Theo đó, để duy trì và phát triển nông nghiệp bền vững, huyện Thạnh Phú xác định các hướng ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn. Gần đây, huyện ưu tiên đầu tư, áp dụng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Huyện đang chuẩn bị triển khai mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng cho người dân sau khi thấy hiệu quả từ mô hình của anh Nguyễn Đoàn Nhật Linh, 32 tuổi, ngụ thị trấn Thạnh Phú. Anh Linh đang trồng thử nghiệm và bước đầu thành công với mô hình canh tác dưa lưới trong nhà màng.
Anh Nguyễn Đoàn Nhật Linh mới vừa thu hoạch xong vụ dưa lưới thứ hai được trồng tại ấp An Nghãi A, xã An Thạnh. Nhà màng anh Linh đầu tư xây dựng có diện tích 350m2 để trồng dưa lưới. Tại đây anh trồng 850 gốc dưa lưới.
Theo anh Linh, ban đầu, vốn đầu tư cho nhà màng, hệ thống tưới nước nhỏ giọt và cây giống tốn khoảng 130 triệu đồng. Theo anh Linh, sau 60 - 65 ngày trồng sẽ thu hoạch, mỗi trái nặng trung bình từ 1,6 - 1,7kg. Mỗi năm canh tác được 4 vụ. Với diện tích 350 m2 nhà màng hiện tại, sản lượng dưa lưới anh Linh thu hoạch đạt 1,2 đến 1,3 tấn/vụ, giá bán được 28.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, vụ này anh lãi khoảng 30 triệu đồng.
Anh Linh vừa thu hoạch vụ dưa lưới thứ 2 với sản lượng 1,2 đến 1,3 tấn/350m2. (Ảnh: Minh Mừng)
Anh Linh cho biết, giống dưa lưới anh đang trồng là giống S1 của Thái Lan. Trong quá trình chăm sóc dưa, giai đoạn khó nhất được anh Linh lý giải là giai đoạn cây con và thụ phấn. Khi cây con mới ra chèo, anh phải đi ngắt chèo thường xuyên để cho cây tập trung dinh dưỡng nuôi thân.
Sau giai đoạn cây con là đến giai đoạn thụ phấn. Lúc này, anh Linh chọn những hoa đực và hoa cái để thụ phấn với nhau. Sau khoảng 2 ngày cây ra trái, mỗi cây có từ 4 đến 5 trái. Anh chọn lựa và để lại trên cây một trái duy nhất mà anh cảm thấy tốt nhất, tròn, đẹp để lại. Trong thời gian này, cách 2 ngày phải đi kiểm tra sâu, bọ, dùng gừng với tỏi ớt để xịt thuốc định kỳ mỗi tuần 1 lần cho cây. Trọng lượng trái trung bình đạt khoảng 1,6 đến 1,7kg là có thể thu hoạch.
Hệ thống nhà màng trồng dưa lưới của anh Linh có ưu điểm vượt trội giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, chủ động chế độ dinh dưỡng và do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên đảm bảo sản phẩm an toàn, giảm chi phí sản xuất. Anh Linh dùng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Israel để cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của anh Nguyễn Đoàn Nhật Linh đang là hướng phát triển mới, thích hợp để thanh niên và người dân có nhu cầu trên địa bàn huyện khởi nghiệp. Theo đó, anh Linh sẽ hỗ trợ tối đa cho những hộ có nhu cầu trồng dưa lưới về xây dựng nhà màng, kỹ thuật trồng, chăm sóc, phân thuốc… đặc biệt là bao tiêu sản phẩm cho người trồng với giá cao. Dự kiến, với diện tích nhà màng 500 m2, hộ trồng dưa lưới tốn khoảng 130 – 140 triệu đồng để đầu tư xây dựng nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt và tiền phân thuốc, cây giống. Khi ấy, anh Linh sẽ hỗ trợ cho người dân trả góp theo mùa vụ, trung bình từ 4 đến 6 vụ trồng là hoàn trả xong chi phí.
Ông Võ Văn Hiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú cho biết, hiện nay, để giúp người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp các ngành chức năng triển khai một số mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu hoặc tận dụng lợi thế hiện có của địa phương để triển khai, qua đó giúp cho người dân nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Qua thời gian triển khai, một số mô hình bước đầu mang lại hiệu quả và có khả năng nhân rộng, được đơn vị thu mua gắn với người dân để hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho nông hộ như mô hình trồng kiểng lá tại xã Quới Điền, Đại Điền, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng tại xã An Thạnh. Đây là những mô hình có khả năng áp dụng tại địa phương, không đòi hỏi về quy mô đầu tư nhưng tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu kỹ thuật và kinh phí của hộ vẫn có thể đảm bảo thực hiện được. Với mô hình này các thanh niên tại địa phương yêu thích nông nghiệp có thể tham gia thực hiện và cùng khởi nghiệp với cây trồng mới này.
Thạnh Phú hướng đến sản xuất những sản phẩm nông sản sạch, hữu cơ, có giá trị kinh tế cao, có khả năng xuất khẩu, với cơ cấu kinh tế hợp lý và quan hệ sản xuất phù hợp. Do vậy, việc nhân rộng mô hình này là cần thiết, bởi không chỉ giúp đẩy mạnh sản xuất tiến tới nền nông nghiệp công nghệ cao, mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân xứ biển.
Nguồn tin: nongthonmoi.bentre.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã