Thay đổi cách nghĩ
Anh Dương Văn Nội (đơn vị Vườn Đào 2, thị trấn Nông trường, Mộc Châu, Sơn La) cho biết, sau khi dự các lớp tập huấn về làm quy trình chăn nuôi theo Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), và dự các lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, gia đình anh đã tập trung 1,2 tỷ đồng đề nâng cấp hệ thống chuồng trại.
“So với trước đây, hệ thống chuồng gần như được nâng cấp cao ráo, rộng, thoáng mát hơn. Hệ thống rãnh thoát nước, hố phân, khu cho bò ăn, nghỉ ngơi cũng được bố trí riêng, mùi hôi đỡ hẳn. Bò con nào cũng có không gian, môi trường sạch sẽ, nên khỏe khoắn, tiết sữa chắc chắn sẽ có chất lượng hơn”, anh Nội nói.
Theo anh Nội, hiện gia đình anh đã nâng quy mô đàn bò lên 50 con, trong đó hơn 20 con đang vắt sữa, cho lượng sữa 5 tạ/ngày, doanh thu bình quân khoảng 180 triệu đồng/tháng, trừ đi các chi phí, anh “đút túi” khoảng 40- 50 triệu đồng/tháng.
Còn anh Đặng Văn Hồng, đơn vị Vườn Đào 1 - hộ nuôi quy mô trên 30 con cũng thấy tấm tắc với “VietGAP”. Theo anh, VietGAP gồm tới 73 tiêu chí. Các chuồng trại phải khử mùi, sử dụng các loại nước rửa thùng, khăn lau vú bò trước và sau khi vắt, sát trùng xô, máy vắt. Chuồng trại phải có rãnh thoát chất thải, không được cho chảy tràn trên mặt chuồng, mỗi hộ đều có sổ ghi chép về lượng sữa hàng ngày, theo dõi phối giống...
“Theo VietGAP được Cty hỗ trợ. Làm tốt, chất lượng, năng suất sữa cao, công ty thưởng lớn, không dại gì mà không theo”, anh Nội nói.
Theo ông Phạm Văn Nhán, Phó Tổng giám đốc Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu, dù đã quen nhiều công đoạn, nhưng khi có chứng chỉ VietGAP, quy trình nuôi của các hộ bài bản hơn. Người chăn nuôi bò ý thức được về cách chăm, yêu quý đàn bò, xử lý sạch sẽ từ thức ăn, nước uống, thú y, vệ sinh bò, chuồng trại, môi trường… theo một tiêu chuẩn tốt.
Từ đó, đảm bảo sức khỏe cho cả người nuôi lẫn đàn bò, giúp việc sản xuất sữa có chất lượng, an toàn. Ông Nhán cho biết, hiện toàn bộ hơn 550 hộ chăn nuôi bò của Cty ở Mộc Châu đã được cấp chứng chỉ VietGAP.
Sẽ tiến lên sản xuất sữa hữu cơ
Tại Mộc Châu, nhiều năm trở lại đây, người chăn nuôi bò sữa có quy trình chăn nuôi và sản xuất khép kín đồng bộ. Mọi tiêu chuẩn ở đây đều phải thực hiện rất nghiêm túc theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Ông Phạm Văn Nhán cho biết, các hộ nuôi bố trí khu vắt sữa riêng và toàn đàn được vắt bằng máy. Bò được tắm rửa hai lần/ngày. Trước khi vắt sữa, bầu sữa bò phải được phun rửa sạch để đảm bảo vệ sinh.
Hàng tháng, công ty đều cử một đội ngũ nhân viên kỹ thuật đến kiểm tra từng hộ chăn nuôi về các điều kiện chăn nuôi, sau đó chấm điểm để đánh giá phân loại từng hộ. Sữa sản xuất ra được thu mua với giá cao, đồng thời được khuyến khích thưởng hàng tháng, hàng quý.
“Quy trình VietGAP là một bước ban đầu thôi, chứ chúng tôi sẽ tiến tới sản xuất sữa hữu cơ. Cùng với quá trình tiến lên đó, Mộc Châu sẽ đầu tư trồng thêm cây xanh, hoa và nhằm bảo vệ môi trường trong lành của Thảo Nguyên. Hơn ai hết chúng tôi và bà con nông dân chăn nuôi bò sữa hiểu rằng nếu mất đi cây chè, con bò sữa và sương mù là mất đi Mộc Châu”.
Ông Trần Công Chiến, TGĐ Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu
Hiện Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu có 18 điểm thu mua sữa tươi đặt gần trại bò của người nuôi, giúp việc mua, kiểm tra chất lượng và đảm bảo sữa được tốt. Tính ra, trung bình cứ 40 hộ chăn nuôi thì có một trung tâm thu mua sữa để bảo đảm được chất lượng sữa và giúp người dân không phải vận chuyển xa.
Sữa sản xuất ra được kiểm tra theo tiêu chuẩn quốc tế với các chỉ tiêu như: hàm lượng vật chất khô, chất béo, tỷ lệ vi sinh... Tất cả số sữa thu mua từ các hộ chăn nuôi sẽ được vận chuyển về nhà máy bằng xe chuyên dụng.
Theo ông Trần Công Chiến, Tổng Giám đốc Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu, VietGAP là một bước ban đầu, Cty sẽ tiến tới sản xuất sữa hữu cơ. Để phục vụ cho việc mở rộng đàn bò và nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò sữa, Mộc Châu đầu tư nhà máy thức ăn hỗn hợp dinh dưỡng cao TMR.
Loại thức ăn phối trộn này có thể tạo ra những khẩu phần ăn tốt nhất cho con bò ở từng giai đoạn, đặc biệt có sử dụng cỏ Alfafa nhập khẩu từ Mỹ. Đàn bò tại Mộc Châu là giống bò HF thuần chủng được phối giống tinh bò đực ngoại nhập khẩu thuần chủng với các đặc tính ưu việt và chất lượng cao, do đó cho ra dòng sữa chất lượng cao.
theo tienphong
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã