Cùng học Trường Đại học Cần Thơ, Ấm học chuyên ngành quản trị kinh doanh và Trang học chuyên ngành luật. Ra trường, Ấm và Trang xin làm việc ở hai điểm khác nhau. Qua thời gian tìm hiểu, Ấm và Trang quyết định tiến tới hôn nhân. Sau khi đính hôn, thấy công việc cả hai thu nhập khá thấp nên hai bạn trẻ tìm hướng đi mới và quyết định nghỉ việc để tập trung kinh doanh du lịch nhà vườn.
Khởi nghiệp từ ý tưởng làm du lịch sinh thái miệt vườn, hai bạn trẻ Bùi Phạm Ấm và Bùi Thị Đài Trang (ngoài cùng bên trái) đã gặt hái thành công bước đầu.
Vì bận đón khách đến tham quan vườn, cuộc trò chuyện của tôi và hai bạn Ấm và Trang bị gián đoạn nhiều lần. Sau khi hướng dẫn đoàn khách vào vườn, Trang lao những giọt mồ hôi đọng trên trán, tiếp tôi với nụ cười tươi rói: “Em quê ở Phong Điền (Cần Thơ), đây là nơi phát triển mạnh về du lịch sinh thái miệt vườn. Lúc đầu, em thử bán chôm chôm trên mạng và bán lẻ tại vườn. Không chỉ đăng hình trái chôm chôm mà em đăng hình khu vườn luôn. Mấy bạn bè trên Facebook mới bình luận hỏi vườn ở đâu đẹp vậy và có ý định đến tham quan....".
"Từ đó gợi cho em ý tưởng cho khách đến tham quan vườn. Sau khi bàn với anh Ấm và được gia đình anh đồng ý, bọn em tạo trang Facebook “Vườn chôm chôm 8 Hoài” để quảng bá cho mọi người biết, giá vé vào vườn là 40.000 đồng/người. Đăng lên bữa trước là bữa sau có khách rồi. Sau đó, mọi người đến thấy thích thú nên chia sẻ với bạn bè. Nhờ vậy mà lượng khách đến vườn càng ngày càng đông”.-Trang chia sẻ tiếp.
Hiện tại, trang Facebook do hai bạn tạo đã có gần 3.000 người thích và theo dõi. Nhiều khách khi đến vườn thì check-in và đăng hình trên Facebook khiến cho nhiều người rất thích và hỏi đường để đến tham quan vườn. Theo Trang chia sẻ, khách đến tham quan chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, cũng có khách ở TP. Hồ Chí Minh… Thường là nhóm bạn trẻ thích du lịch ở địa điểm gần hay cả gia đình tìm nơi du lịch cuối tuần sau những ngày làm việc mệt nhọc. |
Là người ủng hộ con và tạo điều kiện cho con lập nghiệp, chủ vườn chôm chôm 8 Hoài, ông Bùi Văn Hoài (cha của Ấm) ở ấp Phong Thới, xã Phong Nẫm (Kế Sách) chân tình bộc bạch: “Khi con nêu ý tưởng làm du lịch sinh thái miệt vườn thì tôi đồng ý ngay. Nếu biết tính toán thì từ trồng cây để bán trái sang cho khách tham quan sẽ không vướng nhiều khó khăn. Nên chọn khu vực cây cho trái nhiều, đẹp để khách tham quan, khu vực còn lại thì vẫn hái trái bán bình thường. Hiện con tôi làm cũng được hơn tháng nay thôi, khách đến vườn rất nhiều, có ngày lên đến 300 người”.
Uống vội ngụm nước, nhìn xa xa, người nông dân chân đất 8 Hoài cũng chia sẻ thêm những thăng trầm, khó khăn của nông dân khi gắn bó với một loại cây trồng: “Cây chôm chôm càng lâu năm thì cho trái càng ít. Trước đây, năng suất đạt từ 26 đến 27 tấn/vụ. Nay giảm còn 17 - 18 tấn/vụ, có vụ bị nước mặn, thất mùa còn 7 - 8 tấn/vụ. Bình quân từ miếng vườn tôi cũng thu nhập được hơn 100 triệu đồng/vụ. Một năm chôm chôm cho trái chỉ 1 vụ, nhưng nhiều khi chủ vườn phải ứa nước mắt vì trúng mùa thì thất giá, khi giá cao thì lại thất mùa. Việc kinh doanh mở vườn bán vé tham quan cũng phần nào giúp nhà vườn bớt chịu cảnh thiệt thòi khi giá chôm chôm không như ý”.
Nhiều du khách đến vườn khá thích thú với khu vườn sai trĩu quả, được tự tay hái, ăn trái thỏa thích tại vườn. Chủ vườn rất nhiệt tình, vui vẻ và rất chiều khách. Chủ vườn còn phục vụ thêm một số món ăn: bánh xèo, cá lóc nướng, lẩu gà, cháo vịt… với giá bình dân hay khách muốn ăn thêm món nào thì liên hệ trước để chủ vườn chuẩn bị.
Khách thích thú khi đến tham quan vườn trái cây, vừa ngắm vườn vừa được hái trái ăn thỏa thích.
Do vị trí vườn không nằm gần đường nhựa nên khách đi xe ôtô không đến được tận vườn. Thấy vậy, hai bạn trẻ cũng bố trí lực lượng đón, đưa khách đến tận vườn nên nhiều đoàn khách đến tham quan không còn e ngại chuyện khó đi nữa.
Tuy nhiên, hình thức kinh doanh này theo mùa chôm chôm chín nên thời gian đón khách đến vườn cũng chỉ kéo dài hơn 1 tháng thì chôm chôm chín rộ, buộc nhà vườn phải thu hoạch và dưỡng cây, tránh ảnh hưởng năng suất trái cho mùa vụ sau. Cho nên để duy trì đón khách, hai bạn trẻ lại liên hệ với vườn nhãn của người chị gái ở ấp Phèn Đen, thị trấn An Lạc Thôn (Kế Sách) để khách đến tham quan.
Đến từ Phường 2 (TX. Vĩnh Châu), chị Tô Thu Quyên vui vẻ cho biết: “Tôi đi chung với nhóm bạn 17 người. Biết qua Facebook ở Kế Sách có vườn chôm chôm 8 Hoài, nhóm chúng tôi đến đây tham quan. Hơi tiếc là vườn đã ngưng phục vụ, chủ vườn hướng dẫn đường đến tham quan vườn nhãn da bò. Đến đây, không khí trong lành, được hái trái ăn thỏa thích, giá vé chỉ 50.000 đồng/người, miễn phí trẻ em, chúng tôi thấy thích nơi này lắm. Không chỉ có nhãn, mà còn có xoài, sầu riêng… Tôi đã đi nhiều vườn rồi, nhưng đến đây thấy vườn sai trái mình mê lắm”.
Từ hướng kinh doanh mới của đôi bạn trẻ, một số chủ vườn ở Phong Nẫm cũng học theo. Ông Nguyễn Minh Hoàng ở ấp Phong Hòa, xã Phong Nẫm (Kế Sách) chia sẻ: “Nhà tôi có 3 công vườn chôm chôm, vụ này tôi cũng mở điểm tham quan vườn chôm chôm rồi bán thêm mấy món ăn phục vụ du khách. Có lúc đón 150 người/ngày, tính sơ sơ ngày đó mình cũng bỏ túi 6 triệu đồng tiền vé tham quan rồi (giá vé 40.000 đồng/khách). So ra lợi nhuận khá cao so với hái trái đem bán cho thương lái”.
Hỏi về chuyện kinh doanh mới này khá mạo hiểm, Phạm Ấm thổ lộ: “Ban đầu, chúng em đã tính đến chuyện đó, nhưng chi phí bỏ ra để kinh doanh không bao nhiêu. Chúng em lấy công làm lời. Ngày đầu khai trương mở vườn chôm chôm ngay lúc mưa nên có 7 người đến, ngày thứ 2 thì có mười mấy người, càng ngày càng đông khách đến hơn”.
Con đường sắp tới, cả hai cũng dự định thực hiện nhiều ý tưởng, để việc kinh doanh du lịch sinh thái miệt vườn không chỉ theo thời vụ mà làm quanh năm, giữ chân khách đến tham quan. “Hiện nay, tụi em nuôi nhiều ý tưởng lắm. Dự tính liên kết với nhà vườn cây ăn trái khác để đón khách đến tham quan. Khi có vốn, khu vườn nhãn của chị gái có ao thì em sẽ trồng sen, nuôi cá và xây dựng các chòi để khách đến vườn chơi và câu cá; kết hợp trồng hoa, trang trí cho khu vườn đẹp hơn để khách không chỉ được thưởng thức trái cây mà còn ngắm cảnh, vui chơi”, Bùi Phạm Ấm chia sẻ.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã