Chuyên gia khắc chữ trên xoài
Năm 1999, xuất ngũ về địa phương, anh Huỳnh Thanh Khoa phụ gia đình trồng rẫy, chăm sóc vườn xoài trên 8.000m2. Tuy nhiên, sự cần cù, chịu khó của anh không được đáp lại vì cây trái, rau màu ở ruộng vườn phụ thuộc vào thời tiết, sâu bệnh và giá cả thị trường. Vì vậy, nhiều năm liền, dù chăm chỉ làm ăn, nhưng gia cảnh anh Khoa chẳng khá lên là mấy.
Anh Khoa kiểm tra chất lượng xoài trước khi bao trái có chữ (ảnh lớn). Nhiều trái xoài thư pháp với mẫu mã đa dạng và phong phú chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2017. Ảnh: C.T
Xoài nổi chữ thư pháp” là sản phẩm độc đáo được sáng tạo từ niềm đam mê, tìm tòi của “ông đồ” Huỳnh Thanh Khoa. Những cách nghĩ và cách làm “mới” thật sự đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và mang đến sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng hiện nay. Ông Lê Văn Tâm - Chủ tịch |
Xác định vùng đất Cao Lãnh phù hợp với cây xoài, anh Khoa đã đầu tư vào trồng hơn 300 gốc xoài. Giống anh Khoa trồng chủ yếu là xoài cát Chu, xoài cát Hòa Lộc và xoài Đài Loan. Anh còn mạnh dạn học hỏi, áp dụng mô hình trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP.
Anh Khoa chia sẻ, việc ứng dụng sản xuất xoài VietGAP cho năng suất cao, ổn định mà lại tăng lợi nhuận rõ rệt. Với việc trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, sau khi trừ mọi chi phí, gia đình anh Khoa có khoản lợi nhuận 50 - 70 triệu đồng/năm. “Trước làm bao năm cuộc sống có khá lên được đâu. Vậy mà tôi làm xoài VietGAP mới 2-3 năm đã khá lên hẳn. Việc làm vườn cũng khỏe hơn nhiều bởi không dùng nhiều thuốc sâu…” - anh Khoa phấn khởi nói.
Không dừng lại ở việc trồng xoài áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, với niềm đam mê, ham học hỏi đã thôi thúc anh Khoa “sáng tạo” ra loại sản phẩm mới phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Anh Khoa nhận thấy xoài là 1 trong 5 loại trái cây không thể thiếu của ngày Tết, thế nhưng trái xoài nếu không có điểm gì độc đáo sẽ không thể bán và cạnh tranh với thị trường. Những năm trước đã có rất nhiều sản phẩm như dưa lê hình thỏi vàng, dưa hấu khắc chữ thư pháp, bưởi da xanh khắc chữ nổi... rất bắt mắt và nổi tiếng. “Các loại trái mới, lạ này có giá bán cao gấp 5 - 6 lần giá bán các loại cây trái bình thường…Tôi suy nghĩ, có lẽ cũng nên áp dụng việc khắc chữ thư pháp với ý nghĩa cầu chúc tốt lành lên trái xoài để bán dịp tết…” - anh Khoa nói.
Nung nấu suy nghĩ, thế rồi anh Khoa bắt đầu mày mò thử nghiệm trên một số ít trái xoài trong vườn nhà và… thất bại. Không chỉ thất bại 1, 2 lần, anh Khoa thử nghiệm tới lần thứ 5 vẫn thất bại. “Nhiều lúc tôi cũng nản, tính bỏ cuộc, nhưng đêm nằm suy nghĩ đã tìm ra được nguyên nhân, rút ra những bài học quý báu và tiếp tục thử nghiệm…” - anh Khoa nhớ lại.
“Độc, lạ” từ cách nghĩ, cách làm tới sản phẩm
Công cuộc thử nghiệm in chữ trên trái xoài của anh Khoa bắt đầu từ năm 2013. Lúc ấy, miệt vườn miền Tây đâu có trường lớp, cũng chẳng có ai dạy việc khắc chữ nổi thư pháp trên trái xoài nên anh Khoa phải tự mình suy nghĩ, nghiên cứu và tự làm thủ công, cắt những chữ “Tài”, “Lộc”, sau đó bao trên trái. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm nên những trái đầu tiên đều bị hư, rồi những trái tiếp theo cũng thế.
Trong quá trình sử dụng loại bao trái, tình cờ anh Khoa phát hiện có những bao trái bị lỗi, trái không bóng vàng, không đều màu, vì nắng xuyên qua khe hở của bao nên trái xoài vàng không đều. Từ phát hiện này, anh bắt đầu thử nghiệm tiếp dựa trên nguyên lý khe hở của bao trái. Đến cuối năm 2015, anh đã thành công, cho ra đời những “tác phẩm” đầu tay.
Anh Khoa chia sẻ: “Việc sản xuất xoài có chữ thư pháp rất khó vì đòi hỏi sự kiên nhẫn, cẩn thận và chịu ảnh hưởng rất lớn vào thời tiết, phải biết chọn thời điểm để có thể bao trái thích hợp. Xoài khắc chữ thư pháp đòi hỏi nhiều yếu tố và rủi ro cao. Mỗi trái xoài mang 1 chữ trong bộ chữ thư pháp. Nếu trong bộ trái mang các chữ thư pháp bị mất 1 trái coi như bỏ cả bộ. Thêm vào đó, thị trường tiêu thụ chủ yếu vào thời điểm Tết nên nếu khách hàng đặt hàng trễ và số lượng nhiều cũng không thể đáp ứng được…”.
Anh Khoa cho biết thêm, công đoạn định hình chữ mất rất nhiều thời gian vì nếu làm không tốt sẽ làm bao trái bị dịch chuyển, chữ bị nhòe, không còn đúng vị trí như ban đầu và mỗi bao khắc chữ chỉ có thể sử dụng một lần nên rất tốn chi phí cho khâu bao và khắc chữ.
Sau khi tung ra thị trường, thông qua việc tham gia các cuộc triển lãm và hội thi trái cây đẹp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trái xoài thư pháp của anh Khoa đã được rất nhiều người ưa thích và có một doanh nhân đã đặt hàng 2.500 trái. Tuy nhiên, do là sản phẩm mới ra chào thị trường nên anh Khoa đành từ chối vì không thể đáp ứng đủ số lượng. Tết Nguyên đán 2016, 1.200 trái xoài có chữ thư pháp của gia đình anh Khoa đã tiêu thụ rất nhanh, mỗi trái bán cho thương lái với giá “khủng” 300.000 đồng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Hà Nội…
Do nhu cầu cao về trái xoài in chữ thư pháp anh Khoa đã hợp tác thêm với một số hộ lân cận và truyền bí quyết khắc chữ cho họ. Hiện diện tích áp dụng mô hình xoài khắc chữ của gia đình anh và 5 hộ liên kết đã lên đến hơn 30ha. Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, anh và các gia đình dự kiến tiếp tục tung ra thị trường 5.000 trái xoài khắc chữ thư pháp với nhiều mẫu mới, lạ như: 2 chữ trên cùng 1 trái xoài, các kiểu chữ thư pháp bắt mắt và đẹp hơn do được thực hiện bằng máy và thêm các kiểu hình cá chép, hình rồng, hình các con vật… Dự kiến, giá xoài khắc chữ thư pháp bán Tết năm Đinh Dậu 2017 này sẽ không thấp hơn năm trước.
Quy mô 8.000m2 xoài khắc chữ thư pháp đã giúp gia đình anh Khoa thu lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/vụ xoài Tết. Những đóng góp của mình trong nghề trồng trái cây, anh Khoa đã được nhận rất nhiều bằng khen, giấy khen của thành phố Cao Lãnh và tỉnh Đồng Tháp.
Tác giả bài viết: Chí Trung
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã