Với niềm đam mê, mạnh dạn khởi nghiệp, quyết tâm vươn lên làm giàu ngay tại quê hương, những năm qua, nhiều mô hình kinh tế của thanh niên ở tỉnh Bình Phước đã được triển khai. Trong đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, hiệu quả kinh tế cao. Điển hình hai tấm gương là anh Trương Hồng Anh, 30 tuổi, ở khu phố Phú Hòa 1, phường Phú Đức và anh Cao Văn Chương, 31 tuổi, ở ấp Thanh Thủy, xã Thanh Phú.
Làm giàu từ nuôi bò lai Sind
Anh Trương Hồng Anh là một tấm gương điển hình về tinh thần vượt khó vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ mô hình nuôi bò lai Sind. Học hết lớp 12, anh Anh tham gia nghĩa vụ quân sự, sau đó trở về địa phương làm thuê kiếm sống. Năm 2012, trong một lần tham gia Chương trình “Thanh niên lập thân lập nghiệp” do Thị đoàn Bình Long tổ chức, được nghe giới thiệu về kỹ thuật nuôi bò sinh sản, bò thương phẩm, từ đó anh Anh ấp ủ hoài bão làm giàu từ nuôi bò lai Sind. Với số tiền dành dụm được cộng với vay mượn từ người thân được hơn 100 triệu, anh mua 3 con bò cái giống lai Sind và đầu tư chuồng trại chăn nuôi.
Anh Trương Hồng Anh đang chăm sóc đàn bò lai Sind. Ảnh: Văn Đoàn.
Thời gian đầu, anh Anh gặp không ít khó khăn do thiếu hiểu biết về kỹ thuật chăm sóc nên bò chậm lớn, hay bị bệnh tật, nuôi không có lãi. Rút kinh nghiệm từ lứa chăn nuôi đầu, anh Anh đã tham gia các buổi tập huấn, hội thảo về kỹ thuật chăn nuôi do địa phương tổ chức, mặt khác tham khảo sách vở, trên mạng và lặn lội đến các địa phương để học hỏi về kinh nghiệm. Nắm bắt được kỹ thuật, anh Anh liền áp dụng vào thực tiễn. Và sau 2 năm chăm sóc, bò giống bắt đầu sinh sản ổn định. Từ 3 con bò giống ban đầu, đến nay, đàn bò đã sinh sản được 15 con bò sinh sản.
Anh Hồng Anh cho biết, giống bò lai Sind dễ nuôi, tính phàm ăn, kháng bệnh tốt, mắn đẻ, vả lại dễ thích nghi với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm nên ít bệnh tật, bò thương phẩm cho thịt nhiều hơn hẳn các giống bò khác. Để bò lai Sind lớn nhanh, khỏe mạnh cần phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đảm bảo lượng thức ăn hàng ngày cho bò. Một con bò lai Sind một năm tuổi, trung bình ăn 20kg cỏ voi mỗi ngày. Đặc biệt là với bê con, muốn cho khoẻ mạnh, mau lớn phải trộn lẫn cả hai loại thức ăn tinh và thô với nhau nhằm giúp bò làm quen với khẩu phần năng lượng.
Bên cạnh đó, nhờ kinh nghiệm nhiều năm trong chăn nuôi bò, anh Anh còn thường xuyên nắm bắt thông tin thị trường để thu mua bò gầy, ốm với giá rẻ về vỗ béo để bán bò thương phẩm. Sau hơn 6 năm gây dựng, đến nay thu nhập từ nghề nuôi bò mang về cho anh Anh hơn 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh Anh còn trồng được 1 ha cao su, 600 trụ tiêu chuẩn bị cho thu hoạch, hứa hẹn sẽ đem lại nguồn thu nhập đáng kể trong thời gian tới.
Là một trong những thanh niên đầu tiên của phường Phú Đức lập thân lập nghiệp đạt hiệu quả với mô hình nuôi bò, nên đã có nhiều bạn trẻ trong và ngoài địa phương đến tham quan, học tập kinh nghiệm từ anh Hồng Anh. Ai đến học hỏi cũng được anh Hồng Anh nhiệt tình phổ biến, hỗ trợ con giống cho mọi người.
Thầy giáo trẻ làm giàu từ đam mê thú cưng
Ngoài công việc dạy học ở Trường Tiểu học Thanh Phú, anh Cao Văn Chương còn được nhiều người biết đến với nghề chăn nuôi chó cảnh nổi tiếng, cho thu nhập cao.
Ngay từ nhỏ, anh Cao Văn Chương đã có sở thích nuôi thú cưng trong nhà. Trong một lần ra chơi ở Hà Nội, gặp một người anh là huấn luyện viên của một trại chó cảnh. Sẵn có niềm đam mê từ lâu nên anh Chương có ý nghĩ xây dựng mô hình nuôi chó cảnh. Nghĩ là làm, năm 2014, với số tiền 100 triệu đồng từ vay mượn của anh em, bạn bè, anh Chương bắt tay ngay vào việc đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 5 con chó giống thuộc các chủng loại Rottweiler, Becgie, Bắc Hà và chó Phú Quốc về nuôi.
Anh Cao Văn Chương bên những chú chó cưng. Ảnh: Văn Đoàn.
Anh Chương cho biết, thời gian đầu, khó khăn nhất là chưa có kinh nghiệm nên khi mua các giống chó về anh phải vất vả vừa nuôi, vừa học hỏi kinh nghiệm thực tế của những người đi trước và qua sách vở, tài liệu chăm sóc chó cảnh trên mạng. Từ đó anh dần tích lũy được kinh nghiệm nuôi chó. Theo anh Chương, ở trại nuôi chó của anh, chó được tiêm ngừa lúc hai tháng tuổi và tiêm nhắc mỗi năm, vì nếu chó lỡ mắc bệnh thì khả năng lây nhiễm ra cả trại là rất cao. “Nhiều đêm, tôi phải thức trắng để kiểm tra tình trạng sức khỏe, thuốc men cho chó bệnh. Vì vậy, tôi luôn đảm bảo chuồng trại thoáng mát, trại nuôi chó được vệ sinh hằng ngày. Mỗi tuần chó được tắm từ 1 - 2 lần bằng xà bông dành riêng để ngăn ngừa bọ ve, các loại ký sinh trùng hút máu gây hại cho chó” – anh Chương nói.
Hiện tại, anh Chương đang là chủ của một trại thú cưng mang tên “Trại chó Cao Dương” tại địa chỉ số 212 ấp Thanh Thủy, xã Thanh Phú, thị xã Bình Long với trên 10 con chó bố mẹ. Các giống chó mà anh Chương hiện đang sở hữu khá đa dạng và đều là các giống chó quý hiếm đắt tiền. Trại nuôi chó của anh Chương hiện chuyên cung cấp các loại chó giống thuần chủng từ 2 - 4 tháng tuổi có giá trung bình từ 6 đến 10 triệu đồng/con, những con trưởng thành có giá từ 20 đến 40 triệu đồng trên/con. Và để đảm bảo sức khỏe ổn định cho các con vật, anh Chương đã thuê bác sỹ thú y chăm sóc cho chúng. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm trại nuôi chó của anh Cao Văn Chương cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng từ tiền bán chó con, chó giống.
Ngoài ra, anh Chương còn là Bí thư Đoàn trường, Tổng phụ trách Đội đầy năng nổ và là Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi và nhân giống chó thuần chủng của thị xã Bình Long. Anh được mọi người gọi với cái tên thân thương “Thầy giáo thú cưng”.
Anh Mai Xuân Tuân - Bí thư Thị đoàn Bình Long cho biết, mô hình nuôi bò lai Sind của anh Trương Hồng Anh và nuôi chó cảnh của anh Cao Văn Chương không những mang lại thu nhập cao, đây còn là hai mô hình để đoàn viên, thanh niên thị xã học hỏi kinh nghiệm để “lập thân lập nghiệp”. Ngoài ra, hai anh còn là những đoàn viên, cán bộ đoàn năng nổ nhiệt tình trong công tác, thường xuyên giúp đỡ, tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên cùng phát triển kinh tế. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã