Bởi lẽ đơn giản, được mùa, nhưng giá lúa quá thấp, trong khi chi phí đầu vào quá cao, có làm mà không có lãi nên họ... cười không nổi.
Bài toán buồn của nông dân
Suốt nhiều năm gần đây, “trình độ” thâm canh cây lúa của nông dân Bình Định tăng lên thấy rõ. Thêm vào đó, nông dân đã quen với SX các giống lúa lai và các giống mới có tiềm năng năng suất cao nên vụ mùa nào cũng thắng to.
Riêng trong năm 2013 này, mặc dù điều kiện thời tiết bất thuận, hạn hán xảy ra gay gắt ngay từ đầu năm nhưng nhờ nông dân đồng lòng chung sức với ngành chức năng chủ động đối phó nên trong vụ ĐX 2012-2013, năng suất cây lúa ở Bình Định đạt đến 63,5 tạ/ha, năng suất “đỉnh” trong mấy chục năm qua.
Tiếp đến vụ hè thu này, năng suất đạt bình quân 54,5 tạ/ha, lại đạt “đỉnh” so với những vụ hè thu trước. Cứ ngỡ, được mùa ắt nông dân sẽ rất vui. Thế nhưng thực tế cho thấy điều ngược lại.
Nói đến chuyện thu nhập, nông dân Đỗ Văn Cường ở phường Bình Định, TX An Nhơn (Bình Định), thở dài: “Là dân thuần nông không lẽ bỏ ruộng hoang chứ làm lúa bây giờ cứ cắm đầu xuống ruộng mà trút mồ hôi chứ không mong kiếm được chút lời lãi nào”.
Rồi anh Cường tính toán: “Đến vụ thu hoạch, thuê máy và máy phun cho mỗi sào lúa mất 90.000đ. Sau đó chưa biết giá lúa cao thấp ra sao nhưng nông dân tiếp tục bỏ 1 khoản lớn “tiền tươi” để chi phí SX cho vụ mùa tới gồm: tiền cày và tiền dịch vụ phải trả cho HTXNN hết 70.000đ/sào; thêm chi phí làm đất và sạ giống 200.000đ/sào, thuê chở lúa từ ruộng về nhà mất 24.000đ/sào (4 bao).
Trong quá trình SX, mỗi sào ruộng nuốt mất 300.000đ tiền phân (20kg), thuốc BVTV (3 đợt) 120.000đ/sào (cả công bơm), công làm cỏ 120.000đ/sào… vị chi hao tốn cho mỗi sào ruộng hết 920.000đ. Thời tiết ổn định, cây lúa cho năng suất khá, bình quân 250kg/sào.
Với giá lúa hiện nay 5.000đ/kg (hạt tròn) và 5.500đ/kg (hạt dài) thì nông dân còn cầm được trong tay từ hơn 300.000đ đến 400.000đ/sào, số tiền lãi này được tính vào tiền công chăm sóc của nông dân suốt cả vụ mùa theo kiểu lấy công làm lời. Còn nếu mùa màng thất bát thì suốt 3 tháng trời lao động ròng rã của tụi tui trở thành… công cốc”.
Chỉ còn ăn… rơm
Làm manh mún chỉ vài sào ruộng không bao giờ nhìn thấy được đồng tiền lãi, nhiều nông dân nghĩ: “Làm chỉ vài đám ruộng thời gian nông nhàn nhiều quá, trong khi chẳng biết nghề gì khác làm thêm kiếm tiền. Thà làm thật nhiều ruộng, toàn tâm toàn ý chăm cho cây lúa may ra kiếm được khá hơn”.
Do đó, có nhiều nông dân ở Bình Định “tích tụ ruộng đất” bằng cách thuê lại ruộng của người khác để làm. Ví như anh Đinh Văn Chung ở khu vực Kim Châu, phường Bình Định (TX An Nhơn), ngoài 3 sào ruộng giao quyền, vợ chồng anh Chung thuê thêm của bà con trong vùng 17 sào ruộng nữa để làm.
“Đã lấm chân lấm tay cho lấm luôn 1 thể, may ra cuối vụ mỗi sào ruộng kiếm lãi mỗi ít, gom lại thành số tiền lớn, lấy đó ra đầu tư cho con ăn học hoặc lo chuyện gia đình, chứ làm 1 vài sào ruộng thu nhập chẳng đủ đâu”, anh Chung tâm sự.
Anh Chung thuê ruộng ngắn hạn (2 năm) nên tiền thuê khá cao: 300.000đ/sào/vụ. Trong vụ hè thu này, ngoài những khoản chi phí như anh Cường đã tính toán ở trên, những đám ruộng của anh Chung còn phải “gánh” thêm cái khoản thuê ruộng 300.000đ/sào nữa nên sau khi thu hoạch, tính chi li ra, công sức vợ chồng anh đổ ra trên 20 sào ruộng trong suốt 3 tháng liền chẳng bõ bèn.
“Trong 20 sào ruộng vợ chồng tui làm trong vụ hè thu vừa rồi có 16 sào cây lúa sinh trưởng phát triển ổn định, cho năng suất 250kg/sào. Do chỉ có 2 vợ chồng làm nên không thể xuống giống đồng bộ, có 4 sào gieo sạ muộn khi lúa trỗ gặp thời tiết bất thuận, cây lúa đứng đơ nên cho năng suất chỉ 150kg/sào.
Cũng may, mùa này rơm bán được 200.000đ/sào, bán 20 sào vợ chồng tui cầm được 4 triệu đồng. Dẫu sao đây cũng là món thu nhập an ủi, nếu không ăn được tiền rơm thì suốt 3 tháng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vợ chồng tui trắng tay”, anh Chung nói.
May rơm có giá!
Người dân Bình Định đang phát triển mạnh chăn nuôi bò nên rơm trở nên “hút hàng”. Thêm vào đó, thương lái buôn dưa hấu sang Trung Quốc cũng rất cần rơm để “giảm xóc” cho dưa trên xe tải vận chuyển đường dài. Do đó, rơm bỗng dưng có giá. Âu cũng là chút niềm vui của nông dân giữa cái thời giá lúa tựa bèo này!
Báo Nông nghiệp Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã