Chi cục Bảo vệ môi trường Hưng Yên (Sở TN- MT) đã chủ động tham mưu giúp UBND tỉnh nhiều cơ chế chính sách, giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, thực hiện tốt tiêu chí môi trường trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), trong đó có các giải pháp phân loại, xử lý rác tại hộ gia đình.
Điểm tập kết, trung chuyển rác sinh hoạt |
Là huyện thuần nông, nhưng Phù Cừ đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức khi thực hiện tiêu chí môi trường. Một trong những thách thức lớn nhất là tình hình rác thải sinh hoạt nông thôn ngày càng gia tăng nhanh chóng.
Theo ước tính của Phòng TN - MT huyện, trung bình mỗi ngày các hộ dân sống trên địa bàn, xả ra khoảng 70 tấn rác sinh hoạt. Bao gồm 60% rác hữu cơ (rau cỏ, rơm, rạ, lá cây…), còn lại là rác thải vô cơ khó phân hủy (chai lọ nhựa, gốm sứ, thủy tinh, túi nilon các loại). Dự báo, đến năm 2020 lượng rác thải nông thôn của Phù Cừ sẽ tăng lên 80 - 90 tấn/ngày.
Trước thực trạng đó, huyện đã triển khai kịp thời nhiều giải pháp thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, như thành lập 68 tổ vệ sinh môi trường tại 54/54 thôn. Qui hoạch 48 điểm thu gom rác tập trung, trong đó có 17 điểm chôn lấp, 31 điểm tập kết. Trang bị xe thu gom rác cho hầu hết các xã, thị trấn. Nâng cấp, mở rộng 2 bãi chôn lấp rác tại các xã Đình Cao, Tống Phan. Ký hợp đồng thu gom, xử lý rác với Công ty CP Urenco 11...
Đặc biệt, trong năm 2016 vừa qua, Huyện ủy, UBND huyện Phù Cừ đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về bảo vệ môi trường gắn với xây dựng NTM, và Kế hoạch thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, các cấp, ngành trong huyện phối hợp chặt chẽ với Sở TN-MT tỉnh, trực tiếp là Chi cục BVMT, xây dựng các mô hình phân loại, xử lý rác sinh hoạt tại hộ gia đình.
Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi thấy, đã có trên 50% số hộ gia đình các xã, thị trấn trong huyện Phù Cừ tiến hành phân loại xử lý rác hữu cơ tại nguồn. Trung bình mỗi hộ dân xử lý được 25kg rác hữu cơ/tháng. Những xã có số hộ dân thực hiện phân loại, xử lý rác hữu cơ tại nguồn đạt tỷ lệ cao, là Nguyên Hòa đạt 80,1%, Tống Trân 60,7%, Tam Đa 58,9%.
Hố chứa rác hữu cơ |
Các xã Minh Tân, Phan Sào Nam, Tiên Tiến, Nhật Quang... đều có tỷ lệ số hộ dân tham gia phân loại, xử lý rác hữu cơ tại nguồn đạt trên 50%. Nhờ vậy, đến nay hầu hết lượng rác thải sinh hoạt nông thôn ở Phù Cừ đã được thu gom, xử lý kịp thời, cơ bản đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Vệ sinh môi trường nông thôn các xã ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn.
Ông Lê Đức Lành, Chi cục trưởng Chi cục BVMT Hưng Yên, cho biết, sở dĩ Phù Cừ đạt được thành tích ấn tượng đó, là có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó Hội LHPN các xã đóng vai trò nòng cốt. Vì phụ nữ là người nội trợ chính trong nhà. Việc phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình thường phụ nữ làm, và nhắc nhở người thân cùng thực hiện.
Đồng thời, UBND tỉnh, huyện, xã đều dành nguồn kinh phí thoả đáng hỗ trợ kịp thời xây dựng các mô hình như: Hỗ trợ công tác tuyên truyền, sử dung chế phẩm vi sinh xử lý rác hữu cơ, thùng nhựa hoặc đào hố chứa rác hữu cơ tại vườn nhà... Thành công này sẽ là tiền đề để nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh trong năm 2018 và các năm tiếp theo.
Thùng rác hữu cơ tại hộ gia đình |
Chị Phạm Thị Oánh, Tổ trưởng tổ phụ nữ số 7, thôn Quang Yên, xã Nhật Quang, cho hay rác thải sinh hoạt nông thôn, nếu được phân loại và tận dụng tốt, thì lợi ích mang lại là rất lớn.
Ví như cỏ rác, rau xanh, vỏ trái cây, hoa quả thải loại, gom vào thùng/hố đất, xử lý vi sinh dùng làm phân bón hữu cơ. Giấy báo, vỏ hộp, chai nhựa trắng, chất thải kim loại gom lại, sau cân bán cho cửa hàng thu mua phế liệu cũng sẽ được khoản tiền không nhỏ.
Chai, lọ thuỷ tinh, sành sứ mẫu mã đẹp, không chứa hoá chất độc hại, có thể rửa sạch để chứa mật ong, gia vị. Vỏ thùng xốp có thể đóng đất trồng rau sạch. Bã trà bón cho gốc cây thay phân hữu cơ. Bã cà phê để vào tủ lạnh, giúp khử mùi hôi. Vỏ thùng carton nguyên lành có thể chứa đựng chăn màn, quần áo mùa đông... Bằng cách làm này, chị Oánh đã thuyết phục chị em tổ phụ nữ số 7, nhiệt tình tham gia xử lý rác tại nhà.
Ông Lê Xuân Mai, Trưởng phòng TN - MT Phù Cừ cho rằng: Làm tốt việc phân loại rác tại chỗ giúp loại bỏ chất thải nguy hại, để chuyển đến nơi xử lý chuyên biệt. Tiết kiệm diện tích đất chôn lấp và kinh phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác. Hạn chế mùi hôi thối và nước rỉ rác ra môi trường. Rác thải hữu cơ sau xử lý sẽ làm phân bón cho cây trồng. Một số rác vô cơ còn lại đem tái chế, sản xuất các loại hàng hóa có lợi cho xã hội.
"Nhờ làm tốt công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là thành công trong phân loại, xử lý rác tại nguồn, mà đến nay huyện Phù Cừ đã có 6 xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Kế hoạch hết năm 2018 huyện sẽ có thêm 5 xã cán đích NTM. Các xã đã đạt chuẩn, tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, để đạt xã NTM kiểu mẫu. Việc phân loại xử lý rác tại hộ gia đình, được coi là nhiệm vụ hàng đầu trong bảo vệ môi trường gắn với xây dựng NTM năm 2018, và những năm tiếp theo", ông Trần Đăng Anh, PGĐ Sở TN-MT Hưng Yên. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã