Năm 2013, gia đình ông Hồ Năng, thôn Trường Sanh, được hỗ trợ 6 con dê giống Bachboer (1 đực, 5 cái) từ chương trình dự án khuyến nông cải tạo đàn dê. Trải qua quá trình nuôi, đến nay, đàn dê lai Bachboer của gia đình phát triển lên hơn 100 con. Ông Hồ Năng chia sẻ: So với nuôi dê Bách Thảo, thì nuôi dê Bachboer có nhiều ưu điểm vượt trội, ngoài việc dễ nuôi, có thể tận dụng thức ăn từ lá táo, nho, thì giống dê này ít bệnh và phát triển rất nhanh, giá trị kinh tế cũng cao hơn, hàng năm thu nhập từ nuôi dê Bachboer của gia đình trên 100 triệu đồng.
Ông Hồ Năng nuôi dê lai BackBoer cho hiệu quả kinh tế cao.
Chị Phạm Thị Hồng, thôn Trường Thọ, cũng là một hộ nuôi dê lai Bachboer có hiệu quả cao. Nhờ nuôi giống dê này, gia đình chị đã trở thành hộ có kinh tế khá giả tại địa phương. Chị cho biết: Giống dê lai Bachboer có ưu điểm phàm ăn, sinh sản nhanh, bình quân mỗi năm đẻ từ 1-2 lứa, mỗi lứa từ 1-2 con, trọng lượng dê khi sinh nặng từ 3-3,5kg/con, dê trưởng thành khoảng 100-150kg. Gia đình nuôi 40 con, hàng năm thu gần 100 triệu đồng, nhờ đó có điều kiện nuôi con ăn học và sắm sửa đồ dùng sinh hoạt trong gia đình.
Năm 2010, trên cơ sở từ nguồn vốn hỗ trợ của Dự án Cạnh tranh nông nghiệp, Tổ hợp tác sản xuất giống dê lai Bachboer xã Phước Hậu được hình thành và đi vào hoạt động. Ban đầu có 12 hộ tham gia thực hiện mô hình, với 72 con giống, nguồn vốn trên 420 triệu đồng, trong đó mỗi hộ được dự án đầu tư 6 con giống, với tổng trị giá trên 35 triệu đồng/hộ, ngoài ra các hộ còn được hướng dẫn về kỹ thuật, cách chăm sóc… Đến nay, đàn dê lai Bachboer đã phát triển rất mạnh tại địa phương, tổng đàn tăng lên gần 2.000 con, với 127 hộ nuôi và có chiều hướng phát triển mạnh hơn trong thời gian tới. Theo đồng chí Nguyễn Như Hùng Triết, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hậu, cho biết: Ưu điểm nổi trội của giống dê lai Bachboer là sinh sản tốt, chóng lớn, ít dịch bệnh, ăn được nhiều loại lá cây, nguồn thức ăn dễ tìm, đa dạng có sẵn tại địa phương, sản phẩm được thị trường ưa chuộng, giá thành cao hơn giống dê địa phương từ 18-20%. Đặc biệt những năm qua, diện tích cây táo phát triển rất mạnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nuôi chủ động bổ sung nguồn thức ăn cho đàn dê. Tính đến nay, trong các hộ trồng táo thì có tới 85% đều nuôi dê Bachboer, tập trung nhiều nhất là tại hai thôn Trường Thọ và Trường Sanh, hộ nuôi ít nhất là 5 con, nhiều thì trên 100 con. Có thể nói, mô hình nuôi dê tại xã Phước Hậu đã mở ra hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, nâng cao thu nhập của người dân, qua đó góp phần vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.
Nguồn: nguoichannuoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã