Nhiều nông dân đang thu hoạch lúa tỏ ra lo lắng do giá vẫn ở mức thấp và tiêu thụ rất chậm. Có thể khẳng định, đến thời điểm này chính sách thu mua tạm trữ lúa chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.
Vừa thu hoạch xong 3 công lúa với năng suất 30 giạ/công, anh Ngô Hồng Tường, ở xã An Khánh, huyện Châu Thành, Đồng Tháp bán lúa tươi với giá 3.700 đ/kg, ngậm ngùi: “Vụ ĐX rồi giá bèo lắm tôi cũng bán được từ 4.100- 4.200 đ/kg với lúa ướt, còn vụ này giá lúa hè thu thấp quá trời. Mỗi công chi phí hơn 2 triệu đồng, sau khi bán ra chỉ dư vài trăm ngàn thì làm sao sống nổi, chưa kể công sức suốt 3 tháng trời”.
Theo anh Tường, hiện giá lúa loại thường tại địa phương chỉ từ 3.700- 3.850 đ/kg, tuy có tăng so với trước khi thu mua tạm trữ nhưng không đáng kể. Nhiều thương lái chấp nhận bỏ cọc tiền triệu vì giá lúa liên tục xuống thấp, nông dân phải vận chuyển về nhà phơi phóng rất cực khổ.
Tại một số địa phương khác, lúa thường được thương lái thu mua từ 3.900 đ/kg; hạt dài có giá từ 4.100 đ/kg, bằng với thời điểm trước khi có chính sách thu mua tạm trữ. Tuy nhiên, số lượng thương lái đến mua lúa rất hạn chế. Nhiều nông dân bày tỏ sự thất vọng với đợt tạm trữ lần này.
Ông Lưu Phước Hiệp, nông dân xã Khánh An, huyện An Phú, An Giang cho biết: “Nghe nói có mua tạm trữ nhưng giá lúa tại đây vẫn chưa thấy nhích lên, giá lúa đang ở mức thấp nhưng hầu hết người dân đều bán lúa tại đồng vì không có nơi dự trữ”.
Trước tình hình khó khăn về giá lúa của dân, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa chính thức có văn bản gửi Bộ NN-PTNT góp ý quy chế thu mua tạm trữ thóc, gạo tại ĐBSCL. TroĐồng Tháp đề nghị quy định thời gian thu mua tạm trữ tùy từng địa phương quyết định, không triển khai thu mua đồng loạt như hiện nay. Bởi mỗi tỉnh có lịch thời vụ, thu hoạch khác nhau. Do đó, khi nào nông dân đến thời điểm thu hoạch thì tiến hành mua, khi đó người sản xuất lúa trực tiếp mới được hưởng lợi.
Bên cạnh đó, đối với các điều kiện để DN được thu mua tạm trữ, địa phương cũng đề nghị đưa vào quy chế nội dung: “DN có giấy phép XK gạo thời hạn 5 năm; có hợp đồng liên kết SX và tiêu thụ lúa gạo hoặc hợp đồng tiêu thụ lúa gạo trực tiếp với HTX, nông dân ở các CĐML thì mới được phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ”.
Ông Phan Kim Sa, PGĐ Sở Công thương Đồng Tháp cho biết: "So với trước đây, giá lúa chỉ nhích lên từ 50-100 đ/kg, tuy nhiên không nhích lên đồng đều mà chỉ nhích lên ở những địa bàn DN có triển khai thu mua. Đây là một số DN có lượng tồn kho không lớn, đồng thời lần đầu được giao chỉ tiêu thu mua tạm trữ. Nhìn chung, giá lúa toàn tỉnh không tăng thêm bao nhiêu".
Ông Đoàn Ngọc Phả, PGĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết: "Tổng diện tích gieo trồng lúa vụ HT này của tỉnh là 234.299 ha. Đến nay, nông dân đã thu hoạch được khoảng 15% diện tích, dự kiến đến tháng 8/2013 sẽ thu hoạch dứt điểm. Đến thời điểm này An Giang đã vào chính vụ, thời tiết tương đối thuận lợi so với mấy tuần trước, nhưng giá lúa trên địa không tăng nhiều".
Ông Phả cho biết thêm, theo kế hoạch phân bổ mua tạm trữ lúa vụ HT, có 11 DN trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ lãi suất vay vốn thu mua 130.000 tấn gạo. Tuy nhiên, đến thời điểm này, lượng gạo mua tạm trữ mới đạt hơn 5.000 tấn.
Trong khi đó, theo Sở Công thương An Giang, hiện nay các DN vẫn còn tồn 114.000 tấn gạo cùng với hơn 14.000 tấn lúa. Khi vào chính vụ HT, dự kiến sẽ có thêm hơn 1,4 triệu tấn lúa hàng hóa được nông dân sản xuất ra. Việc tiêu thụ hết số lúa này rõ ràng là bài toán khó khi mà lúa cứ được làm ra liên tục.
Còn tại Hậu Giang, đến nay nông dân đã thu hoạch được trên 50% diện tích trong tổng số hơn 80.000 ha lúa HT đã gieo sạ, năng suất trung bình ước đạt 5,7 tấn/ha. Các trà lúa còn lại đang trong giai đoạn trổ, chín sẽ thu hoạch trong tháng 7.
Qua ghi nhận tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, giá lúa vẫn đang ở mức thấp, lúa hạt dài thu hoạch bằng máy, được thương lái mua tươi tại ruộng với giá từ 3.800 - 4.000 đ/kg, lúa IR 50404 tươi được thu mua giá 3.400 - 3.600 đ/kg. Nếu lúa đã được sấy khô, giá cao hơn lúa tươi khoảng 1.000 đ/kg.
Riêng đối với những ruộng lúa bị mưa bão làm đổ ngã, buộc phải thu hoạch bằng tay có giá rất bèo, chỉ trên dưới 3.000 đ/kg nhưng thương lái chê lên chê xuống, không mua.
Tại Kiên Giang, thời gian qua tình hình mưa bão đã làm cho nhiều diện tích lúa trong thời kỳ thu hoạch bị đổ, ngã, gây ảnh hưởng đến tiến độ, năng suất và chất lượng lúa sau thu hoạch. Nhiều nơi nông dân phải mướn người thu hoạch bằng tay, chi phí lên đến gần 1 triệu đ/công. Các huyện đã thu hoạch nhiều là Tân Hiệp, Giồng Riềng, Châu Thành….
Theo nông dân ở các địa phương của tỉnh Kiên Giang, tình hình các DN triển khai thu mua tạm trữ đợt này rất chậm nên không tác động nhiều đến giá lúa. Những hộ thu hoạch vào ngày nắng còn đỡ, chứ thu hoạch vào ngày mưa dầm coi như chết đứng, bán không có người mua, mà muốn mang đi sấy cũng không có chỗ...
Theo NNVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã