Nhiều khó khăn
Xã duy nhất của huyện miền núi Đồng Xuân đạt chuẩn NTM đến thời điểm này là Xuân Sơn Nam, các xã còn lại chỉ đạt từ 6-17 tiêu chí, thấp nhất tỉnh. Hiện nay, một số tiêu chí xây dựng NTM mà các xã ở Đồng Xuân cơ bản đạt được gồm: quy hoạch, thủy lợi, điện, bưu điện, hệ thống chính trị, an ninh trật tự, hình thức tổ chức sản xuất. Các tiêu chí phải hoàn thành trong thời gian tới tập trung vào giao thông, trường học, nhà ở dân cư, hộ nghèo, thu nhập, cơ sở vật chất văn hóa...
Ông Phạm Thế Vụ, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho biết: Xã đã hoàn thành được 8 tiêu chí NTM. Trong năm 2017, xã phấn đấu hoàn thiện thêm 5 tiêu chí, gồm cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục, lao động có việc làm, hình thức tổ chức sản xuất, quốc phòng - an ninh. Theo lộ trình, đến năm 2020, Đa Lộc sẽ hoàn thành 19 tiêu chí, trở thành xã chuẩn NTM. Để đạt được mục tiêu này, địa phương cần đầu tư thêm khoảng 35 tỉ đồng, trong đó vốn đóng góp của người dân khoảng 3 tỉ đồng.
Trong khi đó, xã này có hơn 51% hộ nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn khó khăn. “Đa Lộc là xã vùng sâu vùng xa, nên khi thực hiện bê tông giao thông chi phí vận chuyển cao, đẩy giá cát, đá tăng gần gấp đôi nên phần đóng góp của bà con rất lớn. Trên địa bàn xã cũng ít doanh nghiệp hoạt động nên nguồn đóng góp từ kênh này cũng hạn chế. Đây là những trở ngại lớn để địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM trong thời gian tới”, ông Vụ trăn trở.
Còn Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ La O Hóa cho hay: Là xã vùng cao, đông đồng bào dân tộc thiểu số, sống dựa vào trồng lúa rẫy, nuôi bò... với mức thu nhập bình quân chỉ 8 triệu đồng/người/năm. Hầu hết các hộ dân phải nhờ trợ cấp từ Nhà nước và các tổ chức. Vì vậy, việc vận động người dân đóng góp để làm đường, xây chợ, nhà văn hóa... là điều không thể, nên việc xây dựng NTM gặp rất nhiều khó khăn.
Theo UBND huyện Đồng Xuân, huyện có 5 xã đặc biệt khó khăn gồm: Phú Mỡ, Đa Lộc, Xuân Lãnh, Xuân Long và Xuân Quang 2. Toàn huyện có gần 50% hộ dân thuộc diện nghèo và cận nghèo, đang nhận sự hỗ trợ từ Nhà nước để ổn định cuộc sống, khiến việc huy động vốn đóng góp của người dân rất hạn chế.
Trong năm 2016, toàn huyện huy động được hơn 78,6 tỉ đồng, trong đó phần vốn huy động từ nhân dân đóng góp khoảng 2,6 tỉ đồng. Còn trong 6 tháng đầu năm 2017, địa phương tiếp tục huy động được gần 19 tỉ đồng thực hiện chương trình này, trong đó chủ yếu là vốn hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh và vốn lồng ghép; vốn huy động từ dân không có.
Cần được hỗ trợ
Theo kế hoạch, đến năm 2020, huyện Đồng Xuân phấn đấu có 6 xã về đích xây dựng NTM gồm: Xuân Sơn Nam, Xuân Quang 3, Xuân Phước, Xuân Sơn Bắc, Xuân Long và Xuân Quang 2. Trong giai đoạn 2020-2025, huyện sẽ có thêm xã Xuân Quang 1, Xuân Lãnh và Đa Lộc hoàn thành 19 tiêu chí NTM. Riêng xã Phú Mỡ vẫn chưa xác định được thời gian về đích chương trình này.
Ông Trần Quốc Huy, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân cho biết: Theo Công văn 2003 và Quyết định 695 của Thủ tướng Chính phủ thì việc phân bổ vốn ngân sách Nhà nước thực hiện chương trình xây dựng NTM phải bảo đảm mức hỗ trợ 100% hoặc ít nhất 95% cho xây dựng các công trình trên địa bàn các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn.
Trong khi đó, việc huy động vốn thực hiện xây dựng NTM ở địa phương được thực hiện theo Nghị quyết 76/2013 của HĐND tỉnh Phú Yên. Theo đó, khi xây dựng trường học, trạm y tế thì người dân vùng miền núi góp 5% trong tổng kinh phí đầu tư. Các công trình khác như chợ, nghĩa trang, nhà văn hóa và khu thể thao xã... người dân phải góp 10%. Riêng chương trình bê tông hóa giao thông và kiên cố hóa kênh mương thì Nhà nước hỗ trợ xi măng, ống cống và một phần chi phí vận chuyển, quản lý (theo quy định), người dân đóng góp cát, đá, công...
Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết: Để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, huyện đã kiến nghị với các cấp, ngành xem xét điều chỉnh khoản đóng góp của nhân dân địa phương về mức 0% đối với các công trình xây dựng trường học, trạm y tế xã, nhà văn hóa, khu thể thao xã và thôn, công trình nước sạch, xử lý chất thải, thoát nước thải dân cư, nghĩa trang xã, chợ nông thôn, hạ tầng sản xuất tập trung tiểu thủ công nghiệp và thủy sản. Đồng thời nguồn vốn đối ứng từ ngân sách huyện, ngân sách xã để xây dựng các công trình trên cũng giảm thêm 50% (so với mức hiện tại), vì Đồng Xuân là huyện nghèo, nguồn thu ngân sách thấp, hàng năm được cân đối từ hỗ trợ của ngân sách cấp trên (chiếm hơn 80% tổng chi ngân sách).
Theo Thủy Tiên/Phú yên.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã