* Dân nuôi gà 1 xã nợ ngân hàng 200 tỷ đồng mất khả năng thanh toán
Sau khi lỗ thông tầm từ năm 2012 đến nay, những người nuôi gà trắng hiện đều rơi vào cảnh nợ nần đầm đìa. Nhiều người bi quan cho rằng, mọi cánh cửa với dân nuôi gà công nghiệp tự phát sẽ đóng lại.
CÀNG NUÔI CÀNG LỖ
Xã Ba Trại, một trong những địa phương có phong trào chăn nuôi phát triển nhất huyện Ba Vì (Hà Nội). Vào lúc đỉnh điểm, số lượng trang trại tại Ba Trại và các vùng lân cận lên tới con số 250. Tuy nhiên, thời điểm này chỉ trên 50 trại hoạt động, số còn lại đã treo chuồng hoặc dỡ bỏ vì cụt vốn.
Vào gia đình anh Ngô Tiến Thư ở thôn 2, Ba Trại khi mô hình chăn nuôi của anh giờ chỉ là một đống hoang tàn. Đầu năm 2011, nhận thấy chăn nuôi được giá, anh Thư vay ngân hàng 300 triệu đồng đầu tư xây chuồng nuôi gà lông trắng. Lứa đầu tiên, anh vào 3.000 gà với giá giống 31.500 đồng/con, đến khi được bán giá gà lông tại chuồng tụt xuống còn 24.000/kg. Sau khi cộng trừ nhân chia, anh Thư lỗ ngót 100 triệu đồng.
Người nuôi gà trắng đang lép vế toàn diện trước DN nước ngoài
Với hy vọng sau khi giá xuống, theo quy luật sẽ lên, anh Thư vào tiếp lứa thứ 2. Lần này, gà giống có rẻ hơn, chỉ 21.000đ/con, sau 45 ngày anh bán được đàn gà này 30.000 đ/kg, song do gặp dịch bệnh nên đáp số cuối cùng anh Thư vẫn lỗ hơn hai chục triệu đồng. Chưa kể vợ chồng anh làm việc quần quật gần 2 tháng coi như không được một đồng tiền công nào. Sang lứa thứ 3, anh Thư quyết định nuôi để gỡ gạc lấy chút tiền trả ngân hàng nên lại vào 3.000 gà với giá 27.000đ/con, nhưng đến lúc được bán giá gà vẫn lẹt đẹt ở mức 24.000 đ/kg, anh Thư sốt ruột quá không đợi được vì mỗi ngày đàn gà ăn hết vài triệu tiền cám nên anh cắn răng bán, chấp nhận lỗ 135 triệu đồng.
Đến nước này, anh Thư quá chán nản nên quyết định nuôi mẻ gà cuối cùng và xác định, được ăn cả ngã về không. Nhưng lần thứ 4 vào gà trắng còn bi đát hơn 3 lần trước. Nuôi được nửa tháng thấy giá gà xuống chỉ còn 21.000 đ/kg, anh Thư tỉnh táo bán tháo đàn gà non nên chỉ lỗ 40 triệu đồng, giả sử nếu lứa gà đó anh giữ lại nuôi đủ 45 ngày, chắc chắn lỗ không dưới 100 triệu đồng. Sau khi sợ đến già với con gà trắng, anh Thư tháo hết mái pờ rô xi măng, ống nước, thiết bị… đem bán thanh lí được 50 triệu đồng trả nợ ngân hàng. Anh Thư thú thật, hiện mới trả lãi ngân hàng được 30 triệu đồng, từ nay đến cuối năm cộng cả vốn lẫn lãi số nợ phải trả ngân hàng tới 300 triệu. Quá túng bấn, vừa qua anh Thư phải để vợ đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản kiếm tiền trả nợ, còn anh chấp nhận ở nhà chăm lo đứa con mới hơn 1 tuổi.
Vào gà cùng đợt với anh Thư, nhưng vì cố gắng hy vọng đeo đuổi con gà trắng mà giờ này anh Đinh Công Hùng ở thôn 2, Ba Trại lâm vào cảnh sống dở chết dở. Sau khi lỗ thông tầm 4 lứa âm gần 400 triệu đồng, anh Hùng thấy người dân bỏ chuồng quá nửa nên nghĩ có thể giá gà sẽ lên. Nay ngày bán gà đã cận kề, song anh Hùng biết mình đã sai lầm vì giá gà trắng ngoài thị trường hiện vẫn thấp hơn giá thành tới 4.000 đồng/kg. “Lứa 5 này tôi vào 5.500 con gà trắng, với chi phí TĂCN như hiện nay phải bán gà lông với giá 32.000 đồng/kg mới gọi là hòa. Còn bán với giá 27.000 - 28.000 đồng/kg như hiện tại lỗ vỡ hết mồm miệng. Đau đớn quá chú ạ! Anh đi xuất khẩu lao động bên Đài Loan 7 năm được ít tiền về đầu tư xây trang trại nuôi gà cho đỡ phải tha hương làm thuê. Nhưng giầu đâu chửa thấy chỉ thấy số tiền dành dụm bao nhiêu năm ra đi bằng sạch, cộng món nợ ngân hàng 500 triệu đồng chưa biết kiếm đâu ra để trả. Có lẽ nuôi xong lứa gà này tôi lại nộp hồ sơ xin đi xuất khẩu lao động lấy tiền trả nợ, không cả gia đình ra ngoài đường ở mất”. Anh Hùng ngậm ngùi tâm sự.
ĐẠI LÝ CÁM CŨNG BI ĐÁT
Hoàn cảnh của anh Thư, anh Hùng ở thôn 2 cũng là tình cảnh chung của người nuôi gà trắng tự phát hiện nay. Nguy hiểm hơn, chăn nuôi gà trắng sụp đổ đã kéo theo hàng loạt ngành hàng khác khủng hoảng theo. Chịu chung số phận sát sườn với các hộ chăn nuôi gà trắng chính là các đại lí TĂCN, như ở xã Ba Trại.
Chủ đại lý TĂCN Quang Loan thôn 5, xã Ba Trại chia sẻ, trước đây mỗi tháng anh bán ra trên 50 tấn cám cho người chăn nuôi thì giờ dặt dẹo chưa nổi 20 tấn. Bản thân người chăn nuôi thua lỗ, không còn khả năng thanh khoản nên số dư nợ của đại lý cám Quang Loan trong dân hiện vẫn còn gần 1 tỷ đồng. Trong bối cảnh ngành chăn nuôi ảm đạm, ê chề, gia đình anh Quang phải mở thêm việc kinh doanh tôn sao chè giúp giải quyết lúc khó khăn.
Anh Ngô Tiến Thư thôn 2, Ba Trại (Ba Vì - Hà Nội) bên đống hoang tàn còn lại do chăn nuôi
Cách nhà anh Quang vài trăm mét là đại lý TĂCN Minh Vân, 1 trong 2 đại lý cám lớn nhất xã Ba Trại. Chị Đào Thị Vân, chủ đại lí cám thở dài cho biết, hiện dân đang nợ gia đình chị hơn 5 tỷ đồng tiền mua cám chịu. Ngoài kinh doanh cám, gia đình chị Vân cũng tham gia nuôi gà trắng, thành quả 4 lứa gà đến nay tính ra lỗ đến 1 tỷ đồng. “Cả tiền vay ngân hàng và vay ngoài, hiện mỗi tháng gia đình tôi phải đóng lãi hơn 60 triệu đồng. Nhưng nói thật với chú, đã mấy tháng qua tôi không đóng được đồng tiền lãi nào vì chăn nuôi thua lỗ triền miên, dân cũng chẳng ai trả được nợ. Cứ với cái đà này thì nguy mất chú ạ!”. Chị Vân lo lắng.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Huy Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân kiêm Phó Ban Chỉ đạo Chăn nuôi xã Ba Trại cho biết, trong tổng số gần 200 trại chăn nuôi tại địa phương, hiện chỉ còn chưa đầy 50 trại còn hoạt động. Trong số này quá nửa trại là gia công cho Japfa, số còn lại đang ngắc ngoải, chắc cũng không cầm cự được bao lâu vì tất cả đều đã kiệt quệ. Ông Hùng cho biết thêm, vừa qua xã cử người tới làm việc với 2 ngân hàng trên địa bàn huyện Ba Vì và Sơn Tây thì được xác nhận số dư nợ của dân tại 2 ngân hàng này xấp xỉ 100 tỷ đồng, nếu cộng với các khoản vay ở những ngân hàng khác con số đó có thể lên tới 200 tỷ đồng. “Tôi khẳng định với anh gần như 100% các hộ chăn nuôi tại Ba Trại hiện nay sổ đỏ nhà đất đều nằm trong các ngân hàng và đều mất khả năng thanh khoản. Chính vì vậy, rất nhiều gia đình chăn nuôi thua lỗ luôn sẵn sàng tinh thần để giao lại nhà đất nếu ngân hàng đến xiết nợ vì có bắt họ đi tù giờ cũng không biết lấy đâu ra tiền để mà trả nợ. Nếu không có chính sách, giải pháp cứu người chăn nuôi thì hậu quả sẽ vô cùng khủng khiếp”. Anh Hùng đắng đót.
Rất nhiều người nuôi gà trắng ở Ba Trại khi tâm sự với chúng tôi tỏ ra bi quan, khi cho rằng không còn cơ hội để vực dậy chăn nuôi từ con gà trắng nữa. Vì so sánh với các DN nước ngoài như CP, Japfa, người chăn nuôi trong nước lép vế toàn diện. Trong khi DN nước ngoài được vay lãi suất ưu đãi tại nước họ chỉ từ 0,4 - 0,8%/năm, họ chủ động được con giống, TĂCN, thú y đến giết mổ công nghiệp và có đầu ra ổn định. Ngược lại, người nuôi gà trắng trong nước không có bất cứ lợi thế, thế mạnh gì trong tay khi mọi chi phí đầu vào cho chăn nuôi đều đi mua, thậm chí phải mua với giá rất đắt, còn đầu ra, do lái buôn quyết định thì thử hỏi lấy cái gì để là lợi thế cạnh tranh?
Ngành chăn nuôi khủng hoảng không chỉ tác động mạnh đến đại lí TĂCN, thú y, ngân hàng mà còn ảnh hưởng đến cả những quán ăn trên địa bàn xã Ba Trại. Ông Trần Văn Quan - Chủ nhà hàng Anh Quân chia sẻ, trước đây khi chăn nuôi phát triển, hội nghị, hội thảo liên tục, khách đến bán thuốc thú y, bán cám, mua gà nhộn nhịp nên ngày nào ông cũng làm 20 - 30 mâm cơm, lãi vài triệu đồng. Nay, mỗi ngày chỉ lèo tèo vài khách qua đường vào ăn nên nhà hàng phải chuyển qua làm cơm bình dân kiếm đồng rau, đồng cháo vượt qua giai đoạn khủng hoảng. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã