Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng hơn 10.000 tỷ đồng
Sáng nay 6-7, kỳ họp thứ 5 HĐND TPHCM khoá IX bước vào ngày làm việc cuối cùng với phiên chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, liên kết sản xuất… đối với Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Phước Trung.
Là người đầu tiên đăng ký chất vấn, ĐB Hoàng Thị Diễm Tuyết hỏi: Ngành nông nghiệp là một trong những ngành chủ lực của TP và chắc chắc nông nghiệp của TPHCM cũng không giống các địa phương khác. Vậy TPHCM đặt trọng tâm phát triển nông nghiệp dựa vào ứng dụng khoa học kỹ thuật như thế nào?
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm trao đổi cùng Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Phước Trung
“TPHCM đã có hàng loạt quyết định với nhiều chính sách để giúp nông nghiệp phát triển, hỗ trợ nông dân, thực hiện ứng dụng công nghệ cao và thực hành sản xuất tốt, có các chương trình cho cơ giới hóa, chương trình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, chương trình giống cây con chất lượng cao… Qua 6 năm thực hiện quy hoạch gắn với nông thôn mới, TPHCM đã đầu tư hơn 8.340 công trình giao thông, điện, y tế, văn hóa… cho khu vực nông thôn ngoại thành. Ngoài ra, trong 6 năm qua đã có gần 1.900ha đất nông nghiệp chuyển dịch sang các ngành nông nghiệp sử dụng cây trồng, vật nuôi giá trị cao. Điều này giúp tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của TPHCM hơn 10.000 tỷ đồng trong 6 năm qua”, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Phước Trung thông tin.
Cũng theo ông Trung, trong giai đoạn 2011-2015, TPHCM đã tập trung đầu tư phát triển nông thôn mới với tổng giá trị đầu tư lên đến 47.500 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương hỗ trợ 20,3 tỷ đồng, vốn ngân sách TPHCM hơn 10.000 tỷ. Phần còn lại hơn 37.000 tỷ đồng là vốn của doanh nghiệp, của nông dân.
Ngoài ra, để nâng cao sức cạnh tranh thì ngành chủ trương nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm nông nghiệp.
“Cụ thể, chúng tôi làm việc với các doanh nghiệp cung cấp đầu vào như con giống, cây trồng cho người nông dân xã để giảm giá thành sản phẩm đầu vào và cũng kiểm soát được việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…”, ông Trung nói.
Theo ông Nguyễn Phước Trung, nông nghiệp công nghệ cao là định hướng phù hợp trong điều kiện đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm. Về thế mạnh của TPHCM là nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học. Ví dụ, TPHCM đang đẩy mạnh làm cây rau (rau hiện chỉ đáp ứng chưa được 30% nhu cầu của TPHCM) và cho ra năng suất khá cao, bình quân 250 tấn/ha, tạo ra giá trị khoảng 1,5 tỷ đồng/năm. Mức này chỉ là đầu tư mức vừa phải, nếu mở rộng áp dụng công nghệ trồng rau thủy canh thì giá trị có thể lên đến 5 tỷ đồng và lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng/năm.
TPHCM giải cứu chuối, giải cứu heo ra sao?
Trả lời ý kiến chất vấn của ĐB Trần Quang Thắng về việc kết hợp giữa nông nghiệp với du lịch, ông Nguyễn Phước Trung nhận định, sản xuất nông nghiệp nếu phát triển du lịch sinh thái sẽ tạo thêm giá trị gia tăng. Vì vậy, Sở NN&PTNT đã có tính toán kết hợp các khu vực sản xuất ha (như 350 ha vườn lan) để thu hút khách đến thưởng lãm, mua hoa. Hoặc hình thành các vườn cây ăn trái kết hợp du lịch, thậm chí hỗ trợ người dân trồng cho cây ra trái trái vụ.
Liên quan đến các ý kiến của các ĐB về việc giải cứu sản phẩm nông nghiệp, ông Nguyễn Phước Trung cho biết bản thân ông trăn trở nhiều về vấn đề này. Ông Trung cũng chia sẽ ý tưởng việc vận động thành lập một công ty cổ phần gồm doanh nghiệp sản xuất ra nông sản, các hợp tác xã (hiện 15 đơn vị đã đồng ý với ý tưởng này) để có thể nâng cao mức thu mua sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng sẽ tổ chức phân phối sản phẩm nông nghiệp (đạt tiêu chuẩn) thông qua các chợ phiên, bán hàng online và mở rộng phân phối các cửa hàng riêng.