Hiệu quả trồng cây ăn trái
Chợ Mới đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng được 1.215 héc-ta. Diện tích cây ăn trái không ngừng mở rộng, đến nay đạt 5.263 héc-ta, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao so trồng lúa. Hiệu quả nhất là mô hình trồng xoài 4.560 héc-ta (chiếm 86,6% diện tích, gần 80% đang cho trái). 3 xã Cù lao Giêng (Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân) đã chuyển toàn bộ diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, vườn cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Mới Nguyễn Văn Sanh chia sẻ: “Mô hình sản xuất cây ăn trái hiệu quả cao, cần nhân rộng đó là mô hình trồng xoài ở 3 xã Cù lao Giêng đạt lợi nhuận 180 triệu đồng/ héc-ta. Cùng với hiệu quả kinh tế từ trái xoài kéo theo dịch vụ kinh doanh xoài”. 3 xã Cù lao Giêng hình thành hơn 50 vựa, điểm thu mua xoài. Thời điểm thu hoạch chính vụ, các vựa, điểm thu mua xoài tiêu thụ 500 tấn xoài/ngày. Với giá xoài bao trái màu xanh 28.000 đồng/kg, xoài bao trái màu vàng 40.000 đồng/kg, xoài cóc 11.000 đồng/kg), nông dân sản xuất xoài 3 màu đạt lợi nhuận 180 - 200 triệu đồng/héc-ta/vụ.
Tận dụng hệ thống đê bao khép kín, nông dân các xã: Mỹ An, Long Kiến, An Thạnh Trung... chuyển đổi vườn tạp, đất nông nghiệp sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng mãng cầu ta, chanh, bưởi, cam... cho hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình trồng chanh lợi nhuận 340 triệu đồng/héc-ta, trồng mãng cầu lợi nhuận 500 triệu đồng/héc-ta. Nông dân Lê Văn Kiển (ấp An Phú, xã An Thạnh Trung) cho biết: “Nhờ chuyển 12 công đất lúa sang trồng chanh bông tím, mỗi năm lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Chanh trồng cho trái quanh năm, nửa tháng thu hoạch 1 đợt, nên đạt lãi cao, từ 15-20 triệu đồng/công/năm”.
Trồng rau màu ngắn ngày, lợi nhuận cao
Ông Sanh cho biết: “Với diện tích trồng màu hơn 30.000 héc-ta/năm, tạo giá trị sản xuất đạt 370-400 triệu đồng/năm, Chợ Mới xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả như trồng bắp non kết hợp chăn nuôi bò ở các xã: Mỹ An, Hội An, An Thạnh Trung, thị trấn Mỹ Luông, Kiến An, Tấn Mỹ, Bình Phước Xuân… Lợi nhuận bắp non đạt khoảng 20 triệu đồng/héc-ta/vụ. Ngoài ra, tận dụng phụ phẩm cây bắp làm thức ăn nuôi bò. Hiệu quả của mô hình này các năm qua giúp nông dân, nhất là hộ nghèo, hộ ít ruộng đất vươn lên thoát nghèo, khấm khá”. Nông dân Chợ Mới trồng nhiều loại rau màu chủ lực theo nhu cầu thị trường mang lại hiệu quả cao, như: Trồng mồng tơi lấy hạt ở xã Long Kiến, lợi nhuận 234 triệu đồng/héc-ta; trồng kiệu, khoai cao ở xã Hội An, lợi nhuận 330-390 triệu đồng/héc-ta; nông dân Kiến An trồng ngò gai lợi nhuận 100 triệu đồng/héc-ta; trồng khoai lang ở xã Long Kiến lợi nhuận 69 triệu đồng/héc-ta; trồng dưa leo lợi nhuận 56,7 triệu đồng/héc-ta; trồng dưa hấu nụ lợi nhuận 80 triệu đồng/héc-ta... Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng khoa học- kỹ thuật được nông dân áp dụng hiệu quả như: Trồng nấm rơm trong nhà bằng nguyên liệu compost tại các xã: Long Điền A, Kiến Thành, Kiến An; ủ chua thức ăn cho bò tại xã Kiến An; trồng nấm mèo trong nhà tại xã Nhơn Mỹ.
Kiến An là vùng chuyện canh rau, màu lớn nhất tỉnh, hệ số vòng quay sản xuất 5-6 vụ/năm. Mỗi ngày, nơi đây cung cấp ra thị trường 80-100 tấn rau màu các loại. Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất đa dạng các chủng loại, nông dân nơi đây đang dần nâng cao chất lượng nông sản. Nông dân Nguyễn Văn Giang cho biết: “Một công đất ở đây mỗi năm trồng được 5 - 6 vụ rau, mồng tơi, cải ngọt, xà lách... gặp lúc trúng mùa, trúng giá, thu lãi cao”.
Hiện nay, trăn trở lớn nhất của chính quyền và nông dân huyện Chợ Mới đó là sản xuất còn thiếu tính liên kết, manh mún, chưa sản xuất sản phẩm an toàn sản lượng lớn, đầu ra thiếu ổn định, diện tích sản xuất đạt chuẩn thị trường xuất khẩu còn hạn chế. Đó là những rào cản khiến hiệu quả sản xuất chưa cao như mong đợi. “Để tạo đà thúc đẩy nông nghiệp phát triển, huyện chú trọng đầu tư các công trình phục vụ vùng chuyên canh cây ăn trái, hệ thống thủy lợi, hạ tầng giao thông, xây dựng quy trình sản xuất VietGAP... Hướng tới, huyện sẽ phát triển cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái”- Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Trương Trung Lập thông tin.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã