Một lần tình cờ xem chương trình Nhà nông làm giàu, thấy mô hình nuôi cá lóc ở một số địa phương khá phát triển và có thể làm giàu, ông Lịch nảy ra suy nghĩ “họ nuôi được, sao mình không thử”. Năm 2014, ông bàn với vợ rồi khăn gói vào Nam mua con giống về nuôi.
Khi đã có con giống, ông bắt đầu xây dựng mô hình nuôi cá lóc trên chính phần đất trống sau vườn của gia đình. Với hơn 30 triệu đồng tích góp được, ông mua gần 3.000 con giống để lấy ngắn nuôi dài. Ao nuôi ở đây được ông dùng tấm bạt trải lót để giữ nước, rồi xây gạch bao quanh thành bờ ao.
Thời gian đầu khi mới bắt đầu nuôi, do cá lóc chưa quen với điều kiện khí hậu ở địa phương nên việc chăm sóc khá nhiều khó khăn. “Mới nuôi, chưa có lợi nhuận đã gặp nhiều bất lợi. Mọi người trong nhà, nhất là vợ tôi khuyên chuyển hướng khác. Nhưng tôi nghĩ, do mình nuôi lứa đầu nên chưa có hiểu biết, nếu khắc phục được trình trạng này nhất định sẽ thành công” - ông Lịch chia sẻ.
Nghĩ vậy, nên vừa nuôi, ông vừa lên mạng internet để tìm hiểu về kỹ thuật, rồi lặn lội đến tận những nơi nuôi cá lóc để học hỏi kinh nghiệm thực tế. Hàng ngày, ông quan sát tỉ mỉ từng dấu hiệu, phản ứng của đàn cá với điều kiện nuôi. Sau hơn 6 tháng nuôi, vụ cá đầu tiên ông thu được gần 4 tấn cá thịt. Thấy hiệu quả tốt, ông tiếp tục nhân rộng quy mô nuôi, đến nay gia đình có 5 ao với tổng diện tích gần 200m2, thả hơn 40.000 con cá lóc.
Ông Lịch cho biết, nuôi cá gần sông cũng có nhiều lợi thế vì nguồn nước khá cố định. Tuy nhiên, nơi này cũng tiềm ẩn ít nhiều rủi ro, vì nuôi gần sông nên khi nước lũ đổ về nếu di chuyển không kịp thì rất dễ bị nước lũ cuốn. Mỗi năm gia đình ông xuất bán 2 vụ, mỗi vụ bán ra thị trường gần 20 tấn cá. Cá nuôi trong vòng 5 - 7 tháng là có thể xuất bán thịt với trọng lượng khoảng 0,5 - 0,8kg/con. Cá nuôi được thương lái từ các chợ đầu mối trong tỉnh và ngoài Đà Nẵng đều đến tận nhà thu mua. Hiện nay, giá ngoài thị trường dao động 40 - 45 nghìn đồng/kg. Với 2 vụ cá nuôi, sau khi trừ chi phí giống, thức ăn, gia đình ông thu về gần 200 triệu đồng/năm.
“Giờ số cá còn lại tôi dành đến gần tết mới thu hoạch để bán. Năm nào cũng vậy, trước khi thả con giống, tôi thường tính toán sao cho khi thu hoạch sẽ trúng vào thời điểm giáp tết, vì giá cá tăng cao khoảng 60 - 70 nghìn đồng/kg, hàng bán lại nhanh chóng hơn những dịp khác” - ông Lịch vui vẻ nói.
Với 2 năm kinh nghiệm, ông Lịch chia sẻ nuôi cá lóc trong bạt có thể chủ động được nguồn nước, đồng thời kiểm soát được các dịch bệnh về cá. “Trong quá trình nuôi, khâu quan trọng và quyết định đến hiệu quả chính là nguồn nước. Để giảm tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi và không để nguồn nước bị bẩn dễ gây bệnh cho cá, thì đối với cá khi còn 1 tháng tuổi có thể một ngày thay nước 1 lần. Nhưng khi cá đã lớn thì phải thường xuyên thay nước 2 lần/ngay vì lúc này cá ăn nhiều nên chất bẩn cá thải ra cũng rất nhiều. Thức ăn chủ yếu là cá tạp và bột. Nuôi trong vòng một tháng đầu tiên nên cho ăn cá tạp xay nhỏ. Còn sau hơn một tháng thì có thể cho ăn bột để đáp ứng đầy đủ chất dinh dưỡng để cá phát triển nhanh hơn” - ông Lịch nói.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Lịch còn hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều người dân trong vùng về cách thức nuôi cá để giúp họ vươn lên thoát nghèo.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã