Thử vận may với cây cà na Thái
Thời điểm này, gia đình bà Ngô Thị Hai đang bắt đầu vào vụ thu hoạch cà na Thái. Bà Hai cho biết, gia đình bà đến với cây cà na Thái rất tình cờ. Trước đây, gia đình bà trồng lúa nhưng do thời tiết bất lợi, gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó là tuổi cao, điều kiện sức khỏe không cho phép, trong khi làm lúa lại cực nên bà quyết định chuyển đổi sang cây trồng khác cho phù hợp...
Nghe giới thiệu cây cà na Thái cho trái quanh năm, bà Hai mua 10 gốc về trồng thử. Thấy cây sai trái, bán được giá cao nên bà “đánh cược” mua 26 gốc để trồng. Từ ngày “bén duyên” với cây cà na Thái đến nay, kinh tế gia đình bà có những chuyển biến rõ rệt.
Bà Hai chia sẻ: “Làm lúa chỉ có ăn ở vụ đông xuân. Những vụ khác, năng suất không cao, bị ảnh hưởng sự thất thường của thời tiết; thương lái ép giá nên lãi không nhiều”.
Không canh tác lúa, bà Hai chuyển qua trồng sen bán gương. Những năm đầu, gương sen cho năng suất cao, bán được giá nên gia đình bà rất phấn khởi. Dần dần, các hộ dân trong vùng trồng ồ ạt khiến thị trường chững lại. Lo sợ cây sen mất giá, bà Hai quyết định lập vườn cây ăn trái với mong muốn có thu nhập ổn định cho gia đình và phù hợp với điều kiện sức khỏe của vợ, chồng bà.
Đang loay hoay với việc tìm kiếm loại cây trồng phù hợp thì bà được người quen ở Vĩnh Long giới thiệu cây cà na Thái có giá trị kinh tế cao. Lúc đầu, bà còn chần chừ vì địa phương chưa ai trồng cũng như chưa có nhiều thông tin về giống cây trồng này.
Trái chua, thành quả “ngọt”
Hiện nay, trên diện tích 5.000m2, bà Hai trồng 40 gốc cà na Thái, mỗi gốc cách nhau 4m. Bà Hai cho biết, nếu cà na thường chỉ cho trái vào dịp nước nổi thì cà na Thái có thể cho trái quanh năm.
“Từ lúc trồng đến lúc thu hoạch khoảng 8 tháng nhưng thấy cây còn nhỏ, tôi bỏ trái đợt đầu để dưỡng cây cho trái đợt sau. Mỗi cây cà na Thái cho trái bình quân từ 3 - 5kg trái/đợt. Đối với những cây lớn, có thể cho 10kg trái, đặc biệt, loại cây này có thể cho trái quanh năm. Trái trên cây hái chưa hết đã bắt đầu ra bông và cho trái tiếp” - bà Hai cho biết.
Về kỹ thuật trồng, bà Hai chia sẻ: “Chưa thấy loại cây nào dễ trồng như cà na Thái, từ lúc trồng đến nay, hầu như gia đình tôi chưa sử dụng thuốc trừ sâu lần nào, thỉnh thoảng bón lót thêm phân, để cây lấy lại sức sau những lần cho trái”.
Hiện nay, cà na Thái được bà Hai bán cho các thương lái ở Long Xuyên, du khách tham quan hay những mối ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương... Mỗi ngày, bà Hai thu hoạch từ 4 - 10kg trái. Thời điểm thu hoạch rộ vào tháng 8 (âm lịch) có thể thu hoạch 30kg/ngày.
Nếu như cà na thông thường chỉ bán từ 15.000 - 20.000 đồng/kg thì cà na Thái bán được với giá cao hơn, từ 45.000 - 50.000 đồng/kg. Từ cây cà na Thái đã tạo nguồn thu nhập khá cao và ổn định cho gia đình bà trong gần 2 năm qua. Ngoài bán trái ca na, bà Hai còn nhân giống, bán cây con với giá 40.000 đồng/cây.
Thấy được hiệu quả từ mô hình trồng ca na Thái của bà Ngô Thị Hai, các hộ nông dân lân cận bắt đầu mua cây giống, trồng xen với vườn cây ăn trái của gia đình.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Định Thành Võ Nhật Nam cho biết, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương, nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất ruộng lúa, vườn tạp kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: bưởi, mãng cầu Xiêm, ổi lê Đài Loan... Trong đó có mô hình trồng ca na Thái của hộ bà Ngô Thị Hai.
“Mô hình trồng ca na Thái của gia đình bà Ngô Thị Hai bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao mở ra hướng đi mới cho việc chuyển đổi cây trồng trên địa bàn xã trong thời gian tới” - ông Võ Nhật Nam nhấn mạnh. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã