Phát triển lúa hữu cơ, tôm sinh thái
Báo cáo với đoàn công tác, ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau cho biết: Năm 2020 địa phương đưa vào sản xuất được 800 ha tôm - lúa, nhưng năm nay đã tăng trưởng thêm khoảng 15%.
Theo ông Vững, mô hình tôm lúa phát triển rất bền vững, phù hợp với địa bàn huyện không giáp biển như Thới Bình. Nhờ biên độ triều cũng thấp, hằng năm tận dụng vào mùa mưa huyện chỉ đạo người dân sản xuất lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh, còn mùa nắng thì nuôi tôm sú để nuôi luân phiên 2 đến 3 vụ.
Theo đó, Thới Bình xác định mô hình tôm - lúa vừa có thu nhập cao vừa cải tạo được môi trường đất để tiến tới nuôi tôm an toàn, thành công. Con tôm ở địa phương này đang được triển khai theo hướng nuôi sinh thái, quảng canh, đồng thời vào những thời điểm phù hợp sẽ nuôi tôm sú, nuôi tôm càng xanh.
Về cây lúa, địa phương đang mạnh dạn phát triển lúa sạch và đã được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp chứng nhận. Hiện, mỗi năm huyện phát triển khoảng 15.000 ha, đồng thời huyện cũng chọn những vùng phù hợp để phát triển lúa hữu cơ.
“Các mô hình này đang phát triển rất bền vững, hàng năm cho bà con thu nhập khá cao, lại ít rủi ro, về lâu dài huyện phấn đấu phát triển khoảng 5 ngàn ha lúa hữu cơ dưới tán rừng và phối hợp tập đoàn Minh Phú để bao tiêu đầu ra”, ông Vững chia sẻ.
Tiếp đó, Đoàn công tác đã thị sát trực tiếp mô hình sản xuất tôm - lúa của HTX dịch vụ nông nghiệp sản xuất lúa tôm Trí Lực. Đây là một trong những HTX có quy mô lớn và đầu tiên của huyện thí điểm đưa DN vào trong HTX để gỡ khó cho các thành viên và người dân trong vùng sản xuất.
Báo cáo với Đoàn công tác, Giám đốc HTX Trí Lực Lê Văn Mưa cho biết, HTX có 15 thành viên và trên 200 hộ dân liên kết sản xuất với HTX với diện tích canh tác trên 300 ha. Tiền thân của HTX là Tổ hợp tác, do sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, chuỗi liên kết đầu vào, đầu ra không ổn định khiến cây lúa, con tôm của bà con bị ép giá.
Tuy nhiên, đúc kết kinh nghiệm, năm 2018 HTX ra đời và mời gọi DN cùng tham gia. Nhờ vậy, bên cạnh được hỗ trợ vật tư đầu vào, các thành viên được chuyển giao KHKT và cái lợi lớn nhất là được bao tiêu sản phẩm.
“Hiện tại HTX đã qua vụ tôm và bắt đầu vào vụ lúa, theo đánh giá năm nay thì sự phát triển con tôm đạt năng suất khá cao. Đầu vào có doanh nghiệp hỗ trợ từ con giống, lúa giống còn đầu ra được bao tiêu khiến bà con rất phấn khởi”, ông Mưa chia sẻ.
Bà Trương Thị Kiều Diễm, thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp sản xuất tôm - lúa Trí Lực cho biết thêm, trước đây gia đình bà có 4 ha tôm - lúa, nhưng năng suất rất thấp vì không có kỹ thuật lại chưa được đưa vào mô hình tôm sinh thái và lúa hữu cơ. Tuy nhiên, khi được tham gia HTX, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nên cho hiệu quả đạt cao hơn các năm trước.
“Vụ trước, với 4 ha tôm gia đình tôi thu hoạch được 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí, còn lúa do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nên không đạt được như ý. Hiện vụ này, cả tôm và lúa đều phát triển ổn, với tình hình năm nay mùa vụ rất khả quan vì được HTX hỗ trợ từ khâu giống, kỹ thuật và đầu ra ổn định” bà Diễm nói.
Đối với mô hình tôm - lúa của tỉnh Cà Mau, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử, cho rằng: Cái khó của mô hình tôm - lúa của tỉnh hiện nay là làm thế nào được chứng nhận hữu cơ “tôm sạch, lúa an toàn”. Ngoài ra, tỉnh cũng có nhiều cái khó khác, nhưng khó nhất chính là cơ chế hợp tác, mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp với HTX và với người nuôi như thế nào để có được một mô hình chuẩn hiệu quả bền vững.
Theo ông Sử, mô hình tôm - lúa hiện nay ở tỉnh Cà Mau đã được Tập đoàn Lộc trời bao tiêu sản phẩm, riêng về mô hình chuỗi sản xuất thì còn rất khó, đến nay tỉnh vẫn chưa giải quyết được bài toán này.
Hiện tại, với con tôm thì mới chỉ dừng lại ở mức cấp giấy chứng nhận, hỗ trợ cho người nuôi tôm, còn cơ chế hợp tác với HTX như thế nào vẫn là bài toán chưa được giải đáp cho ngành nông nghiệp tỉnh. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau tiếp tục nghiên cứu tìm lời giải để vùng thí điểm tôm - lúa có được cơ chế hợp tác cho tất cả các sản phẩm.
Trước đó, sáng 23/9, tại buổi làm việc với Sở NN-PTNT Cà Mau, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Cà Mau là mảnh đất tận cùng của Tổ quốc phải chịu rất nhiều thiên tai bão lũ. Để thích ứng, mô hình lúa tôm hiện đang phát huy tác dụng, nhất là trên địa bàn tỉnh Cà Mau. “Tư duy mới của chúng ta hiện đang chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế giá trị gia tăng, cung ứng hàng hoá.
Cà Mau vừa có biển, lúa, rừng và nay còn xuất hiện thêm nhiều mô hình mới cho hiệu quả cao như tôm – lúa, thậm chí có mô hình nuôi tôm công nghiệp 4.0, hoàn toàn tự động bằng công nghệ 4.0.”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng nêu ví dụ: “Người Hoa có tư duy kinh doanh thương mại, còn với ta hiện đang là tư duy sản xuất nên có rất nhiều rủi ro. Cần phải tư duy lại thì sẽ khắc phục được. Cụ thể như tôi đã nói: Giá trị thặng dư từ khâu sản xuất theo tư duy ngày xưa thì mang lại giá trị sản xuất không cao; nay cần phải thay đổi tư duy là giá trị thặng dư phải từ khâu chế biến sản xuất mới mang lại giá trị cao”.
Theo Bộ trưởng, Cà Mau mà làm được thương hiệu sản phẩm đặc thù hay không là ở chỗ này. Giá cả lên xuống là do chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Do vậy cần phải làm nhiều sản phẩm đạt chất lượng để tránh rủi ro.
Cần tối ưu hoá lợi ích cho người tiêu dùng để họ mua nhiều sản phẩm sẽ thắng lợi. Nếu ngày nào đó nông dân còn bán xoài bằng cần xé, còn bán lúa trên đồng thì dân ta còn nghèo, còn khổ. Nếu nông dân sản xuất có thu nhập thấp, phải bỏ đi vùng khác, tỉnh khác làm ăn thì chúng ta có lỗi với bà con.
“Có câu: “Tôi không cần đứng đầu, tôi chỉ cần khác biệt”, vì thế Cà Mau đang có lợi thế rất riêng, biết đưa lợi thế vị trí địa lý vào trong sản phẩm sẽ tạo lên sự khác biệt cho sản phẩm. Tại sao có những giá trị rất có lợi mà lại bị quên đi, vì ta cứ mải chạy theo sản xuất mà chưa chú ý đến giá trị khác”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc với đoàn công tác, sáng 23/9, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UNND tỉnh cũng khẳng định: "Qua những câu chuyện của Bộ trưởng, chúng ta cần tiếp thu, phát huy thế mạnh của địa phương và để sau này kể lại câu chuyện địa phương mình từ sản phẩm đặc sản khác biệt của quê hương mình".
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, hiện nay thị trường quyết định chứ không phải sản xuất quyết định. Cà Mau nên cập nhật thông tin thị trường cho người nông dân để họ nắm được để tính toán quyết định việc sản xuất tốt hơn. Đồng thời, Cà Mau cần phải xây dựng mã vùng trồng, vùng nuôi để đi vào sản xuất hướng đến xuất khẩu.
Minh Sáng - Trần Trung - Trọng Linh - Văn Vũ/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã