Dẫn chúng tôi đi thăm khu vực nuôi cá lồng ngày đầu tháng 3, chị Cúc kể về quãng thời gian bắt đầu với nghề nuôi cá của mình: Cuộc sống gia đình chị rất vất vả, cha mẹ nghèo nên khi mới lập gia đình ra ở riêng mọi khoản đều phải tự lập. Nhận thấy lợi thế địa phương có con sông Phó Đáy chảy qua với nhiều tiềm năng, năm 2016, vợ chồng chị quyết định lập nghiệp bằng nghề nuôi cá lồng trên sông.
Với số vốn ít ỏi trong tay, vợ chồng chị Cúc phải vay thêm vốn của Ngân hàng chính sách xã hội huyện đầu tư làm 4 lồng cá và mua các loại cá giống có chất lượng về nuôi. Với diện tích mỗi lồng 36m2, vợ chồng chị nuôi 2 loại cá trắm cỏ và chép giòn - đây là những loại cá dễ nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, năm đầu do còn thiếu kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi cá nên cứ mỗi lần mưa bão, nước phù sa ở thượng nguồn đổ về làm cá trôi hết, số khác bị nhiễm bệnh và chết gây thiệt hại lớn về kinh tế. Trải qua nhiều khó khăn nhưng chị chưa bao giờ nghĩ mình sẽ từ bỏ mà luôn nỗ lực, quyết tâm để từng bước khắc phục để duy trì và mở rộng mô hình.
Rút kinh nghiệm sau lần thất bại đầu tiên, để nuôi cá lồng thành công, tránh nguy cơ rủi ro, vợ chồng chị Cúc đã chịu khó học hỏi kỹ thuật nuôi cá lồng qua sách báo, những lớp tập huấn nuôi cá lồng do chương trình khởi nghiệp của VTV6; tham quan học tập mô hình nuôi cá lồng tại các địa phương, như: Hải Dương, Hoà Bình...Đến nay, mô hình nuôi cá lồng của gia đình chị Cúc đã mở rộng quy mô lên 8 lồng và đang dần tạo dựng được uy tín, nhiều thương lái tìm đến đặt hàng. Trung bình mỗi năm, chị xuất bán từ 40 đến 50 tấn cá thương phẩm, 2 tấn cá giống và giải quyết việc làm cho 4 lao động thường xuyên với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu lãi khoảng từ 300 - 400 triệu đồng/năm.
Chia sẻ về việc nuôi cá lồng, chị Cúc cho biết: Khác với cách nuôi cá trong ao, nuôi cá lồng trên sông tận dụng được nhiều lợi thế về mặt nước do dòng chảy liên tục nên nước ít bị ô nhiễm. Về mùa mưa, lượng bùn bã hữu cơ đổ về lòng sông nhiều, làm nước đục, môi trường nuôi trồng biến động, cá không thích ứng kịp nên dễ bị nhiễm bệnh, nguy cơ hao hụt đàn rất cao. Bởi vậy, nuôi cá lồng quan trọng nhất là khâu phòng bệnh cho cá, người nuôi phải thường xuyên vệ sinh lưới, giúp cá không bị thiếu ô xy cũng như hạn chế việc phát sinh mầm bệnh; treo túi vôi ở góc lồng để khử trùng môi trường nước, sạch mầm bệnh. Đặc biệt, thường xuyên sử dụng tỏi xay nhuyễn lên men cho cá ăn liên tục trong vòng từ 7 – 10 ngày/tháng với định lượng phù hợp để tăng sức đề kháng. Về thức ăn cho cá, ngoài thức ăn tự nhiên là cỏ voi, gia đình chị Cúc còn sử dụng các loại cám viên, đây là loại thức ăn giàu dinh dưỡng, phù hợp với nhiều loại cá. “Riêng cá chép giòn, trước khi xuất bán 6 tháng, cá được nuôi bằng hoàn toàn đỗ xanh để thịt cá được săn chắc và thơm ngon”- chị Cúc nói.
Cùng với tập trung phát triển kinh tế gia đình, mong muốn giúp nhiều hộ gia đình chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, nhân rộng các giống con nuôi thủy sản có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, chị Cúc không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá lồng trên sông, sẵn sàng chia sẻ bạn hàng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ để họ yên tâm bám trụ nghề.
Lê Duyên
Nguồn tin: vinhphuc.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã