Năm 2010, Tiếng xuất ngũ và trở về huyện Hồng Ngự với ấp ủ trồng lúa sạch. Gia đình Tiếng chuyên nghề trồng lúa, sản lượng thu hoạch hàng năm trên 200 tấn lúa. Khi được tiếp quản 17 công đất từ cha mẹ, Tiếng không sản xuất theo kiểu truyền thống, chàng thanh niên 9X này quyết định làm theo cách của riêng mình là sản xuất lúa sạch, để có được sản lượng gạo sạch góp phần đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Ở huyện biên giới Hồng Ngự, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, đa phần thu nhập chủ yếu nhờ vào cây lúa. Do vậy, với cách nghĩ “không đụng hàng” với ai, ban đầu có nhiều ý kiến phản đối, nhất là phía gia đình. Tuy nhiên, với sự quyết tâm dám nghĩ dám làm, Tiếng khẩn trương bắt tay vào công việc theo hướng đi riêng.
Với diện tích đất quản lý, Tiếng xuống giống lúa sạch Nàng hoa 9. Trong suốt thời gian canh tác, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời lên bờ bao thả nuôi cá mè vinh và thả vịt để tiêu diệt các mầm bệnh và ốc bươu vàng. Sau vụ thu hoạch đầu tiên, năng suất lúa không cao, đầu ra cho sản phẩm gạo sạch của Tiếng vô cùng khó khăn khi chưa tạo được niềm tin cho khách hàng trên thị trường, nên ban đầu Tiếng chỉ cung cấp sản phẩm cho những người quen.
Đến nay, sau nhiều vụ canh tác, Tiếng rút ra nhận định, mặc dù năng suất lúa canh tác chỉ đạt khoảng 60% so với diện tích của các ruộng lúa lân cận, tương đương khoảng 9,1 tấn/1,7ha (trong khi sản xuất bên ngoài 6 - 7 tấn/ha) nhưng bù lại giá thành thấp do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và giá bán cao hơn so với gạo truyền thống. Tiếng nhận thấy, trên mảnh ruộng canh tác của mình lúa phát triển tốt, sâu bệnh ít gây hại hơn bên ngoài, do trong ruộng thường xuyên bơm đầy nước. “Sâu ăn trên lá lúa, mò thì hút thức ăn nên khi bơm nước vào, các sinh vật này chỉ tiếp cận được phần ngọn lúa và cứ thế cá, vịt nuôi trên ruộng sẽ ăn sâu. Cộng với sức đề kháng của cây lúa đã sẵn có và đến khi lúa trổ bông, thiên địch sẽ xuất hiện nhiều, trên bờ bao con ếch cũng xuất hiện và ăn các thiên địch này” - anh Tiếng lập luận.
Đặc biệt, anh Tiếng tự đi xay xát gạo và đóng bao bì thương hiệu gạo Tâm Việt (ý nghĩa tâm của người Việt) được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận, để xuất bán ở thị trường TP.Hồ Chí Minh với 28.000 đồng/kg. Trừ các khoản chi phí, lợi nhuận thu được của Tiếng không cao hơn sản xuất bên ngoài, nhưng bù lại cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm gạo sạch theo tâm nguyện của chàng thanh niên 9X. “Tôi đi nhiều nơi thấy một số nguồn thực phẩm quá độc hại, bản thân muốn về quê của mình tạo ra một sản phẩm an toàn nhất từ gạo, giúp người tiêu dùng an tâm hơn” - anh Tiếng cho biết thêm.
Khi sản phẩm gạo sạch làm ra được người tiêu dùng công nhận, hơn ai hết Tiếng cảm thấy hạnh phúc khi mọi sự cố gắng bước đầu đã có kết quả. Tiếng khẳng định, không thu lợi nhuận nhiều từ ý tưởng “độc - lạ”, nhưng bù lại sức khỏe người tiêu dùng mới chính là đích đến của anh. Tiếng mong muốn: “Tôi muốn chia sẻ những hạt gạo Tâm Việt của mình với những người tôn trọng sản phẩm sạch và họ coi trọng sức khỏe của mình”.
Ông Nguyễn Văn Buôn - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự cho rằng: “Điều kiện sản xuất nông nghiệp của huyện Hồng Ngự có thể đáp ứng khi thực hiện mô hình của Tiếng, nhất là hệ thống tưới tiêu. Địa phương cũng đang định hướng ban đầu để có đề xuất với UBND huyện làm việc với Hợp tác xã Phước Tiền triển khai mô hình sản xuất lúa sạch. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là diện tích sản xuất của nông dân trong hợp tác xã còn nhỏ lẻ, nên gặp trở ngại trong công tác vận động bà con tham gia”.
Ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp nhận định, tư duy sản xuất của thanh niên Võ Văn Tiếng là tích cực, góp phần nỗ lực đưa gạo sạch tỉnh nhà ra thị trường. Sở cũng mong muốn địa phương nghiên cứu mô hình của Tiếng, để có thể mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm hạt gạo sạch, đồng thời cung ứng cho người tiêu dùng. Đây chỉ mới là mô hình kinh tế hộ cần được định hướng sản xuất, để đảm bảo các tiêu chuẩn sản xuất lúa sạch. Ngành nông nghiệp huyện Hồng Ngự cần tham mưu UBND huyện, cũng như họp dân về chủ trương sản xuất lúa sạch trên địa bàn và kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã