được chăm sóc kỹ lưỡng để đảm bảo tỷ lệ sống cao, phát triển đồng đều
Gà được nuôi theo hình thức bán chăn thả trong vòng 3 – 3,5 tháng, khi đạt trọng lượng trung bình từ 1,6 – 1,8kg/con thì xuất bán. Trung bình mỗi lứa cho sản lượng khoảng 8,5 tạ gà thương phẩm. Với giá bán dao động từ 110.000 – 120.000 đồng/kg, doanh thu mỗi lứa đạt từ 93 – 102 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư giống, thức ăn, thuốc thú y và nhân công, lợi nhuận thu về khoảng 25 – 30 triệu đồng/lứa. Như vậy, tổng lợi nhuận mỗi năm từ mô hình này đạt khoảng 125 – 150 triệu đồng – một con số đáng khích lệ đối với mô hình kinh tế hộ tại miền núi.
Chia sẻ kinh nghiệm, bà Sinh cho biết: “Giống gà, thức ăn và cách chăm sóc là yếu tố then chốt. Tôi chọn giống gà ri địa phương – thịt thơm ngon, dễ tiêu thụ, trọng lượng vừa phải và giá cả ổn định.”
Bên cạnh yếu tố kỹ thuật, đầu ra ổn định là lý do khiến mô hình hoạt động hiệu quả. Gà thương phẩm được nhiều nhà hàng, quán ăn trong và ngoài huyện đặt mua, nhờ thương hiệu “gà đồi Hương Sơn” – hay còn gọi là “gà đi bộ”.
anh 2

Ảnh 2: Gà ri thả vườn của gia đình bà Nguyễn Thị Sinh được nuôi theo hình thức bán chăn thả, giúp thịt gà săn chắc, thơm ngon, đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch của thị trường

Không chỉ hướng tới lợi nhuận, bà Sinh còn chú trọng phát triển mô hình theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường. Trong quá trình nuôi, bà hạn chế tối đa sử dụng thuốc kháng sinh, ưu tiên các biện pháp tăng sức đề kháng tự nhiên cho gà bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, chuồng trại thông thoáng, sạch sẽ. Định kỳ, bà tiến hành phun khử trùng chuồng trại, làm vệ sinh dụng cụ chăn nuôi và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin. Nguồn thức ăn cho gà được chọn từ các thương hiệu uy tín, phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Ngoài ra, phân gà được ủ làm phân hữu cơ bón cho vườn cây ăn quả, góp phần tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường.

Bà Sinh chia sẻ, thời gian đầu triển khai mô hình gặp không ít khó khăn như: thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm và thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh, đặc biệt ở giai đoạn úm gà con. Tuy nhiên, với tinh thần cầu thị, bà không ngừng học hỏi kỹ thuật từ cán bộ khuyến nông, tham gia các lớp tập huấn và nhóm chăn nuôi trong xã để dần hoàn thiện quy trình sản xuất.
Cán bộ khuyến nông xã Quang Diệm – bà Nguyễn Thị Chi nhận định: “Dù mới triển khai hơn 3 năm, mô hình gà ri địa phương thả vườn của bà Sinh đã chứng minh hiệu quả rõ rệt. Đây là mô hình đáng học hỏi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng thương hiệu nông sản địa phương.”
Trong thời gian tới, bà Sinh có kế hoạch mở rộng quy mô chăn nuôi, xây dựng khu sơ chế nhỏ tại gia, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm và chủ động hơn trong việc cung ứng ra thị trường.
Mô hình nuôi gà ri địa phương thả vườn của bà Nguyễn Thị Sinh là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của việc áp dụng tư duy sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững và phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Không chỉ đem lại thu nhập cao, ổn định cho gia đình, mô hình còn góp phần xây dựng thương hiệu nông sản địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi, từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường về thực phẩm sạch.
Thành công của bà Sinh cho thấy nếu người nông dân biết tận dụng lợi thế sẵn có về đất đai, khí hậu, kết hợp với kiến thức, kỹ thuật và sự chủ động trong sản xuất, thì hoàn toàn có thể vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương mình. Đây cũng là hướng đi cần được nhân rộng để góp phần phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới ngày càng khởi sắc, bền vững./.
                                                                                                 Hoàng Anh Thơ
                                                                                   Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Kế hoạch số 344/KH-UBND

Tuyên truyền Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Kế hoạch số 329/KH-UBND

Triển khai Phong trào thi đua “Cả nước thi đua ĐMST và CĐS” trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Kế hoạch số 01-KH/BCĐTW

về khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số triển khai Phong trào "Bình dân học vụ số"

Thông báo số 203/TB-VPĐP

Về việc phân công nhiệm vụ các thành viên Ban biên tập, Tổ quản trị Trang thông tin điện tử Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh

Quyết định số 19/QĐ-VPĐP

Kiện toàn Ban biên tập Trang thông tin điện tử Văn phòng Điều phối thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Hà Tĩnh

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập63
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm62
  • Hôm nay0
  • Tháng hiện tại1,009,833
  • Tổng lượt truy cập101,770,740
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Lê Ngọc Huấn - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây