Dưới chân đèo Mimosa thuộc phường 3 (TP.Đà Lạt) có khu đất rộng lớn trước đây khai thác nguyên liệu sản xuất gạch xây dựng, nay đã phủ lên những luống rau baby nhà kính xanh ngát. Một chiều cuối tuần, anh Nguyễn Trung Thành đang thu hoạch những trái ớt ngọt baby cho vừa đủ số lượng 3 tạ, chuyển ngay về các siêu thị ở TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ. Đây là 500m2 nhà kính mà Thành đã canh tác ớt ngọt baby hơn 7 tháng qua, trong đó đã kết trái cho hoa lợi hơn 3 tháng. Trung bình mỗi tuần “hái ra tiền” một lần từ 2,5- 3 tạ trái.
Trồng rau baby trong khu nhà kính dưới chân đèo Mimosa, Đà Lạt.
“Mùa Tết năm ngoái, tôi trồng hoa lay ơn trên 500m2 ngoài trời, gặp lúc bán được giá nhưng cũng chỉ lãi hơn 10 triệu đồng. Chuyển sang trồng ớt ngọt baby nhà kính, số lãi thu về tăng gấp nhiều lần. Hơn nữa, giá ớt ngọt baby của tôi bán theo hợp đồng ổn định cả năm, nên thường cao hơn giá ớt ngọt bình thường từ 30% trở lên”, Thành cho biết.
Bước sang khu vực nhà kính 500m2 liên canh trồng dưa leo baby, Thành ước tính thu hái gần 30 ngày với tổng sản lượng hơn 5 tấn, tính lãi nhanh được hàng chục triệu đồng sau hơn 2 tháng xuống giống. Thành chia sẻ thêm: “Thế là tôi yên tâm với khoản đầu tư 200 triệu đồng xây dựng nhà kính, cải tạo đất và lắp đặt các thiết bị tưới nước, bón phân tự động sẽ sớm được thu hồi trong năm mới 2015”.
Cũng thuộc khu vực đèo Mimosa, trại rau baby nhà kính rộng 6.000m2 của hộ ông Cao Chu Vân đa dạng chủng loại cây trồng hơn. Tham quan một vòng trong khu nhà kính này càng ghi nhận khá rõ nét về việc sản xuất quy mô, bài bản của quy trình kỹ thuật công nghệ cao, giúp gia đình ông Vân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Cách đây 4 năm, anh Võ Tiến Huy ở xã Hiệp An (Đức Trọng) đến đặt vấn đề liên kết sản xuất, tiêu thụ rau baby, ông Vân nhất trí chọn 3 cây rau baby chủ lực là dưa leo, súp lơ và ớt ngọt để trồng luân canh với các loài rau VietGAP khác. Kết quả, tính riêng năm qua, gia đình ông Vân thu lãi từ 70-80 triệu đồng/1.000m2 trồng rau baby trong nhà kính.
Hỏi về kinh nghiệm trồng rau baby nhà kính, ông Vân nói ngay đó là việc tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật thực hành ở 3 công đoạn chính gồm tưới nước, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch. Cụ thể, phải thu hái sản phẩm vào buổi sáng để giữ tươi được lâu hơn trên đường vận chuyển; buổi trưa và buổi chiều bật công tắc tưới nước tự động, khi cây còn nhỏ thì mỗi ngày tưới 1 lần, cây lớn thì 3 ngày tưới một lần, kéo dài khoảng 10 phút (mùa mưa) hoặc khoảng 15 phút (mùa khô). Bón phân hữu cơ bằng hệ thống tưới nhỏ giọt theo liều lượng VietGAP, sử dụng thuốc sinh học để “bảo vệ sức khỏe” cây trồng…
Không chỉ riêng trên nền đất sét ở dưới chân đèo Mimosa, rau baby còn xanh tốt và đạt năng suất cao trên nền đất đá dưới chân núi Voi (Đức Trọng). Nơi này 4 năm trước, anh Huy trồng thử nghiệm trên 1.000m2 với 2 giống rau baby là dưa leo và súp lơ xanh nhập về từ Hà Lan và Nhật Bản. Kết thúc vụ thu hoạch đầu tiên, anh thu được khoảng 80% sản phẩm đạt yêu cầu đặt hàng từ hệ thống siêu thị cao cấp tại TP.Hồ Chí Minh. Những vụ sau đó, quy trình sản xuất ngày càng hoàn chỉnh, đến nay gia đình anh Huy đã mở rộng lên khoảng 1,1ha trồng luân canh rau baby nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Nắm lấy cơ hội cầu vượt cung, anh đã liên kết với nông dân ở các vùng lân cận của xã Hiệp An (Đức Trọng) chuyển đổi trồng rau ngoài trời và hoa lay ơn hàng năm sang trồng rau baby, hiện phát triển được khoảng 17ha. Hình thức hợp tác là bên anh Huy cung cấp giống, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm; bên nông dân có đất, công lao động, vốn đầu tư. Hạch toán từ việc chuyển đổi ở đây, mức lợi nhuận đã tăng gấp 3 - 4 lần cho người sản xuất.
Mới đây, anh Huy hợp tác với một hộ nông dân ở xã Hiệp Thạnh (Đức Trọng) sản xuất thành công trên 2.500m2 cây su su, thu hoạch trái non tiêu thụ khá nhanh với số lượng từ 70- 80kg/ngày, đạt lợi nhuận vượt trội so với cách trồng truyền thống (thu trái già).
“Dự báo thị trường rau baby trong những năm tới vẫn rất tiềm năng”, Huy nhận định.
Văn Việt
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã