Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đồng Tháp, toàn tỉnh có tổng diện tích trồng cây ăn trái hơn 33.310ha. Thời điểm hiện tại, trên các diện tích cây ăn trái chủ yếu xuất hiện các loại sâu đục cành, bệnh thán thư, cháy lá, bệnh loét... gây hại rải rác hoặc ở mức nhẹ.
Lai Vung được xem là địa phương trồng cây ăn trái trọng điểm của tỉnh, với diện tích canh tác hơn 6.700ha, trong đó loại cây có múi chiếm hơn 60%. Hiện nay, thời tiết đang vào mùa nắng nóng kéo dài, phần nào gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển cây trồng.
Theo ông Trần Văn Danh ngụ xã Tân Thành, huyện Lai Vung, do thời tiết nắng nóng nên để đảm bảo sự phát triển cho 4.500m2 quýt hồng, ông sử dụng nhiều loại thuốc chủ yếu gốc sinh học để bón cho cây. Cùng với đó, áp dụng các biện pháp ngăn ngừa trị bọ trĩ, nhện đỏ. Để đảm bảo canh tác đạt hiệu quả, ông Danh chọn cách tưới dưới gốc cây giúp cho bộ rễ mạnh, chọn thời điểm tưới thích hợp vào buổi sáng để cây thoát nước tốt và không bị oi nước...
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung, để đảm bảo đủ lượng nước tưới cho các diện tích sản xuất nông nghiệp, huyện cũng chủ động trong việc đầu tư nạo vét các tuyến kênh, mương nội đồng. Ông Huỳnh Văn Tồn - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung cho biết: “Để bảo vệ vườn cây ăn trái mùa nắng nóng, nhất là thời điểm các diện tích quýt hồng chuẩn bị tưới ra hoa cho vụ mùa Tết, nông dân cần chú ý về các thông tin diễn biến của thời tiết. Cụ thể, nếu nhiệt độ 35 - 36 độ thì không nên tưới ra hoa vì thời điểm nắng nóng quá, cây sẽ khó thụ phấn, rụng bông. Nông dân phải tích cực chăm sóc bón phân, chú ý sử dụng hữu cơ, phủ thảm cỏ cho gốc cây; tưới nước đủ ẩm; đào tầng đất xem nước tưới đến rễ nhằm tránh tình trạng thiếu nước cho cây. Cùng với đó, phải chú ý phòng, ngừa các loại sâu bệnh bằng các loại phân bón hữu cơ...”.
Châu Thành cũng là địa phương trọng điểm của tỉnh về canh tác cây ăn trái, với hơn 7.000ha, trong đó tập trung trồng nhiều loại cây như: nhãn, thanh long, sầu riêng... Vào mùa nắng nóng, cây thanh long là cây trồng bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết. Ông Trần Văn Tuấn - Giám đốc Hợp tác xã Thanh long Hội quán cho biết: “Vào mùa nắng nóng, cây thanh long dễ mẫn cảm với các loại dịch bệnh nên nông dân tập trung lưu ý việc đảm bảo sử dụng phân bón sao cho phù hợp. Trong đó, chú trọng sử dụng các loại phân hữu cơ nhằm đảm bảo cho cây khỏe, hạn chế sâu bệnh. Bên cạnh đó là giữ nguồn nước giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt. Nông dân cũng cần thường xuyên thăm vườn để phát hiện sâu, bệnh kịp thời nhằm có biện pháp phòng, tránh”.
Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Châu Thành, trong mùa nắng nóng, cây thanh long dễ bị bệnh thối cành, thán thư, đốm trắng, đốm nâu, rệp sáp... Để hạn chế dịch bệnh, nông dân cần chăm sóc, bón cân đối phân NPK, không nên bón thừa đạm; sử dụng các loại phân bón có hàm lượng lân, canxi, magie cao để phun định kỳ. Đồng thời, ở những cành thanh long bị bệnh nặng cần tỉa bỏ cành và tiêu hủy để ngăn ngừa sự lây lan, tiến hành phun thuốc trừ bệnh. Có thể sử dụng một số loại thuốc trừ vi khuẩn thông thường có trong danh mục cho phép sử dụng và tuyệt đối đảm bảo thời gian cách ly.
Theo Báo Đồng Tháp Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã