Đánh thức Mỹ Tho đại phố
Sáng 9.8, phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo tỉnh cần xác định “Tiền Giang phải là xung lực quan trọng cho đoàn tàu kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T.Đ
Theo Thủ tướng, bài toán đặt ra cao như vậy không phải để lạc quan mà Tiền Giang cần chứng minh mình là xung lực quan trọng để thu hút nhà đầu tư về làm ăn.
"Đề làm được điều này, chúng ta cần biết ngay từ thế kỷ 17, TP.Mỹ Tho cùng với Sài Gòn từng là trung tâm thương mại lớn nhất xứ Nam Kỳ với ghe thuyền của người Nhật, người Singapore… đi lại buôn bán nhộn nhịp trên sông. Đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho cũng là tuyến sắt đầu tiên của Đông Dương, điều đó cho thấy Mỹ Tho nói riêng, Tiền Giang nói chung có vị trí quan trọng của vùng Nam Bộ. Tại sao không thể phục hưng lại sự sầm uất của Mỹ Tho ngày nào? Đây là bài toán đặt ra cho tỉnh Tiền Giang”, Thủ tướng nhắn nhủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian hàng tại Hội chợ triễn lãm sản phẩm của tỉnh Tiền Giang. Ảnh: H.V
Về lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng cho rằng, ĐBSCL là vương quốc trái cây thì Tiền Giang là "vương quốc của vương quốc trái cây". Thủ tướng đặt vấn đề: "Liệu Tiền Giang có thể trở thành thương hiệu trái cây của Việt Nam nói riêng và của ASEAN nói chung không? Du lịch miệt vườn với những cồn, cù lao nổi tiếng với nhiều câu ca tài tử gợi thắm tình quê, tình non nước thơ mộng có được phát huy. Tóm lại, không chỉ tiềm năng đầu tàu kinh tế cho miền Tây mà Tiền Giang còn là vệ tinh của TP.HCM. Chính phủ thấu hiểu điều này nên cũng dành nhiều ngân sách cho Tiền Giang”.
Đánh giá về sự phát triển thời gian qua, Thủ tướng cho rằng Tiền Giang có nhiều cố gắng thúc đẩy phát triển; chủ trương lập các dự án, làm các sản phẩm chủ lực như gà, cá, trứng cút, trái cây… Theo Thủ tướng, năm 2017, chủ tịch tỉnh và các lãnh đạo đã 4 lần đối thoại với các doanh nghiệp, 2018 đã 2 lần đối thoại, thể hiện vai trò trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh trong phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Vì vậy, số lượng doanh nghiệp tại đây tăng khá nhanh.
"Tiền Giang cũng nhiều lần tiến hành khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, vì vậy tăng trưởng về kinh tế không chỉ cao, nhanh mà còn cho thấy một Tiền Giang đoàn kết, quyết tâm", Thủ tướng nhận định.
Kết hợp 5 nhà để phát triển nông nghiệp, nông thôn
Tại hội nghị, Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo Tiền Giang tăng cường giải phóng các quỹ đất sẵn có, mời gọi nhà đầu tư, cần tiếp tục tục đối thoại với người dân nhiều hơn để giải quyết các khúc mắc.
“Rất nhiều người dân thấy Thủ tướng về đây đã điện thoại yêu cầu giải quyết một số khúc mắc cũ, điều đó cho thấy họ rất quan tâm đến phát triển”, Thủ tướng cho hay.
Gian hàng khởi nghiệp của thanh niên Tiền Giang tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư. Ảnh: H.V.
Điều quan trọng theo Thủ tướng là tỉnh cần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn kinh doanh, sản xuất, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Kết hợp tốt 5 nhà, trong đó có nhà ngân hàng cho đầu tư sản xuất nông nghiệp.
“Hôm nay, cùng về với Thủ tướng có cả Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại diện các ngân hàng, họ là kênh quan trọng để huy động vốn cho người dân, nhất là trong nông nghiệp và phát triển nông thôn. Sự bao phủ nguồn vốn của ngân hàng về tận nông thôn không chỉ giúp người dân tiếp cận được vốn mà còn ngăn chặn được nạn tín dụng đen ở nông thôn", ông nói.
Để doanh nghiệp, người dân tiếp cận được nguồn vốn thuận lợi, theo Thủ tướng, tỉnh cần hạn chế thủ tục rườm rà làm cản trở xung lực phát triển. Tiếp tục đảm bảo cung ứng nguồn nhân lực, tái tạo sức lao động. “Khi đầu tư vào đây, các doanh nghiệp cần quan tâm đến quyền lợi người lao động. Tôi đề nghị các doanh nghiệp không nên chậm trễ khi đã có dự án đầu tư vào Tiền Giang, phải chuyển mình năng động, tỉnh đi nhanh thì doanh nghiệp cũng phải chạy nhanh hơn”, Thủ tướng nêu yêu cầu đối với các doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng phát biểu, kêu gọi đầu tư vào tỉnh Tiền Giang. Ảnh: T.Đ.
Ông Lê Văn Hưởng - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, Tiền Giang nằm trong vùng sản xuất lương thực, thực phẩm lớn nhất cả nước. Với điều kiện tự nhiên thích hợp cho các vùng sinh thái khác nhau, trải dài từ tiểu vùng Đồng Tháp Mười đến vùng biển phía Đông của tỉnh, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp toàn diện. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi phong phú, đa dạng, như: lúa, sầu riêng, thanh long, bưởi, xoài, thủy hải sản các loại… với sản lượng lớn: Trái cây hơn 1,4 triệu tấn/năm, lớn nhất cả nước; Rau màu khoảng 1 triệu tấn/năm; Đàn gia cầm khoảng 13 triệu con. Vì vậy, chế biến nông sản hiện là ngành có tiềm năng để tiếp tục phát triển trên địa bàn tỉnh. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã