Tăng trưởng nông nghiệp suy giảm
Tại Hội nghị Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam 2013 vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, sau 5 năm từ khi gia nhập WTO, tuy thương mại và đầu tư được mở rộng nhưng kinh tế vĩ mô lại bất ổn nghiêm trọng, khiến Việt Nam trở thành một thị trường có sức chống đỡ yếu. Dự báo, năm 2013 tiếp tục là một năm đầy rẫy khó khăn.
“So với các nước Đông Á, nền kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi kém hơn nhiều và thường lúng túng khi ứng phó với các cú sốc trong và ngoài nước. Cụ thể là về vấn đề kết cấu, tăng trưởng chủ yếu dựa vào mở rộng đầu tư và tín dụng, sự bóp méo trong thị trường, kinh doanh kém hiệu quả của DN nhà nước và đầu tư công; về kinh tế vĩ mô, thâm hụt ngân sách liên tục tăng cao (khoảng 5% GDP, đặc biệt năm 2009 lên tới 6,9%), thâm hụt cán cân thương mại và vãng lai lớn (bình quân 9 - 10%), lạm phát cao, khoảng cách giữa tiết kiệm và đầu tư lớn (tỉ lệ tiết kiệm xấp xỉ 30% GDP, trong khi tỷ lệ đầu tư lên tới hơn 40% GDP)”, ông Thành nói.
TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - Ipsard) cho biết: Năm 2012, ngành nông nghiệp tiếp tục là một điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế Việt Nam với giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,4%, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt kỷ lục - 27,5 tỷ USD, xuất siêu 10 tỷ USD. Trong đó, có 3 mặt hàng đạt kim ngạch hơn 3 tỷ USD (gạo, càphê, đồ gỗ) và 5 mặt hàng đạt hơn 1 tỷ USD (cao su, cá tra, tôm, hạt điều, sắn). Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng lại suy giảm khi chỉ đạt 2,72% so với 4% của năm 2011, chủ yếu là do giá nông sản giảm, thiên tai dịch bệnh gia tăng và ngày càng diễn biến bất thường. Và điều này được dự báo sẽ tiếp tục tái diễn trong năm nay và cả năm 2014.
“Trừ lâm nghiệp, còn lại các tiểu ngành đều tăng trưởng chậm lại và các ngành chính như gạo, càphê, tiêu tăng trưởng chủ yếu do tăng diện tích và sản lượng chứ không phải do được giá như năm 2011. Trong đó, sản lượng lúa cả năm đạt 43,6 triệu tấn, bình quân giá xuất khẩu gạo 5% tấm năm 2012 của Việt Nam là 530 USD/tấn, trong khi bình quân thế giới đạt 552 USD/tấn; diện tích chè tăng 1%, sản lượng tăng 3,6%; diện tích càphê tăng 6,1%, sản lượng tăng 1,2%; diện tích cao su tăng 13,6%, sản lượng tăng 9,4%; diện tích hồ tiêu tăng 6,1%, sản lượng tăng 0,6%; riêng cây điều giảm 10,4% về diện tích và 3,8% sản lượng”, ông Tuấn đưa ra thống kê.
Ông Tuấn nhận định, ngành nông nghiệp có tín hiệu vui là tiếp tục có thặng dư xuất khẩu ròng đạt trên 10 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tăng. Tuy nhiên, thách thức, hạn chế cũng không ít khi tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông sản của chúng ta chủ yếu dựa trên tăng khối lượng, trong khi giá liên tục giảm mạnh, điển hình như lúa gạo tăng 13,9% về lượng, nhưng chỉ tăng 2,1% kim ngạch; cao su tăng 25,4% về lượng, nhưng kim ngạch giảm tới 11,7%; hạt điều tăng 25,3% về lượng, song chỉ tăng 0,7% kim ngạch, duy có mặt hàng tiêu là tăng giá.
“Điều này thực sự đáng lo ngại khi chúng ta xuất khẩu trong bối cảnh giá đầu vào tăng hoặc giảm chậm hơn giá đầu ra, khiến lợi nhuận thực suy giảm mạnh”, ông Tuấn bày tỏ.
Cả nông dân và DN đều “đói”
Đáng lưu ý là, nhiều loại nông sản xuất khẩu truyền thống của nước ta đang có nguy cơ vỡ quy hoạch, đơn cử như kế hoạch đến năm 2020 của ngành lúa gạo là diện tích canh tác 7.030.000ha, nhưng năm 2012 đã đạt 7.753.000 ha; càphê kế hoạch 550.000ha vào năm 2015 nhưng hiện đã lên tới 622.000ha; cao su quy hoạch là 800.000ha nhưng diện tích hiện đã đạt 911.000ha; hồ tiêu cũng vượt quy hoạch 6.000ha...
Kinh tế suy thoái, nông nghiệp sụt giảm không chỉ làm giảm thu nhập của nông dân - những người trực tiếp làm ra nông sản, khiến đời sống của bà con đã khó càng thêm khó - mà nó còn ảnh hưởng nặng nề đến các DN hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản.
Theo điều tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tổng số DN đã đăng ký sản xuất kinh doanh ở lĩnh vực nông - lâm - thủy sản thì chỉ có 79,41% DN đang hoạt động, 14,63% DN đã đăng ký nhưng chưa hoạt động; 2,84% DN đang tạm ngừng hoạt động và 3,12% DN đã phá sản hoặc giải thể. Đồng nghĩa với điều này là lao động trong các DN ngành nông - lâm - thủy sản bị mất việc, thiếu việc hoặc thu nhập bị cắt giảm.
Ông Tuấn cho biết: “Ảnh hưởng của những khó khăn trên là rất rõ, khi tốc độ xóa đói giảm nghèo đang chậm lại, chỉ giảm 1,2% so với con số 1,6% của năm 2011. Số hộ tái nghèo cao sẽ nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội, đe dọa tới ổn định chính trị - xã hội”.
Tái cơ cấu ngành theo chiều sâu
Phân tích về thị trường nông sản Việt Nam và thế giới năm 2013, TS. Jennifer Ellen Ifft, chuyên gia kinh tế nông nghiệp (Ban Kinh tế nông thôn và Tài nguyên - Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) cho biết, hiện sản lượng lúa gạo toàn cầu đang ở mức cao kỷ lục do sản lượng tăng mạnh ở Australia, Trung Quốc, Campuchia, Ai Cập, Indonesia, Thái Lan, Hoa Kỳ và Việt Nam, đồng thời đây cũng là năm thứ 8 liên tiếp sản lượng lúa gạo tăng trưởng cao. Thương mại gạo đạt kỷ lục 39,1 triệu tấn trong năm 2012, nhưng dự báo sẽ ở mức 37,4 triệu tấn trong năm 2013, giảm 4%. Do vậy, giá gạo xuất khẩu trong năm 2013 sẽ tiếp tục giảm và Việt Nam ước chỉ xuất được 6,9 triệu tấn.
Dự báo về ngành nông nghiệp trong năm 2013, ông Tuấn nhận định: Diễn biến thị trường nông sản 2013 sẽ phức tạp khi kinh tế thế giới và trong nước phục hồi chậm và còn nhiều bất ổn; nhu cầu tiêu dùng đình trệ, khiến giá xuất khẩu nông sản có nguy cơ giảm; giá đầu vào bất ổn, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp… nên rủi ro cũng cao hơn. Ngoài ra, do các DN đang khó khăn nên khả năng kiếm tiền trong các ngành phi nông nghiệp của người dân nông thôn cũng giảm theo. Vì vậy, trong năm nay, chúng ta cần thực hiện song song các giải pháp ngắn hạn với quá trình tái cấu trúc ngành theo chiều sâu.
Cụ thể, về lúa, cần tích cực sử dụng giống xác nhận, giống chất lượng cao, ổn định năng suất và diện tích, nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn, tăng cường liên kết DN - nông dân và chuyển đổi những diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng cây làm thức ăn chăn nuôi (ngô, khoai, đậu tương…).
Về cây công nghiệp, cần ổn định diện tích theo quy hoạch, thay thế các giống cũ bằng giống mới năng suất cao.
Về chăn nuôi, cần tăng cường quản lý dịch bệnh, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, chú trọng khâu quản lý giống, ổn định thị trường thức ăn chăn nuôi và tăng hỗ trợ tín dụng.
Với thủy sản, định hướng phát triển là đa dạng hóa đối tượng nuôi, phát triển hạ tầng thủy sản, quản lý chất lượng, dịch bệnh.
Trong lâm nghiệp, đẩy mạnh giao đất, khoán rừng cho hộ và cộng đồng, tăng tỷ lệ rừng kinh tế và khai thác bền vững. Chú trọng điều chỉnh cơ cấu đầu tư công và nâng cao hiệu quả của khoa học công nghệ, tăng cường dự báo và cảnh báo rủi ro, đồng thời quan tâm và chủ động hơn trong các vấn đề về tranh chấp thương mại, dự báo thị trường…
Một hạn chế liên quan đến việc phát triển các ngành hàng hiện nay là vai trò của các hiệp hội chưa được phát huy trong việc tham gia điều phối các hoạt động xuất - nhập khẩu của DN, và trong ban điều phối ngành hàng, cũng chưa thực sự có tiếng nói của người sản xuất, dẫn đến thực tế là các DN xuất khẩu trong nước đang tự cạnh tranh lẫn nhau, hệ quả là giá xuống thấp, kéo theo đó là chất lượng nông sản không đảm bảo. Ngoài ra, dù là quốc gia hàng đầu về xuất khẩu nông sản, nhưng việc bảo hộ các ngành hàng nông nghiệp ở nước ta còn rất yếu, nhất là những ngành hàng có khả năng cạnh tranh kém như chăn nuôi, thủy sản, để đến khi xảy ra những vấn đề trục trặc về bản quyền, về kiện chống bán phá giá… thì các ngành chức năng lúng túng và đổ lỗi cho nhau.
Trao đổi với phóng viên về việc tái cơ cấu ngành, TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Ipsard nhấn mạnh, trong thời buổi suy thoái, cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt như hiện nay thì chúng ta cần ưu tiên cho phát triển công nghiệp chế biến, sản xuất máy nông nghiệp phục vụ sản xuất giá trị gia tăng, thúc đẩy sản phẩm có khả năng cạnh tranh, kết nối chuỗi giá trị toàn cầu. Với những sản phẩm mà chúng ta chỉ có sức cạnh tranh trung bình, thì cần hướng vào thị trường nội địa và đang dạng hóa sản xuất theo vùng. Tái cơ cấu ngành nên theo tiềm năng và lợi thế dài hạn của vùng, tránh đầu tư trùng lặp, tăng liên kết nội vùng và giữa các vùng.
Mục tiêu tái cơ cấu ngành |
Minh Huệ (kinhtenongthon.com.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã