Từ sự quyết tâm của chính quyền
Bắc Giang có dân số gần 1,6 triệu người, hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 12% dân số. Theo Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Giang Trương Đức Huấn, giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Bắc Giang nên cả hệ thống chính trị đã vào cuộc. Theo đó, Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp rà soát, nắm tình hình từng hộ, kịp thời đề xuất hướng hỗ trợ phù hợp. Tỉnh ưu tiên phần lớn kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo phân bổ cho vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số nhằm giảm dần khoảng cách giữa các địa phương, tạo cơ hội thoát nghèo cho bà con.
Riêng năm 2017, UBND tỉnh Bắc Giang đã dành 6 tỉ đồng ngân sách ủy thác qua NHCSXH tỉnh để cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách. “Nguồn sinh kế này trao cơ hội giúp 115.961 người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên, song cần rà soát, ưu tiên đối tượng có điều kiện về sức khỏe, quyết tâm và ý thức tự lực thoát nghèo, trách nhiệm với đồng vốn được vay”, Giám đốc NHCSXH tỉnh thông tin.
… đến sự ổn định của hàng nghìn hộ nghèo
Chị Nguyễn Thị Bé ở thôn Bái Thượng, xã Đoan Bái, một trong những người sử dụng hiệu quả vốn vay tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế, cho biết “Hơn ba năm trước, gia đình được xét thoát khỏi diện nghèo. Khi trả hết số tiền vay thì lại thiếu vốn để phát triển kinh tế, cộng với việc nuôi các con đang tuổi ăn học khiến gia đình đứng trước nguy cơ tái nghèo. Cuối năm 2013, được NHCSXH huyện Hiệp Hòa cho vay 25 triệu đồng từ vốn vay chương trình hộ cận nghèo, sau khi bàn bạc, hai vợ chồng mua một cặp trâu. Con trâu vừa để cày ruộng, vừa cho sinh lời từ 2 con nghé”. Đến nay, gia đình chị Bé không những có điều kiện cất nếp nhà khang trang mà con cái cũng được theo học đầy đủ.
Hàng trăm gia đình hội viên phụ nữ được vay vốn đã thoát nghèo. Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ngọ Thị Tuyết cho biết: “Hội Phụ nữ xã Châu Minh hiện đang quản lý 13 Tổ tiết kiệm và vay vốn có tổng dư nợ vốn chính sách đạt hơn 17 tỉ đồng với 750 hộ hội viên vay vốn. Tỉ lệ hoàn trả đúng hạn của phụ nữ xã đạt 99%. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, bình quân mỗi năm có khoảng 20 hộ thoát nghèo”.
Đánh giá về vai trò của nguồn vốn tín dụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa Tạ Việt Hùng cho biết: Hiện nay, kinh tế của các hộ gia đình được tiếp sức bởi nguồn vốn tín dụng chính sách đều có sự phát triển hơn so với lúc chưa có vốn. Chính nguồn vốn vay đã tạo đà để họ vươn lên, chủ động SXKD, tạo thêm nguồn thu chăm lo cho cuộc sống gia đình; đồng thời giúp họ tham gia tích cực và trách nhiệm hơn vào các hoạt động sinh hoạt cộng đồng. Mỗi gia đình khá giả hơn sẽ là tiền đề quan trọng để huy động nguồn lực trong dân hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Đến nay, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn huyện Hiệp Hòa đạt gần 407 tỉ đồng; qua đó góp phần giúp cho 2.314 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn phát triển sản xuất; 682 hộ xây dựng gần 1.400 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 350 hộ gia đình vay vốn trang trải chi phí học tập cho HSSV.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã