Mặt bằng đồng ruộng tốt giúp nông dân dễ áp dụng quy trình 1 phải 5 giảm hoặc 6 giảm
Trong đó, có kỹ thuật tưới ướt, khô xen kẽ nhằm tiết kiệm nước và giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.
Giảm chi phí
Đã 4 năm trôi qua với gần 10 vụ lúa, xã viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Kênh 7B (xã Thạnh Đông A, Tân Hiệp, Kiên Giang) liên tục duy trì quy trình sản xuất lúa giảm phát khí thải nhà kính. Từ mô hình ban đầu do cán bộ khuyến nông chuyển giao, đến nay đã lan tỏa ra toàn HTX, với tổng diện tích 526ha.
Khi mới bắt đầu thực hiện, nhiều người nghi ngại không dám áp dụng vì có quá nhiều khác biệt so với cách làm truyền thống. Thậm chí vợ chồng lục đục, giận nhau vì “ruộng người ta lúa đã lên đã xanh kín (do sạ dày) mà ruộng nhà mình nhìn vẫn thấy đất đen sì; người ta phun xịt thuốc phòng ngừa sâu, bệnh mà chồng “làm biếng” cứ ở nhà không chịu vác bình ra ruộng, còn chống chế chưa qua 40 ngày không lo”.
Bà Nguyễn Thị Nương, xã viên HTXNN Kênh 7B có 2ha sản xuất lúa. Toàn bộ thu nhập của gia đình đều trông chờ vào các vụ lúa canh tác trong năm. Năm nào được mùa, thời tiết tốt, bà có thu khoảng 20 - 30 triệu đồng; còn năm nào dịch bệnh nhiều hay lúa rớt giá thì hầu như không còn lãi. Khi mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính "1 phải, 6 giảm" (phải sử dụng giống xác nhận; giảm lượng hạt giống, giảm phân đạm bón thừa, giảm thuốc bảo vệ thực vật hóa học, giảm nước tưới, giảm tổn thất sau thu hoạch và giảm phát khí thải nhà kính) được HTX triển khai, bà Nương không dám làm theo vì sợ mất mùa.
“Tuy vậy, chồng tôi nghe khuyến cáo và chấp nhận thử nghiệm trên ruộng nhà mình, vì chuyện này mà vợ chồng tôi giận nhau gần 2 tháng”, bà Nương nhớ lại.
Sau khi gieo sạ, bà Nương đứng ngồi không yên khi thấy ruộng hộ kế bên lên xanh trong khi ruộng nhà mình vẫn đen sì, toàn thấy đất, lúa bệnh đến nơi mà chồng bà nhất quyết không cho phun xịt. Nhờ kiên trì áp dụng đúng kỹ thuật, qua 40 ngày, lúa phát triển tốt, chỉ tốn 1 lần phun thuốc và giảm 30% lượng phân bón.
“Khi canh tác lúa theo "1 phải, 6 giảm", gia đình tôi giảm được 30% lượng phân bón, giảm phun xịt thuốc BVTV 3 - 5 lần trong vụ, chỉ phun khi thật sự cần thiết; năng suất lúa tăng 10% so với trước, đặc biệt là lợi nhuận cao hơn hộ bên ngoài mô hình khoảng 7 triệu đồng/ha. Không chỉ áp dụng trong gia đình, chúng tôi còn chia sẻ kinh nghiệm với nhiều hộ khác. Đến nay, diện tích canh tác lúa lúa áp dụng "1 phải, 6 giảm" của HTX chúng tôi đã tăng lên 500ha, trong khi trước đây chỉ có 270ha”, bà Nương cho biết. |
Ông Võ Minh Chiếu, Giám đốc HTXNN Kênh 7B cho biết, nông dân ở đây đã liên kết làm ăn tập thể từ lâu, tuy nhiên vẫn làm theo tập quán truyền thống, gieo sạ mật độ dày. Từ khi tham gia sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính, áp dụng quy trình "1 phải 6 giảm" cách làm thống nhất, hàng hóa chất lượng đồng đều.
Theo ông Chiếu, nếu áp dụng đúng quy trình sẽ giảm được 50% lượng nước tưới/vụ (tưới ướt khô xen kẽ, thay vì để ruộng ngập nước liên tục. Đây cũng chính là cơ sở để giảm lượng phát thải khí nhà kính). Sạ thưa giúp giảm được 30% lượng lúa giống. Mật độ thưa cây lúa quang hợp tốt, giúp giảm sâu bệnh nên giảm số lần phun cũng như lượng thuốc cần phun, phân bón cũng giảm.
“Tính chung, quy trình này giúp giảm được khoảng 1/3 chi phí đầu tư so với sản xuất truyền thống. Trước đây, mỗi công ruộng chi phí đầu tư từ 1,6 - 1,8 triệu đồng/vụ, giờ giảm chỉ còn khoảng 1 triệu đồng, ai cao nhất là 1,2 triệu đồng. Trong khi năng suất ổn định từ bằng đến cao hơn. Vì vậy, lợi nhuận thu được tăng lên, nông dân ai cũng phấn khởi, mạnh dạn áp dụng quy trình này”, ông Chiếu đánh giá hiệu quả kinh tế.
Còn tại Hậu Giang, quy trình sản suất lúa theo "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm" hoặc "1 phải 6 giảm" ngày càng được nhiều nông dân áp dụng do thấy được lợi ích khép cả về kinh tế lẫn môi trường.
Tại phường Vĩnh Tường, TX Long Mỹ, có 73 hộ nông dân với quy mô diện tích canh tác 60ha đã mạnh dạn áp dụng phương pháp gieo cấy bằng máy, với lượng lúa giống 50kg/ha và sạ hàng, lượng giống 100kg/ha, thấp hơn nhiều so với cách sạ lang của nông dân địa phương, lên đến hơn 200kg/ha. Không chỉ sạ thưa, nông dân còn thực hiện giảm lượng phân bón và nước tưới, thuốc BVTV...
Gieo cấy bằng máy giúp nông dân giảm lượng lúa giống rất nhiều, dễ quản lý đồng ruộng, hạn chế dịch bệnh
Theo kết quả đánh giá, lúa gieo cấy ít bị dịch hại và đạt đạt năng suất cao nhất, 9 tấn/ha (vụ ĐX), lợi nhuận đạt 37 triệu đồng/ha; sạ hàng đạt 8,5 tấn/ha, lợi nhuận 22 triệu đồng/ha; trong khi ruộng đối chứng theo hình thức sạ lang truyền thống của nông dân địa phương năng suất đạt 8,3 tấn/ha, lợi nhuận chỉ đạt 12 triệu đồng/ha. Hầu hết nông dân làm theo quy trình này đều rất phấn khởi vì vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa nâng cao thu nhập cho người sản xuất.
"Ở tất cả các cánh đồng này, nông dân đều áp dụng biện pháp tưới ướt khô xen kẽ, để giảm lượng lượng tưới, giảm phát thải khí nhà kính. Sạ thưa giúp nông dân quản lý đồng ruộng được tốt hơn, ít phát sinh dịch bệnh nên giảm được số lần phun xịt thuốc BVTV. Lượng phân bón cũng giảm, nhất là giảm phân đạm. Nhờ đó, chí phí sản xuất giảm, hạ giá thành sản phẩm, tăng thu nhập cho bà con nông dân", ông Lê Châu Tứ. |
Ông Lê Châu Tứ, Trưởng phòng Chuyển giao Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang cho biết, vụ ĐX 2016 - 2017, toàn tỉnh có hơn 200ha được nông dân xuống giống bằng máy cấy, tập trung ở TX Long Mỹ, huyện Vị Thủy và Phụng Hiệp. Với phương pháp làm mạ khay và cấy bằng máy, nông dân chỉ tốn từ 50 - 60kg lúa giống/ha, giảm rất nhiều so với cách sạ lan bằng tay, lến đến 180 - 200kg lúa giống/ha.
Bảo vệ môi trường
Quy trình "1 phải 6 giảm" được ngành nông nghiệp các địa phương đánh giá là tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất lúa, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn cả về mặt môi trường.
Ông Phù Khí Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, quá trình canh tác giảm lượng phân, thuốc hóa học, giảm sử dụng tài nguyên nước nên mang lại hiệu quả về môi trường là hiển nhiên. Tuy nhiên, muốn áp dụng tốt quy trình này thì nông dân phải đầu tư san sửa mặt bằng đồng ruộng, sử dụng công nghệ trang lazer càng tốt. Vì nếu mặt bằng không tốt sẽ gây ảnh hưởng lớn đến vấn đề điều tiết nước, bón phân, khó áp dụng sạ thưa do dễ bị mất giống.
Hiện nay, trong các chương trình khuyến nông về cây lúa, tỉnh Kiên Giang luôn chú trọng tập huấn cho nông dân về quy trình “1 phải 6 giảm”. Ngoài ra, cán bộ khuyến nông còn khuyến cáo nông dân hạn chế tối đa việc đốt đồng sau mỗi mùa vụ, tránh gây ô nhiễm khói bụi. Thay vào đó là dùng các chế phân sinh học phun giúp nhanh phân hủy, để tạo thêm chất hữu cơ cho đất hoặc có thể thu gom ủ nấm, sau đó lấy mùn trả lại cho đồng ruộng.
Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang, qua quá trình tập huấn, chuyển giao và từ hiệu quả thực tế trong sản xuất, đến nay đã có khoảng 50% diện tích (trong tổng số hơn 80.000ha) trồng lúa của tỉnh được nông dân áp dụng "3 giảm, 3 tăng". Còn quy trình "1 phải 5 giảm" hoặc "1 phải 6 giảm" đạt 30% diện tích trong các mùa vụ.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tập huấn và khuyến khích nông dân áp dụng quy trình này, nhất là việc áp dụng biện pháp sạ thưa (giảm lượng giống), áp dụng biện pháp tưới ướt khô xen kẽ để tiết kiệm nước tưới, hạ giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ tốt môi trường”, ông Võ Xuân Tân khẳng định. |