Toàn tỉnh có 350 hồ chứa nước, với tổng dung tích trên 800 triệu m3 đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong phát triển KT-XH, đặc biệt là phát triển nông nghiệp, ổn định đời sống nhân dân. Tuy nhiên, trong số đó hiện có 190 hồ chứa nước đang bị rò rỉ nước thấm qua thân đập, cống lấy nước bị hư hỏng, tràn xả lũ không được gia cố, không đảm bảo thoát lũ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố.
Đập Khe Điếc bị sụt lún phía thượng lưu, hạ lưu và nước chảy lộng dưới thân đập, mất an toàn trong mùa mưa lũ.
Các hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp chủ yếu nằm trên địa bàn huyện Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh, Nghi Xuân… Anh Nguyễn Chí Tâm - chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn cho biết: Qua kiểm tra, rà soát hiện trạng các hồ chứa trên địa bàn huyện có đến 18 hồ đập mất an toàn, rất cần được khắc phục, sửa chữa. Điển hình như đập Khe Điếc (thôn Sinh Cờ, xã Sơn Châu) do ảnh hưởng mưa lũ năm 2016 nên thân đập bị xói lở nghiêm trọng, xuất hiện một hố sụt lún sâu, chui qua thân đập. Hay hồ Nội Tranh Hạ nằm trên địa bàn xã Sơn Lễ, do mái thượng lưu không lát đá khan và bê tông, khi mùa bão về, sóng vỗ thân đập gây sạt lở nhiều điểm và ngày càng lấn sâu vào thân đập, khó khăn trong việc bảo vệ thân đập mùa mưa bão năm nay.
Lo ngại mất an toàn khi xẩy ra mưa lũ, ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho biết: Công ty đang quản lý 33 hồ chứa có dung tích lớn hơn 1 triệu m3 nước và hồ chứa chiều cao đập lớn hơn 12m. Tuy nhiên, hiện có 8 hồ đập đang bị hư hỏng nghiêm trọng. Tiềm ẩn nguy cơ xẩy ra sự cố rất lớn là hồ Kẻ Gỗ (Cẩm Mỹ - Cẩm Xuyên) từ cao trình +24,5m trở xuống cao trình +17m các tấm lát đã bị hư hỏng, gãy vỡ, không còn khả năng giữ đất chân thượng lưu mái đập chính.
Đặc biệt tại vị trí cách vai phải đập chính 400m ở cao trình +23,0m (vị trí lòng khe cũ) xuất hiện dòng thấm tiềm ẩn làm mất ổn định và an toàn đập; van đĩa số 2 gian thủy nông bị hỏng không vận hành được. Do ảnh hưởng của mưa lũ năm 2016, tràn xả lũ hồ Ma Leng (Phúc Trạch - Hương Khê) bị xói mang và xói dưới ngưỡng tràn chảy dọc đáy dốc nước về phía hạ lưu gây xói lở đất dưới tràn rất lớn.
Đa phần hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh đều được xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng cách đây 30-40 năm, cùng với sự tác động của thời tiết, nhiều hạng mục công trình bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh mới đầu tư sửa chữa, nâng cấp được 25 hồ chứa bằng nguồn vốn của dự án WB8; một số hồ chứa nhỏ tuy có được hỗ trợ kinh phí để sửa chữa, song do nguồn vốn hạn chế nên chỉ lựa chọn các hạng mục xung yếu nâng cấp trước, vì vậy, có hồ chứa chỉ đầu tư được phần mái đập chính, có hồ chỉ đầu tư sửa chữa tràn xả lũ... Do đó, một số hồ chứa vừa thi công xong đã bộc lộ bất cập và chưa an toàn.
Biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, bất thường, trong đó có hiện tượng mưa lũ vượt ra ngoài các quy luật thông thường, đồng thời, hiện tượng thời tiết nắng nóng với nền nhiệt độ cao, kéo dài làm hạ thấp mực nước ngầm cũng là một trong những nguyên nhân gây mất an toàn hồ chứa. Trong khi đó, số lượng hồ chứa bị xuống cấp, không đảm bảo an toàn còn nhiều, kinh phí đầu tư sửa chữa, nâng cấp hạn chế, nguồn vốn phân bổ cho các dự án đã đầu tư xây dựng thiếu.
Trước thực trạng trên, ông Ngô Đức Hợi – Chánh văn phòng Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho rằng: Các công ty TNHH MTV thủy lợi, cùng các địa phương cần phải xây dựng phương án tổ chức chỉ huy, điều hành quản lý, vận hành điều tiết nước tại các công trình hồ đập trên địa bàn. Theo đó, trong mùa mưa lũ, thường xuyên bố trí lực lượng tuần tra canh gác 24/24h tại các hồ chứa để phát hiện, báo cáo kịp thời, đồng thời, bố trí phương án huy động nhân lực, vật tư, phương tiện tại chỗ sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xẩy ra. Ngoài phương án hậu cần, thông tin liên lạc thì phương án sơ tán dân cư vùng hạ du hết sức quan trọng. Vì vậy, các công ty, các địa phương luôn linh hoạt trong công tác vận hành xả lũ, thông báo cụ thể các tình huống xẩy ra để người dân chủ động di dời đến nơi an toàn nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản trong mùa mưa lũ...
Theo Hữu Trung/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã