Từ mô hình thí điểm
Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện Ngọc Hiển tập trung tuyên truyền cho Nhân dân nâng cao ý thức trong nuôi thuỷ sản; tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm sinh thái cho hộ dân. Đồng thời, huyện tổ chức những mô hình nuôi tôm sinh thái thí điểm trong hộ dân để đánh giá hiệu quả và tiếp tục nhân rộng.
Ông Tăng Thiện Tính, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Đã qua, đơn vị tham mưu với UBND huyện thí điểm mô hình nuôi tôm sinh thái ở xã Viên An Đông. Qua đánh giá sản lượng đạt hiệu quả cao, bình quân 1 ha nuôi sinh thái năng suất đạt từ 220-250 kg/ha, tăng trên 40 kg/ha so với hình thức nuôi truyền thống”.
Song, để nuôi tôm sinh thái cần phải đảm bảo về các tiêu chuẩn và được quốc tế chứng nhận. Trong đó, hộ nuôi tôm cần quản lý được môi trường nước, tránh bị ô nhiễm; con giống phải đảm bảo sạch bệnh; quá trình nuôi phải ghi chép từ khâu cải tạo vuông, xử lý môi trường, con giống cho đến khi thu hoạch và phải đảm bảo diện tích che phủ của rừng đạt 70% theo quy định của Chính phủ.
Từ khi mô hình thí điểm được triển khai, Ban Quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng đã tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện tốt việc trồng rừng, bảo vệ môi trường. Trên lâm phần do Ban quản lý có tổng số 387 hộ đã được chứng nhận nuôi sinh thái. Trong đó, thị trấn Rạch Gốc có 330 hộ với diện tích 1.593 ha, Tân Ân có 57 hộ với diện tích 877 ha. Hiện nay, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ hải sản Minh Phú đã nhận bao tiêu sản phẩm cho những hộ nuôi tôm được chứng nhận nuôi tôm sinh thái. Mỗi năm, công ty còn hỗ trợ cho hộ dân 1,2 triệu đồng bảo vệ rừng.
Ông Huỳnh Minh Xê, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng, chia sẻ: “Việc hộ dân được quốc tế chứng nhận nuôi tôm sinh thái sẽ được hưởng nhiều lợi ích về con tôm. Tôm sinh thái sẽ được xuất bán ra thị trường nước ngoài, giá cả sẽ tăng lên rất nhiều so với nuôi thường. Hiện Ban Quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng tiếp tục tuyên truyền để hộ dân giữ vững quá trình nuôi sinh thái”.
Nhân rộng và hiệu quả
Đến thời điểm hiện nay, huyện Ngọc Hiển có trên 9.000 ha được quốc tế chứng nhận nuôi sinh thái trên 3.000 hộ tham gia, tập trung trên địa bàn các xã như: Đất Mũi, Tân Ân, Viên An, Viên An Đông và thị trấn Rạch Gốc. Nhìn chung, quá trình nuôi sinh thái đã giúp nông dân tiếp cận được lĩnh vực nuôi mới, tăng hiệu quả kinh tế khá cao, con tôm ít bị dịch bệnh, rừng được đảm bảo tỷ lệ che phủ.
Ông Huỳnh Văn Thọ, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, cho biết: "Tôi nuôi tôm theo hình thức sinh thái được 1 năm nay, hiệu quả mang lại khá. Những năm trước, thu nhập mỗi héc-ta khoảng 7-10 triệu đồng/năm, nhưng nuôi sinh thái khoảng 5 tháng thu hoạch được 40 triệu đồng, năng suất cao gấp nhiều lần so với trước đây. Đặc biệt con tôm sinh thái được Công ty Minh Phú bao tiêu sản phẩm nên nông dân không sợ được mùa, mất giá như những năm trước".
Ông Nguyễn Thanh Dân, ấp Xưởng Tiện, xã Viên An Đông, cho rằng, nuôi tôm sinh thái hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường nước. Tuy nhiên, để nuôi đạt hiệu quả thì Ngọc Hiển cần xây dựng được những cơ sở sản xuất giống đảm bảo chất lượng, giống sạch bệnh… giúp hộ nuôi tôm đạt sản lượng cao.
Ông Nguyễn Văn Nhuần, xã Đất Mũi, nhìn nhận: “Từ khi được chứng nhận nuôi sinh thái, gia đình tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của những tiêu chuẩn của quốc tế đề ra. Gia đình hiện có 4 ha nuôi tôm, đầu năm 2017, tôi thả mật độ giống 2 con/m2, sau 5 tháng thu hoạch lãi trên 70 triệu đồng. Hiện tôi đang tiếp tục thả giống cho vụ Tết, tôm đang phát triển nhanh, đạt đầu con”.
“Hiện nay việc nuôi tôm hộ dân sử dụng nhiều chất kháng sinh, chất cấm làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng tôm. Đặc biệt, vấn đề này còn làm cho con tôm chậm phát triển, hay xảy ra dịch bệnh. Do vậy, nuôi sinh thái là hình thức nuôi hợp lý đối với vùng đất Ngọc Hiển. Bởi thuỷ triều ở đây luôn thay đổi, đảm bảo độ mặn giúp con tôm phát triển. Nếu tuân thủ quá trình nuôi và bảo vệ môi trường thì hình thức nuôi tôm sinh thái sẽ là mô hình nuôi lý tưởng và bền vững nhất”, Kỹ sư Mai Công Đoan, Trạm Trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Ngọc Hiển, chia sẻ.
Ông Lý Hoàng Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, thông tin, huyện Ngọc Hiển sẽ đầu tư nguồn vốn trên 20 tỷ đồng cho việc quy hoạch các vùng nuôi, sản xuất giống và quy hoạch thuỷ lợi gắn với đê ngăn triều cường để đảm bảo điều kiện sản xuất cho nuôi tôm sinh thái. Bên cạnh đó, các ngành chuyên môn của huyện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn, Công ty Lâm nghiệp Ngọc Hiển và các ban quản lý rừng phòng hộ đóng trên địa bàn tuyên truyền cho người dân trồng rừng, bảo vệ rừng, phòng ngừa dịch bệnh thuỷ sản trong khu vực nuôi./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã