Với lợi thế khí hậu thích hợp để phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao như: tam thất, đương quy, bạch truật, cát cánh... huyện Si Ma Cai đưa cây dược liệu vào cơ cấu cây trồng "mũi nhọn", thay thế cây lúa, ngô để xóa nghèo nhanh và bền vững.
Đưa chúng tôi xuống thăm vườn tam thất diện tích hơn 3 ha của hai anh em Thào A Lử và Thào A Sì, dân tộc Mông, ở xã Mản Thẩn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Viên Đình Hiệp cho biết, vụ thu hoạch vừa rồi, hai anh em Lử và Sì thu hoạch hơn chín tấn củ tươi và sáu tạ hoa; giá củ tươi là 700 nghìn đồng/kg, hoa là 500 nghìn đồng/kg, thu về gần 10 tỷ đồng. Tam thất trồng ở Si Ma Cai, cả củ và hoa hiện đang được người tiêu dùng ưa chuộng, nhưng sản lượng không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng bào ở các xã vùng cao Mản Thẩn, Nàn Sán, Cán Cấu... còn chuyển đổi đất ruộng, nương đồi sang trồng cây đương quy cho thu nhập cao gấp từ ba đến năm lần so với trồng ngô, lúa truyền thống.
Theo con đường vừa được đổ bê-tông kiên cố, chúng tôi xuống thôn Cán Chư Sử, xã Cán Cấu. Trải dài trên nương là những luống cây đương quy mới trồng, đang bật lên mầm xanh tươi tốt, hứa hẹn mùa bội thu. Trưởng thôn Giàng A Sử khoe, trồng đương quy không khó, cây chịu được hạn, lại cho thu nhập nhiều hơn trồng lúa, trồng ngô, cho nên bà con người Mông rất phấn khởi, học hỏi nhau chuyển đổi sang trồng loại cây này. Dừng tay vun luống đương quy đang lên xanh mướt, anh Giàng A Chí cho biết: Vụ đông năm 2016, gia đình trồng 1 ha cây đương quy, thu hoạch được hơn ba tấn củ và hai tấn thân, lá bán cho Công ty cổ phần Nam Dược với giá 50 nghìn đồng/kg, thu về hơn 200 triệu đồng. Trước đây, cùng trên diện tích đất này, gia đình trồng ngô, đậu tương chỉ thu khoảng 80 triệu đồng/năm mà rất vất vả, có năm hạn hán còn bị mất trắng. Năm nay, gia đình trồng 1,5 ha đương quy, với thời tiết thuận lợi và mọi người nắm vững kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, chắc chắn năng suất sẽ cao hơn vụ trước.
Trung tâm dược liệu của tỉnh Lào Cai là huyện Sa Pa, với hai loại cây dược liệu bản địa là a-ti-sô và chè dây được trồng tại nhiều xã của huyện. Xã vùng sâu Sa Pả có hàng chục hộ người Mông, Dao đã thoát nghèo, cuộc sống đang khá lên nhờ trồng cây a-ti-sô bán cho Công ty TNHH Traphaco Lào Cai. Chị Thào Thị Mê, ở thôn Giàng Tra, xã Sa Pả cho biết, gia đình chị đã hợp tác trồng a-ti-sô với Công ty TNHH Traphaco Lào Cai từ năm 2011 đến nay. Từ gần 2.000 m2 đất trồng lúa, chị chuyển sang trồng a-ti-sô, mỗi năm, cây a-ti-sô cho khoảng bảy đến tám đợt cắt lá, thu được khoảng 15 tấn lá tươi, bán cho công ty được khoảng 30 triệu đồng, cao gấp ba lần trồng lúa. Cách đó không xa, nhà anh Má A Máo, ở thôn Má Tra cũng đang tất bật thu hái lá a-ti-sô trên vườn rộng 0,3 ha của mình. Nếu như trước đây, cuộc sống thiếu thốn, mỗi năm cả gia đình chỉ trông chờ vào một vụ lúa với thu nhập khoảng sáu đến bảy triệu đồng, thì hiện nay, vườn a-ti-sô cho thu nhập 30 triệu đồng/năm, đủ trang trải cuộc sống và để dành tiết kiệm.
Đồng bào dân tộc Dao, ở xã Tả Phìn (Sa Pa) chế biến cây thuốc tắm để phục vụ khách du lịch.
Thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã có hướng đi khả thi để khôi phục việc trồng các cây dược liệu gắn với đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đất nơi đây, đó là liên kết "bốn nhà": Nhà nước, doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học. Công ty TNHH Traphaco Lào Cai đã xây dựng nhà máy để chế biến sâu dược liệu thu mua tại địa phương, làm nguyên liệu sản xuất thuốc. Giám đốc Công ty TNHH Traphaco Lào Cai Đỗ Tiến Sỹ cho biết, công ty liên kết chặt chẽ, có trách nhiệm với người nông dân thông qua hợp đồng kinh tế nhằm bảo đảm thu nhập cho người dân, phát triển vùng nguyên liệu và nhà máy có nguồn nguyên liệu sạch sản xuất thuốc. Công ty thuê đất của người dân, hỗ trợ phân bón, kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu toàn bộ a-ti-sô và chè dây. Để nâng cao năng suất và chất lượng a-ti-sô đầu vào, công ty liên kết Trung tâm Nghiên cứu giống cây ôn đới (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Viện Dược liệu phục tráng giống a-ti-sô bản địa, đưa vào trồng ở Sa Pa, Bắc Hà cho năng suất và chất lượng cao hơn. Nhờ liên kết "bốn nhà", đến nay, Công ty TNHH Traphaco Lào Cai có vùng nguyên liệu ổn định hơn 70 ha a-ti-sô, trồng theo tiêu chuẩn GACP-WHO, với sản lượng khoảng 2.000 tấn lá tươi/năm.
Trong khi đó, để bảo tồn và phát triển các loại cây thuốc quý của vùng, Công ty cổ phần Kinh doanh các sản phẩm bản địa Sa Pa (Sapanapro) xây dựng thương hiệu thuốc tắm người Dao. Công ty do anh Lý Láo Lở thành lập, cổ đông là hơn 60 hộ người Dao ở xã Tả Phìn (Sa Pa) góp vốn, góp đất hoặc góp vùng trồng nguyên liệu cây thuốc tắm... cùng kinh doanh. Công ty đã cho ra thị trường các sản phẩm độc đáo như: cao thuốc tắm, sữa tắm dược liệu... với doanh số đạt khoảng gần 10 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 60 nhân công, hơn 300 hộ nông dân gián tiếp hưởng lợi từ việc bán dược liệu. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguvễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Nam Dược, Công ty TNHH Tâm Phát Green, Công ty cổ phần Thương mại Hùng Dũng... đang liên kết với nông dân các huyện Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai... để trồng các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế như: tam thất, đương quy, chè dây, bạch truật, cát cánh, đẳng sâm...
Tỉnh Lào Cai có 930 ha dược liệu các loại, trong đó, diện tích a-ti-sô 70 ha, đương quy 51 ha, chè dây 17 ha, xuyên khung 105 ha, tam thất 7 ha, sa nhân tím 425 ha...; tổng sản lượng đạt khoảng 4.000 tấn khô các loại. Tỉnh đã xây dựng quy hoạch phát triển cây dược liệu đến năm 2020, với mục tiêu mở rộng, đạt diện tích 3.700 ha, trồng 22 loại cây dược liệu với sản lượng khoảng 12 nghìn tấn/năm. Để đẩy nhanh việc mở rộng diện tích trồng, Lào Cai đã đưa cây dược liệu vào diện được hưởng ưu đãi theo hướng khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trên cơ sở đó doanh nghiệp và hộ gia đình trồng dược liệu được hỗ trợ 15 triệu đồng/ha về cây giống, ưu đãi vay vốn. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là tỉnh chưa tích tụ đất đai để thành lập vùng sản xuất hàng hóa và nguồn vốn trồng dược liệu khá lớn so với trồng các loại cây nông nghiệp thông thường. Trước mắt, Lào Cai đang nghiên cứu và thực hiện các giải pháp khuyến khích nông dân các huyện chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất sẵn có, lồng ghép các chương trình mục tiêu như nông nghiệp công nghệ cao, nông thôn mới, Chương trình 135... để hỗ trợ nguồn vốn trồng dược liệu cho nông dân.
Theo Quốc Hồng/Báo Nhân Dân.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã