- Xin ông chia sẻ về bức tranh nông nghiệp của tỉnh sau 3 năm khi triển khai Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp?
Giám đốc Sở NN - PTNT Điện Biên Hà Văn Quân |
- Sau 3 năm triển khai, Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Điện Biên đã đạt nhiều kết quả tích cực, giá trị các sản phẩm chủ lực tăng, thu hút thêm các nguồn lực. Một số doanh nghiệp (DN) đã đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao như: DN thương mại tư nhân Hoa Ba, sản xuất rau thủy cảnh hồi lưu trong nhà lưới công nghệ, với quy mô 600m2, năng suất ước đạt 8 - 9 tấn/ha, sản lượng 70 tấn/năm; Công ty TM XNK Điện Biên trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP trong nhà lưới… Đặc biệt, giá trị gia tăng khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trung bình giai đoạn 2015 - 2017 đạt 3,26%/năm, từ đó góp phần nâng thu nhập lên tới 25 triệu đồng/người/năm, tăng 9,96% so với cùng kỳ.
Để có được thành công này, tỉnh đã chú trọng xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, cụ thể như mô hình liên kết sản xuất lúa, gạo chất lượng cao tại cánh đồng Mường Thanh; mô hình gần 80ha nhãn trên địa bàn các xã Thanh An, Sam Mứn, Noong Luống. Theo kế hoạch, dự kiến giai đoạn 2018 - 2020 huyện sẽ ghép cải tạo 80ha nhãn… đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, tỉnh còn quy hoạch nhiều dự án trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản dựa trên thế mạnh của các địa phương. Cụ thể là dự án trồng cây ăn quả công nghệ cao kết hợp trồng rừng sản xuất tại xã Búng Lao, huyện Mường Ảng; dự án sản xuất thực phẩm an toàn tại xã Thanh Yên, huyện Điện Biên; dự án nhà máy chế biến tinh bột sắn tại xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên… Ngoài ra, tỉnh cũng tích cực xây dựng các chuỗi cung ứng an toàn thực phẩm cho các sản phẩm chủ lực như trà Tủa Chùa, cà phê, thịt sấy khô, óc chó… nhằm tạo đầu ra ổn định cho nông sản, giúp người dân yên tâm sản xuất.
- Cùng với việc chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang nông nghiệp hàng hóa, liên kết chuỗi thì quá trình ứng dụng tiến bộ KH - CN vào sản xuất của tỉnh những năm gần đây diễn ra như thế nào, thưa ông?
- Với xu thế hội nhập hiện nay, việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sẽ không thể cạnh tranh được, thay vào đó phải thực hiện sản xuất tập trung theo mô hình cánh đồng lớn gắn với chuỗi liên kết. Hiện việc ứng dụng công nghệ cao ở Điện Biên mới chỉ ở mức manh nha, nhưng bước đầu đã chứng tỏ được hiệu quả cao hơn nhiều so với phương thức truyền thống. Chúng tôi xác định áp dụng KH - CN cao vào sản xuất là giải pháp then chốt để tạo đột phá nông nghiệp tỉnh. Tuy nhiên, đây là vấn đề mà Điện Biên đang trăn trở, khi số lượng DN đầu tư vào nông nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Mô hình nấm đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con dân tộc tỉnh Điện Biên |
Ảnh Trần Tâm |
- Vậy đâu là giải pháp để tỉnh có thể thu hút được các doanh nghiệp có tiềm lực, năng lực về chuyên môn để đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo chuỗi liên kết sản xuất?
- Để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh sẽ tiếp tục ban hành nhiều chính sách đặc thù. Tỉnh sẽ tạo quỹ đất sạch và điều kiện thuận lợi nhất để đón các nhà đầu tư có tâm, có tầm đến với Điện Biên. Từ đó làm chỗ dựa cho nông dân thực hiện liên kết, tạo ra chuỗi liên kết sản xuất. Thời gian qua, một số doanh nghiệp đã xin chủ trương đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, nghiệp như: Doanh nghiệp Quang Hà khảo sát xin chủ trương đầu tư trồng cây cam tại Mường Ảng với quy mô khoảng 270ha; Tập đoàn Minh Phú xin chủ trương trồng cây mắc ca và phát triển cây dược liệu ở khu vực Pu Luông, huyện Điện Biên với diện tích khoảng 4.000ha; Công ty Mắc Ca Tây Bắc đang đầu tư vào khu vực Tuần Giáo, Mường Nhé; Tập đoàn sữa TH đang nghiên cứu đầu tư vào khu vực Nậm Pồ... Đây là tín hiệu đáng mừng.
Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh sự tham gia của các cấp, ngành trong việc vận động nhân dân hợp tác, góp đất cùng với doanh nghiệp thực hiện các dự án trồng cây công nghiệp, sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn tạo chuỗi liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại gắn với từng sản phẩm thế mạnh của địa phương. Xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ xúc tiến thương mại; hỗ trợ các đơn vị xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm.
- Xin cảm ơn ông!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã