Học tập đạo đức HCM

Học nhau cách giảm nghèo

Thứ hai - 07/11/2016 04:49
Hành trình giảm nghèo thời gian qua đã góp phần tạo một diện mạo mới ở các bản làng của các huyện miền núi trong tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức phía trước, đòi hỏi những chiến lược mang tính lâu dài, bền vững.

CHIA SẺ KINH NGHIỆM

Những cách làm mới trong quá trình tìm kiếm sinh kế cho đồng bào miền núi, tư duy đột phá về định canh, định cư, ổn định sản xuất được chính quyền các địa phương chia sẻ nhằm tìm kiếm giải pháp tốt nhất cho mục tiêu chung: giúp dân thoát nghèo.

Tạo sinh kế cho người dân miền núi, chiến lược “hóa giải” thách thức đặc trưng của vùng. Ảnh: NGƯỚC CÔNG
Tạo sinh kế cho người dân miền núi, chiến lược “hóa giải” thách thức đặc trưng của vùng. Ảnh: NGƯỚC CÔNG

Định cư để định canh

Mới đó mà đã gần 2 năm, kể từ ngày cư dân làng K’xêêng (xã Dang, huyện Tây Giang) cùng nhau khiêng từng cây cột, vác từng bó nứa về làng mới. K’xêêng bây giờ là những căn nhà gỗ bán kiên cố, lợp tôn khang trang nằm ngay cạnh con đường chính đi ngang qua trung tâm xã, có đầy đủ nước sạch, trường học mẫu giáo, đường bê tông. Khi về làng mới, người dân được cấp một diện tích đất sản xuất đủ để trồng lúa lấy gạo ăn, đồng thời vẫn còn giữ nguyên những cánh rẫy ở làng cũ. Abing Chính, người dân làng K’xêêng nói, nếu không về nơi mới, chắc dân làng không dám mơ được cuộc sống như bây giờ. “Về nơi mới điều kiện sống tốt hơn, làm ra thứ gì cũng dễ bán, dễ mua, cuộc sống đỡ khổ hơn trước nhiều. Mừng nhất là có được nhà cửa kiên cố không sợ mưa bão, gia đình đủ ăn, đủ mặc, không còn đói như ngày trước nữa” - Chính chia sẻ.

K’xêêng là một trong số những khu tái định cư được hoàn thiện nhờ chủ trương quy hoạch dân cư của Tây Giang trong suốt nhiều năm qua. Bước ra từ những gian khó khi tái lập, chặng đường nỗ lực sắp xếp, bố trí dân cư của Tây Giang đã giúp làm nên 78 mặt bằng tái định cư ở thời điểm hiện tại, với những khu tái định cư khang trang cho đồng bào, vừa đảm bảo yếu tố truyền thống, vừa phù hợp với quy hoạch đầu tư phát triển. Ngoài ra còn có 6 mặt bằng khác đang được san ủi và 17 mặt bằng đã quy hoạch, sẽ được tiến hành trong tương lai. Đây cũng đồng thời là mô hình “điểm” rất hiệu quả trong việc thay đổi tư duy từ định canh sang định cư cho đồng bào, một yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến quy hoạch ở miền núi. Ông Bh’ling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho hay, xuất phát từ thực tiễn, huyện Tây Giang chủ trương tập trung quy hoạch, ưu tiên ổn định chỗ ở cho người dân. Sau tái định cư, chính quyền linh hoạt lồng ghép với các nguồn vốn hỗ trợ để phát triển khai hoang, mở rộng diện tích đất sản xuất, ổn định an ninh lương thực tại chỗ và hạn chế được tình trạng xâm canh, phá rừng. “Kinh nghiệm của Tây Giang là từ những thôn, bản được chọn làm điểm, chúng tôi vận động nhân dân hiến đất, hoa màu để tái định cư, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân, tìm hướng bố trí phù hợp với quy hoạch sản xuất và điều kiện từng vùng, đáp ứng các yêu cầu về đời sống, phong tục tập quán của người dân. Việc đầu tư xây dựng các điểm định canh định cư ban đầu có thể gặp khó khăn về kinh phí, nhưng khi đã hoàn thiện san ủi mặt bằng, thì suất đầu tư cho các công trình điện, nước, đường giao thông sẽ giảm đáng kể, lại đồng bộ, không dàn trải, phát huy hiệu quả cao” - ông Mia nhấn mạnh.

Mạnh dạn trong quy hoạch, đầu tư các khu tái định cư, nhiều bản làng vùng cao ở Tây Giang đã thực sự thay da đổi thịt, tạo nên một diện mạo mới cho miền núi. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh theo từng năm, điều kiện sống, sinh hoạt của người dân cũng đã cải thiện rõ rệt, không còn những u ám nạn đói, nạn mù chữ như thời gian trước. Từ Tây Giang, nhiều địa phương như Đông Giang, Nam Giang cũng đã từng bước vận dụng kinh nghiệm này vào thực tiễn bố trí tái định cư, giúp người dân nhanh chóng ổn định nơi ở, phát triển sản xuất, từng bước thoát nghèo. Nhiều lãnh đạo ở các huyện miền núi cũng xem đây như một hướng mở trong tương lai, khi nhu cầu quy hoạch, tái định cư đang là một trong những vấn đề cấp bách của các địa phương miền núi.

Lan tỏa những mô hình

Sau ổn định chỗ ở, sinh kế cho người dân cũng đang là bài toán khó cho miền núi. Thực tiễn cho thấy, tập quán tự cung tự cấp, thói quen canh tác lạc hậu khiến việc hình thành một nền sản xuất hàng hóa còn là thách thức cho nhiều địa phương. Ngoài ra, lựa chọn được một mô hình phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán sản xuất cho miền núi cũng là vấn đề nan giải. Trước khó khăn chung đó, chính quyền trở thành cầu nối cho những mô hình sản xuất, đưa “cây”, “con” về với đồng bào.

Từ Nam Trà My, cây sâm giống Ngọc Linh được di thực sang Tây Giang từ hơn 10 năm trước đã lên xanh, với kết quả hàm lượng saponin trong củ sâm đạt 10,47/11,67%, một thành công ngoài mong đợi của địa phương. Hàng nghìn cây sâm giống sinh trưởng tốt, hứa hẹn là hướng đi mới cho Tây Giang trong việc tìm kiếm mô hình sinh kế cho đồng bào. Bên cạnh đó, Tây Giang cũng phát triển mạnh diện tích sâm ba kích, đảng sâm, những cây dược liệu có giá trị kinh tế cao. Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho hay, mô hình trồng cây dược liệu đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, với diện tích ngày càng được mở rộng. “Nhiều hộ dân đã bắt đầu phát triển diện tích trồng cây dược liệu, đồng thời quan tâm hơn đến cây sâm Ngọc Linh. Chưa nói đến cây sâm Ngọc Linh, thu nhập từ việc trồng cây ba kích, đảng sâm cũng đã giúp được nhiều hộ dân cải thiện đời sống, thoát nghèo. Chúng tôi cũng đã kết nối với huyện Nam Trà My, học tập kinh nghiệm chăm sóc, phát triển cây sâm để có thể từng bước chuyển giao cho đồng bào ở đây” - ông Blúi nói.

Nguồn vốn đầu tư lâu nay vẫn được xem là khó khăn chung của các huyện miền núi. Địa hình phức tạp, cư dân thưa thớt, suất đầu tư lớn, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn khiến nhiều nơi phải loay hoay tìm kiếm vốn cho các dự án cải thiện chỗ ở, đời sống cho đồng bào. Trong bối cảnh chung đó, lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ được xem là lời giải hữu hiệu. Tại các diễn đàn hợp tác phát triển kinh tế liên vùng, hội nghị giao ban các huyện miền núi, giải pháp này được nhiều địa phương nhấn mạnh như một điều kiện cần để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn. Ông Alăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang - cho rằng, với tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 58%, nguồn vốn phân bổ về địa phương cho công tác đầu tư giảm nghèo khó phát huy được hiệu quả, mục tiêu như mong đợi. Do vậy, địa phương đã linh hoạt chỉ đạo lồng ghép các nguồn lực từ các chính sách, chương trình để đầu tư xây dựng các công trình dự án. “Năm 2015, từ các nguồn vốn từ Chương trình 135, xây dựng nông thôn mới, vốn ngân sách hỗ trợ huyện nghèo 30c kết hợp với nguồn khai thác quỹ đất, ngân sách huyện… đã giúp Nam Giang thực hiện tốt dự án định canh định cư tập trung Pà Xua (xã Ta Bhing), với tổng mức đầu tư hoàn thành hơn 28 tỷ đồng, giải quyết ổn định đời sống cho 55 hộ. Trong khi đó, nguồn vốn hỗ trợ từ Chính phủ cho dự án chỉ phân bổ được xấp xỉ 8,6 tỷ đồng. Nếu không vận dụng linh hoạt, khó có thể sớm ổn định đời sống người dân, chưa kể việc đầu tư nhỏ giọt, kéo dài có thể gây lãng phí lớn cho ngân sách” - ông Mai chia sẻ.

Miền núi Quảng Nam có địa bàn dân cư phân bố rộng, mỗi vùng có đặc thù về điều kiện sản xuất, hệ thống hạ tầng. Tuy nhiên những kinh nghiệm trong thực tiễn của chính quyền để giảm nghèo cho người dân miền núi chính là bài học quý báu cho các địa phương. Từ những cách làm hay, từ tư duy mới, người dân có quyền kỳ vọng vào sự đổi thay, phát triển của vùng cao.

NHỮNG ĐỀ XUẤT

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải: Cần phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng

Vùng miền núi Quảng Nam có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển KT-XH. Vì thế, tỉnh và các địa phương cần phát huy nội lực sẵn có, kết hợp lồng ghép các chương trình chính sách, huy động nguồn vốn dự án theo chiến lược cụ thể, chỉ có phát triển KT-XH thì mới kéo theo phát triển toàn diện của miền núi. Bên cạnh đó, cũng cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, xây dựng các biện pháp bảo tồn và phát huy bản sắc truyền thống của đồng bào và tiếp tục thực hiện việc sắp xếp, bố trí dân cư tập trung cho người dân miền núi gắn với phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Việc thực hiện bố trí dân cư cũng phải đảm bảo với điều kiện thực tế tại mỗi địa phương, không làm phá vỡ giá trị truyền thống của đồng bào vùng cao.

Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng miền núi tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: NGƯỚC CÔNG
Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng miền núi tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: NGƯỚC CÔNG

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Tạo động lực để miền núi phát triển

Trong điều kiện đặc thù của từng vùng, sẽ có những khác biệt về điều kiện phát triển, vì thế chính sách chung sẽ phát sinh ra nhiều bất cập. Do vậy, chúng ta cần phải có cách làm phù hợp theo từng vùng để tạo được động lực phát triển kinh tế, giảm thụ động cho đồng bào dân tộc thiểu số. Lợi thế của miền núi là có nhiều chính sách đầu tư, nhưng lâu nay việc triển khai khá manh mún theo kiểu “rách đâu, vá đó” khiến KT-XH tại các địa phương chưa phát triển mạnh mẽ, chưa tạo được sức bật mới, cũng như thiếu nguồn lực để bứt phá. Các địa phương cần bám sát cơ hội phát triển theo các dự án chiến lược phát triển miền núi, từng bước tháo gỡ khó khăn và hướng đến việc giảm nghèo bền vững.

Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bh’riu Liếc: Quy hoạch chung cho tổng thể miền núi

Địa bàn chia cắt, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, thiếu đất ở, đất sản xuất, thiếu việc làm, hủ tục, tâm lý trông chờ ỷ lại… là những khó khăn thường thấy ở miền núi. Vì vậy, xây dựng quy hoạch chung cho tổng thể miền núi sẽ giúp tập trung đồng bộ, đẩy mạnh thương mại hàng hóa lớn giữa các vùng và tạo sự liên kết cho phát triển KT-XH. Tiềm năng lớn nhất của vùng miền núi chính là tài nguyên mang tính đặc thù như: hệ sinh thái núi cao, hệ thống thủy văn và đặc biệt là văn hóa các dân tộc. Do đó, việc khai thác tiềm năng cũng cần gắn với phát triển văn hóa du lịch, giữ rừng, giữ tài nguyên và phải lấy lao động tại chỗ để tạo cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân miền núi.

PHÁT TRIỂN CÂY DƯỢC LIỆU: CÂY GIẢM NGHÈO CHO MIỀN NÚI

Quảng Nam là “thủ phủ” của cây sâm Ngọc Linh, lại được đánh giá là tỉnh có tiềm năng lớn nhất nhì cả nước về phát triển cây dược liệu, song cho tới thời điểm này, Quảng Nam vẫn đang loay hoay tìm hướng phát triển cây dược liệu. Một trong những khó khăn và khiến các nhà khoa học, nhà quản lý “đau đầu”, đó chính là nguồn giống chuẩn.

Mô hình di thực sâm Ngọc Linh từ Nam Trà My và phát triển cây dược liệu đang mang lại hiệu quả tích cực cho miền núi. Ảnh: NGƯỚC CÔNG
Mô hình di thực sâm Ngọc Linh từ Nam Trà My và phát triển cây dược liệu đang mang lại hiệu quả tích cực cho miền núi. Ảnh: NGƯỚC CÔNG

Chưa tương xứng tiềm năng

Quảng Nam có hơn 832 loài thuộc 593 chi, 190 họ thực vật làm thuốc, trong đó có ¾ loài là những cây thuốc mọc tự nhiên trong rừng, nương rẫy, quanh làng, bản như sâm Ngọc Linh, sa nhân, giảo cổ lam, ba kích tím, đảng sâm, ngũ vị tử… Diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh hiện chiếm tới 500ha, trong đó sâm Ngọc Linh là 68ha, đảng sâm 296ha, đương quy 50ha, ba kích 48ha, sa nhân 40ha. Chưa kể, diện tích được doanh nghiệp thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm và một số cây dược liệu tại Nam Trà My với 1.100ha; 60ha sâm trồng rải rác trong dân tại huyện Nam Trà My; 8ha sâm tại Trạm Dược liệu Trà Linh và nhiều diện tích trồng sâm của huyện Tây Giang… Tỉnh cũng đã ban hành, triển khai cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh và các loài dược liệu, bước đầu có những hỗ trợ nhất định với người dân về giống, cho doanh nghiệp thuê dịch vụ trồng rừng để trồng sâm, trồng cây dược liệu…

Tuy nhiên, theo đánh giá chung của các nhà khoa học, nhà quản lý, tình hình phát triển cây dược liệu chưa tương xứng với tiềm năng tỉnh nhà. Cây dược liệu chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ trong dân, chưa có doanh nghiệp lớn đầu tư, nguồn nguyên liệu chưa tập trung nên chưa thúc đẩy phát triển thị trường… Việc nuôi trồng, thu hoạch cây dược liệu trên địa bàn tỉnh còn manh mún, mang tính tự phát, chưa theo định hướng cụ thể. Tỉnh chưa có cơ chế, chính sách đồng bộ và phù hợp nhằm đẩy mạnh và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng, sơ chế, chế biến, bảo quản dược liệu… Chưa kể, việc khai thác tận diệt cây thuốc mọc trong tự nhiên mà không chú trọng trồng tái tạo cũng khiến cây thuốc bị cạn kiệt…

Tại hội thảo bàn giải pháp phát triển cây dược liệu tỉnh nhà, PGS-TS. Nguyễn Thế Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên chia sẻ, không loại trừ tình trạng gian lận thương mại trong sử dụng nguyên liệu đầu vào từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và chế biến thuốc, dược liệu, thực phẩm chức năng. Bởi, trong khi nhu cầu về dược liệu để chế biến các sản phẩm làm thuốc, thực phẩm chức năng hiện đang lớn, hơn 80% nguyên liệu và thuốc Đông y phải nhập khẩu (chủ yếu Trung Quốc) thì việc tiêu thụ dược liệu trong nước vẫn bấp bênh. Nguyên nhân được cho rằng là vì thiếu sự đồng bộ từ phân công quản lý chặt chẽ trong việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ thuốc Đông y và nguyên liệu làm thuốc, nên doanh nghiệp sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng không gắn với vùng dược liệu, không loại trừ gian lận thương mại trong sử dụng nguyên liệu đầu vào. Một trong những nguyên nhân lớn nữa là thiếu đồng bộ từ khâu quản lý nhà nước, nghiên cứu cây trồng, quản lý nguồn dược liệu để chế biến thuốc, dù quy hoạch chung về phát triển cây dược liệu đã có. Với Quảng Nam, hiện vẫn chưa có điều tra, quy hoạch chi tiết các vùng phân bố dược liệu để bảo tồn, cũng như xác định loài có thể phát triển dược liệu hàng hóa. Chưa có chuyên gia đầu ngành về nghiên cứu bảo tồn, phát triển cây dược liệu…

Tháo gỡ bài toán nguồn giống

Bài toán về nguồn giống đạt chất lượng đang là yêu cầu cấp bách đặt ra cho các nhà quản lý lẫn nhà khoa học trong công tác phát triển cây dược liệu. Ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang chia sẻ, Tây Giang là huyện có tiềm năng về phát triển cây dược liệu rất lớn. Song khó nhất hiện nay vẫn là giống, không chỉ cây sâm Ngọc Linh di thực về, mà ngay cả đối với cây bản địa như ba kích, sa nhân, tìm nguồn giống để trồng nhân rộng rất khó. Cây giống ba kích, sa nhân nuôi cấy mô thì vẫn chưa có đánh giá cụ thể, địa phương cũng rất lo ngại vì hình thể ban đầu của cây nuôi cấy mô khác xa với cây bản địa. “Thiết nghĩ, tỉnh cần có một trung tâm giống có thương hiệu, có thể đặt tại các huyện miền núi, tạo cơ chế cho doanh nghiệp vào bởi nhà nước khó làm được. Nên phân cấp mạnh để thu hút doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến sản xuất nông sản và cây dược liệu giúp người dân thoát nghèo” - ông Bhling Mia nói. Cùng vấn đề giống, ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - cho rằng: “Chúng tôi mong muốn các nhà khoa học vào cuộc nghiên cứu giống chuẩn, nhưng phải nhiều, nếu ít thì không thể nói làm gì. Có thể nhìn ra Hàn Quốc, người dân Hàn mua giống sâm cả trăm ký, trồng như rau muống, song họ vẫn có giống chuẩn, còn ta thì không?”…

Công nghệ sản xuất giống cũng là đề tài bàn luận của các nhà quản lý, nhà khoa học. TS. Khuất Hữu Trung - Phó Viện trưởng Viện Di truyền Việt Nam cho rằng: “Với cây sâm và cây dược liệu, việc nhân giống, bảo tồn cần hết sức thận trọng. Phải có quy trình chuẩn, cần phải giải mã gen, xây dựng bản đồ gen, xây dựng cơ sở dữ liệu và ngân hàng về bản đồ gen… Cần chọn lọc giống, hoàn thiện quy trình nuôi trồng, hạ thấp độ cao dần và phải đánh giá cụ thể. Việc hoàn thiện các trung tâm sản xuất giống tại Quảng Nam cũng là đề xuất quan trọng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, Quảng Nam đã xây dựng 2 vườn giống gốc, 2 trạm dược liệu phục vụ công tác bảo tồn rồi, thời gian tới, cần áp dụng công nghệ sinh học xây dựng bản đồ gen, phân tích thành phần hoạt chất, đảm bảo giống tốt, an toàn, xuất xứ, việc này cần có sự tham gia, hỗ trợ của các nhà khoa học. Đối với nhân giống vô tính cần phù hợp với từng cây dược liệu, mẫu có tính đại diện cao nhất trên địa bàn tỉnh. Phải lựa chọn, làm đúng quy trình, tiêu chuẩn, từ phòng thí nghiệm ra tới bên ngoài, hết sức khoa học, không vội vàng, phải đánh giá kỹ quy trình sinh trưởng của cây. Khâu lai tạo giống phải có phương pháp, hình thức tốt, đặc biệt phải có giống tốt, thích nghi cao, nhưng thận trọng, không chắc không làm. Việc nâng cao năng suất của các vườn sâm giống hiện phải được chú trọng thông qua việc xây dựng quy trình thâm canh, chăm sóc để những vườn sâm sinh sản hữu tính có năng suất cao về hạt, tỷ lệ cây sống.

Tác giả bài viết: A.NGƯỚC - T.CÔNG - B.LIÊN

Nguồn tin: baoquangnam.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập283
  • Hôm nay91,585
  • Tháng hiện tại828,019
  • Tổng lượt truy cập90,891,412
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây