Không chỉ là một trong những hộ đi đầu trong chuyển đổi từ đất lúa sang trồng màu cho lợi nhuận cao ở ấp Hòa Bình, xã Hòa Lợi, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), vợ chồng chị Nguyễn Thị Thắm còn rất sẵn lòng chia sẻ bí quyết trồng dưa leo hiệu quả với mọi người.
Vốn đã quen với việc trồng rẫy cùng ba mẹ tại xã Thạnh Hòa (Giồng Riềng) từ khi mới 13 tuổi nên việc căng giàn, lên liếp, phòng trừ sâu bệnh trên dưa leo chị Thắm đã thuộc nằm lòng. Chị cho biết: “Tôi trồng dưa được 3 năm, mỗi năm trồng 3 vụ. Mùa nước nổi cho đất nghỉ và bửa đập đón nước về gội rửa đồng ruộng, bồi đắp phù sa để vụ sau đỡ tốn chi phí phân thuốc”.
Chị Nguyễn Thị Thắm thu hoạch dưa leo. (Ảnh: NQ).
Để dưa ít bệnh, trái sai và ngọt tự nhiên, bí quyết của chị Thắm là sử dụng phân chuồng để bón lót cho dưa leo trước khi xuống hạt giống. Mỗi liếp dưa chị Thắm bón lên mặt liếp 1 bao phân chuồng hoai mục, từ đó tới khi dưa leo trổ bông kết trái mới bón thêm đợt phân hỗn hợp nữa để cung cho trái.
Theo chị Thắm, trồng dưa leo sợ nhất bệnh chết nhanh, chết chậm, và bệnh này không trị được, chỉ phòng ngừa là chính yếu. Để diệt mầm bệnh trên rẫy dưa leo, sau mỗi vụ dưa leo kết thúc, chị Thắm cho đất nghỉ 1 tháng. Chị cải tạo đất bằng cách cho nước vô ngâm khoảng 5 ngày rồi tháo nước ra phơi nắng để đất khô tơi xốp, sau đó rãi vôi bột lên mặt liếp cho đất hạ phèn rồi bơm nước vô ngâm 1 buổi, tiếp đó là xả nước ra sau đó rãi phân chuồng đã hoai mục lên mặt liếp và đậy màng phủ lại.
“Để tiết kiệm chi phí thuê nhân công làm cỏ và hạn chế mưa dầm gây thối gốc dưa, gia đình tôi sử dụng màng phủ nông nghiệp để phủ gốc dưa đã được 2 năm nay” - chị Thắm cho hay.
Chị Nguyễn Thị Thắm giới thiệu về mô hình trồng dưa leo của gia đình. (Ảnh: NQ).
Vào vụ thu hoạch rộ, với 28 liếp dưa leo chị Thắm thu về 600kg/ngày, chị bảo mình gặp may vì thu hoạch ngay đợt cao điểm mà giá được 8.000 đồng/kg. Mỗi vụ dưa thu hoạch liên tục trong 30 ngày, sản lượng từ 2 công dưa hơn 9 tấn, trừ hết chi phí mỗi vụ lãi 20 triệu đồng.
Đặc biệt, nhờ sản xuất có hiệu quả và uy tín, chị Thắm được một đại lý vật tư nông nghiệp tại thị trấn Giồng Riềng cung cứng hạt giống và thu mua toàn bộ sản phẩm đầu ra. “Lúc trước trồng ít, sản phẩm làm ra ít và không ổn định nên bán khó lắm. Giờ trồng số lượng nhiều, được đại lý thu mua nên đầu ra ổn định, không phải lo khâu tiêu thụ nữa. Hàng xóm nhiều người kêu vui là vợ chồng tui trồng dưa leo 10 vụ trúng cả 11 vụ...” - chị Thắm phấn khởi nói.
Với bí quyết và kinh nghiệm của mình, chị Thắm đang ăn nên làm ra nhờ 2 công dưa leo. (Ảnh: NQ).
Với cơ ngơi là căn nhà tường khang trang và 19 công ruộng kết hợp trồng màu, cho lợi nhuận gần 150 triệu đồng/năm, vợ chồng chị Thắm được xem là thuộc hàng khá giả của ấp. Nhưng vợ chồng chị không tự mãn với hiện tại, hết loay hoay với 2 công rẫy dưa, anh chị lại bắt tay lo bơm nước chuẩn bị thu hoạch 17 công ruộng.
Vốn tính hay làm, năm 2016, vợ chồng chị Thắm còn cải tạo 2.000m2 vườn để trồng xoài Đài Loan và dừa xiêm. Chị Thắm cho biết nay mai sẽ mua thêm vài trăm gốc dừa giống để trồng cho kín vườn.
Theo Chúc Ly/Baodanviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã