Học tập đạo đức HCM

Cách tiếp cận về phát triển nông nghiệp và nông thôn trên thế giới

Thứ hai - 08/07/2013 03:53
Nông nghiệp vẫn được coi là một trong những ngành chủ chốt và hứa hẹn nhất đối với vấn đề xóa đói, giảm nghèo ở nhiều nước trên thế giới (WB, 2008), mặc dù, sự đóng góp của ngành nông nghiệp vào tạo việc làm đang có xu hướng giảm mạnh. Ở rất nhiều nước, nông nghiệp vẫn tiếp tục là ngành đem lại sinh kế chính, là nguồn tạo việc làm lớn thứ hai, chỉ sau ngành dịch vụ (với khả năng tạo việc làm cho khoảng 1 tỷ lao động[1]). Thậm chí, trong một số giai đoạn nhất định, khi nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái, nông nghiệp được coi là ngành có thể hấp thụ được một số ít lực lượng lao động bị sa thải ở các ngành khác (Csaki et al, 2000).

Bên cạnh đó, qua nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn ở một số nước như Ấn Độ, Bangladesh, Kenya, Philippines và Bolivia, các nhà nghiên cứu đã đi tới một kết luận, đó là việc phát triển, tăng trưởng khu vực nông thôn sẽ giúp xóa đói giảm nghèo ở không chỉ riêng khu vực nông thôn, mà còn giảm nghèo ở cả khu vực thành thị, trong khi đó tăng trưởng ở khu vực thành thị không đủ đảm bảo cho việc xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn (Ashley and Maxwell, 2001). Chính vì vậy, việc làm thế nào để tăng trưởng ngành nông nghiệp vẫn trở thành một bài toán quan trọng.

* Mô hình nông trang quy mô nhỏ

Mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp dựa trên sự hoạt động có hiệu quả của các nông trang quy mô nhỏ, theo gợi ý của Ellis và Biggs là mô hình mà đã thống trị hơn nửa thập kỷ qua (ibid). Đây là mô hình trong đó việc sản xuất các sản phẩm chủ yếu đóng một vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt là các sản phẩm ngũ cốc bán thương mại. Mô hình này cũng được ca ngợi trong một báo cáo của IFAD năm 2001 thông qua bằng chứng nghiên cứu tại 4 nước (Colombia, Brazil, Ấn Độ và Malaysia). IFAD đã kết luận rằng năng suất đất ở các nông trang quy mô nhỏ thì thường tối thiểu gấp hai lần so với các nông trang quy mô lớn. Khoảng cách về năng suất đất có rất nhiều nguyên nhân, có thể do chất lượng đất và cường độ lao động cao hơn. Thông thường, lợi thế của các nông trang nhỏ là có thể đạt được sản lượng cao nếu áp dụng phương pháp trồng hỗn hợp các loại cây có giá trị cao hơn, trồng xen canh, đa vụ và thời gian bỏ hoang đất ngắn hơn các nông trang lớn (ibid).

Việc áp dụng mô hình nông trang nhỏ và sử dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trong thời gian đầu đã đem lại sự tăng trưởng nông nghiệp liên tục ở nhiều nước. Tuy nhiên, mô hình nông trang nhỏ về sau này đã bộc lộ sự hạn chế do quy mô đất càng nhỏ thì sẽ rất khó ứng dụng các công nghệ mới, cũng như giảm mức độ cơ giới hóa. Tình trạng này dường như rất phổ biến ở nhiều nước có nền kinh tế chuyển đổi (Châu Âu) và các nước Đông Á. Ngoài ra, theo nghiên cứu của Sơn (2008), hiện nay các nước Đông Nam Á cũng đang rơi vào cái bẫy ‘quy mô sản xuất nhỏ’ do thực hiện chủ trương, chính sách là đảm bảo công bằng xã hội, đảm bảo ‘nông dân phải có ruộng cày’. Vì vậy, một số nước như: Nhật Bản, Hungary, Bulgaria,… đang tích cực thực hiện nhiều biện pháp để mở rộng quy mô đất nông nghiệp.

* Mô hình nông thôn mới

Hiện nay, nhiều nhà hoạch định chính sách ở nhiều quốc gia đã và đang dần dần thay đổi cách tiếp cận chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn. Nhiều người cho rằng các chính sách phát triển theo ngành truyền thống cần phải được xem xét lại, nâng cấp và thậm chí trong nhiều trường hợp cần phải được dần dần xóa bỏ và thay thế bằng nhiều công cụ hữu ích khác. Thực tế cho thấy, nhiều sự hỗ trợ, bao cấp trong nông nghiệp chỉ mang lại một chút tác động tích cực cho phát triển ngành nông nghiệp nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung. Ở nhiều nước, đặc biệt các nước có nền công nghiệp phát triển thu nhập của các hộ nông dân lại chủ yếu dựa vào các hoạt động ngoài nông nghiệp, chính vì vậy việc phát triển khu vực nông thôn sẽ phụ thuộc vào sự phát triển của nhiều công cụ kinh tế mới. Ví dụ, một số nước trong khối Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đang hướng sự quan tâm vào cách tiếp cận dựa vào khu vực khi hoạch định các chính sách nông thôn thay thế cho cách tiếp cận lĩnh vực, nghĩa là tăng cường đầu tư hơn là chú trọng bao cấp, làm cho chính sách nông thôn có thể lồng ghép, hòa hợp với các chính sách ngành khác và cải thiện việc chi tiêu công sao cho có hiệu quả và hợp lý ở các khu vực nông thôn. Cụ thể hơn, cách tiếp cận dựa vào khu vực – hay ‘mô hình nông thôn mới’ – là cách tiếp cận dựa vào đầu tư chiến lược nhằm khuyến khích phát triển các hoạt động đem lại hiệu quả sản xuất cao nhất cho từng khu vực; chú ý tới đặc trưng của từng khu vực như là một yếu tố tạo ra sự khác biệt và lợi thế cạnh tranh mới (chẳng hạn như môi trường, văn hóa và các sản phẩm địa phương); chú ý nhiều hơn tới các hàng hóa được coi là công cộng hoặc các điều kiện khung để hỗ trợ cho các doanh nghiệp một cách gián tiếp; phân cấp quản lý hành chính và thiết kế chính sách cho từng cấp (cấp trung ương, vùng và địa phương) và tăng cường sử dụng cơ chế hợp tác, phối hợp giữa các khu vực công, tư và tự nguyện cho việc phát triển và thực hiện các chính sách địa phương và khu vực. Như vậy, về cơ bản, chính sách này liên quan tới 2 vấn đề, đó là thay đổi cách tiếp cận chính sách và điều chỉnh cơ cấu chính quyền (OECD, 2006).

Cũng giống như một số nước trong khối OECD, các nước thuộc tổ chức Liên minh Châu Âu (EU) trước đây cũng thường cho rằng các khu vực nông thôn thường có đặc điểm rất giống nhau. Tuy nhiên, hiện nay EU đã nhận thấy rằng các vùng nông thôn thì rất khác biệt nhau và mức độ khác biệt hóa và đa dạng cao giữa các vùng nông thôn không chỉ xảy ra giữa các quốc gia mà thậm chí ngay trong cùng một nước. Hiển nhiên, sự khác biệt đó là do đặc tính tự nhiên, địa hình, bản sắc văn hóa và thái độ của người dân địa phương và chính các yếu tố này đã có ảnh hưởng quyết định tới môi trường xã hội của vùng, tình trạng kinh tế và sự phát triển của vùng. Bên cạnh đó, nhiều nhà hoạch định chính sách cho rằng không nên đánh đồng khu vực nông thôn với sự yếu kém, tụt hậu về kinh tế và đánh đồng khu vực này với khu vực nông nghiệp. Trên thực tế, ở rất nhiều vùng nông thôn ở các nước EU, cơ cấu kinh tế không chỉ bị giới hạn trong lĩnh vực nông nghiệp mà được thống trị bới các lĩnh vực công nghịêp và dịch vụ, chẳng hạn như du lịch và chế tạo (Mandl et al, 2007). Ngoài việc thay đổi cách tiếp cận trong quá hoạch định chính sách (chuyển từ cách tiếp cận từ trên xuống bằng cách tiếp cận từ dưới lên), việc phân cấp mạnh hơn quyền hạn, trách nhiệm và phạm vi hoạt động cho khu vực hành chính địa phương và tăng cường sự tham gia của các đối tác xã hội địa phương, các tổ chức phi lợi nhuận NGOs và bản thân người dân cũng đã được phát huy.

* Mô hình ngoại sinh/bên ngoài

Giữa thế kỷ thứ 20, cách tiếp cận nhằm phát triển khu vực nông thôn ở các nước EU được bắt đầu từ mô hình hiện đại hóa, nghĩa là cố gắng hiện đại hóa tất cả các mặt của cuộc sống vùng nông thôn, từ sản xuất nông nghiệp đến cơ sở hạ tầng văn hóa và tự nhiên (Nemes, 2005; Arnalte và Ortiz, 2003). Việc sản xuất thâm canh, chuyên môn hóa và tăng trưởng kinh tế có một vai trò hết sức quan trọng đối với khu vực nông thôn và để đạt được điều này chủ yếu thông qua cơ chế can thiệp từ bên ngòai (mô hình ngoại sinh). Sở dĩ mô hình này tồn tại suốt nhiều thập kỷ là do các khu vực nông thôn luôn trong tình trạng kém phát triển hơn các trung tâm thành thị do yếu kém về cơ sở hạ tầng, khả năng tiếp cận các nguồn lực thấp và duy trì hệ thống văn hóa và kinh tế xã hội theo chủ nghĩa truyền thống (ở thời kỳ bùng nổ hiện đại hóa ở các nền kinh tế Châu Âu, lối sống truyền thống nông dân và văn hóa bị coi là một trong những trở ngại chính cho việc cải thiện cuộc sống vùng nông thôn và quá trình hiện đại hóa). Để cải thiện tình hình này, khu vực nông thôn cần phải được hiện đại hóa và kết nối chặt chẽ với các trung tâm năng động và mở rộng các ngành, lĩnh vực sản xuất, cùng với việc khuyến khích chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa khoa học kỹ thuật vào phục vụ sản xuất (ibid). Tất cả điều này có thể đạt được thông qua các can thiệp từ bên ngoài (từ trung tâm).

Việc hỗ trợ, bao cấp cho thay đổi công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp đã có tác động đáng kể tới việc thay đổi cấu cơ cấu kinh tế và việc phát triển nông nghiệp là kết quả của việc tăng cường vốn trong sản xuất nông nghiệp, việc sản xuất ít phụ thuộc vào tự nhiên và đòi hỏi ít lao động hơn. Mô hình hiện đại hóa cũng dẫn tới kết quả là các gia đình nông thôn sản xuất nhiều hơn và sản xuất trên phần diện tích lớn hơn, chính vì vậy, số lượng các nông trang và quy mô lao động nông nghiệp đã giảm xuống mạnh mẽ. Chẳng hạn, ở Tây Ban Nha trong vòng 10 năm (từ 1989 đến 1999) áp dụng mô hình hiện đại hóa đã cho kết quả là hơn một triệu số hộ nông trang bị biến mất (tức là chỉ còn có khoảng 22% số hộ nông trang còn tồn tại so với thời gian đầu của thập kỷ trước) và quy mô nông trang trung bình tăng lên 36% (Arnalte và Ortiz, 2003:5).

Sự giảm sút về số hộ nông trang và số lượng lao động làm nông nghiệp trong quá trình hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn ở các nước EU cũng kéo theo tình trạng di dân từ các vùng nông thôn ra các khu vực công nghiệp tăng mạnh. Ở các nước Tây Âu, vấn đề di cư ồ ạt từ khu vực nông thôn ra các vùng công nghiệp đã không gây ra nhiều khó khăn, phiền toái như ở các nước Trung và Đông Âu. Phần lớn các nước Trung và Đông Âu, nhà nước phúc lợi đã chưa đủ mạnh về tiềm lực kinh tế để có thể cung cấp đủ nhà ở và các dịch vụ thiết yếu khác cho số lượng công nhân di cư đến các khu vực công nghiệp. Rất nhiều lao động nông thôn bị đẩy ra khỏi thị trường lao động nông thôn, nhưng những người này lại không có khả năng chuyển đến các nước đang phát triển để tìm việc (Szelényi và Konrád, 1971 – trích trong Nemes, 2005). Cách tiếp cận hiện đại hóa (hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm) mặc dầu đã bộc lộ các tác động tiêu cực đối với vấn đề lao động, song nó vẫn đang được áp dụng ở nhiều nước, đặc biệt là các nước chuyển đổi khối EU, bởi các nước này cho rằng đó chỉ là tác động tiêu cực tạm thời và trong dài hạn cách tiếp cận này được kỳ vọng sẽ đem lại kết quả tốt do nâng cao được chất lượng, năng suất và độ an toàn sản phẩm, tạo cho sản phẩm có một vị thế tốt trên thị trường tiêu thụ.

* Mô hình nội sinh

Sau một quá trình dài triển khai, mô hình hiện đại hóa và can thiệp từ bên ngoài đã tỏ rõ một số hạn chế nhất định, vì vậy cách tiếp cận nội sinh hướng vào phát triển đã bắt đầu nổi lên ở một số nước (ibid). Cách tiếp cận này dựa vào một số nguyên tắc cơ bản, được hình thành dựa trên các nguồn lực địa phương, cơ chế tham gia, phối hợp, ‘xây dựng các mục tiêu dưới dạng quy trình’, các giá trị truyền thống,… Cách tiếp cận này cũng đã khắc phục được một số vấn đề phát triển ở giai đọan đầu. Cách tiếp cận mới đã được thể hiện trong chính sách phát triển nông thôn ở các nước EU, cụ thể:

(i) Nâng cao khả năng cạnh tranh của các khu vực nông thôn thông qua việc chú trọng hơn tới tính đa dạng của các khu vực này và đồng thời đưa ra các trợ cấp phù hợp với đặc tính của từng khu vực và nhu cầu đa dạng của các vùng nông thôn.

(ii) Phân công nhiều hơn nhiệm vụ và trách nhiệm trong khâu lập chính sách và thực thi cho cấp chính quyền địa phương, cũng như gắn kết với các tổ chức NGOs địa phương và người dân trong việc thiết kế và thực hiện chiến lược và các công cụ hỗ trợ đều phải nhằm vào các nhu cầu thiết thực của họ (các tiếp cận từ dưới lên).

(iii) Phối hợp các họat động trong tạo lập chính sách nhằm đảm bảo tính chặt chẽ trong hành động.

(iv) Thành lập các doanh nghiệp mới thông qua cổ vũ, thúc đẩy tinh thần kinh doanh của các doanh nhân và đầu tư vào cơ sở hạ tầng công cộng, nguồn nhân lực và vốn xã hội, bằng cách đó sẽ hướng vào đa dạng hóa ngành/lĩnh vực thay vì chỉ tập trung vào nông nghiệp.

Nhận thức về khu vực nông thôn ngày nay đã có sự thay đổi trong tư duy của phần lớn người dân các nước EU. Họ cho rằng khu vực nông nông cũng có rất nhiều lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa, điều này đã giúp cho nhiều vùng nông thôn trở thành địa điểm thu hút du lịch và các vùng này sẽ phát triển nhờ phát triển ngành du lịch. Do đó, vùng nông thôn dường như được xem như là gắn kết với các hoạt động kinh tế hơn là thuần túy nông nghiệp (Mandl et al, 2007).

Tóm lại, phát triển ngành nông nghiệp nói riêng và đảm bảo cải thiện đời sống cho người lao động ở khu vực nông thôn, cũng như phát triển bền vững khu vực nông thôn ở nhiều nước nói chung là một quá trình hết sức dài và gian nan. Hiện nay, trên thế giới mặc dù ngành nông nghiệp không còn là ngành đứng đầu trong đóng góp vào giá trị tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia và cũng không phải là ngành đứng đầu trong thu hút lực lượng lao động, song vai trò của nông nghiệp trong việc đảm bảo an ninh lương thực của từng quốc gia, trong việc đảm bảo cân bằng sinh thái, môi trường và các giá trị văn hóa truyền thống luôn được đề cao.

Thực tế cho thấy rằng không phải những nước giàu tài nguyên, có điều kiện tự nhiên thuận lợi hay có diện tích đất nông nghiệp lớn là có thể thành công trong việc phát triển ngành nông nghiệp. Sự thành công trong chặng đường phát triển khu vực nông thôn và tạo việc làm cho người lao động ở khu vực này phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách phát triển kinh tế – xã hội hợp lý và kịp thời của từng nước, cũng như cả việc triển khai, thực thi chính sách.

 Tài liệu tham khảo:

1. Ashley, C., and Maxwell, S. (2001) ‘Rethinking rural development’. Development Policy Review, 19 (4), 395-425

2. Arnalte, E., and Ortiz, D. (2003) ‘Some trends of Spanish agriculture. Difficulties to implement a Rural development model based on the multifunctionality of agriculture’. The paper belongs to the research project: ‘Structural change and agricultural policies: the case of farming systems specialized on Olive Grove, Arable crops and cattle’

3. Csaki, C., Nash, J., Fack, A., and Kray, H. (2000) ‘Food and Agriculture in Bulgaria: the challenge of preparing for EU accession’. World Bank technical Paper No 481, Washington, DC.

4. Mandl, I., Oberholzner, T., and Dorflinger, C. (2007) ‘Social capital and job creation in rural Europe’. The Europe Foundation for the Improvement of Living and Working Conditions, Denmark.

5. Nemes, G. (2005) ‘The politics of rural development in Europe’. Discussion papers 2005/5. Institution of Economics Hungarian Academy of Science, Budapest.

6. OECD. (2006) ‘The New rural paradigm: policies and governance’. France

7. Sơn, Đ.K. (2008) ‘Kinh nghiệm quốc tế về nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong quá trình công nghiệp hóa’. Nhà xuất bản chính trị quốc gia.


[1] Xem thêm: Decent work in rural areas: a key path for poverty reduction. The International Labour conference, June 2008 (http://www.ilo.org/global/About_the_ILO/Media_and_public_information/Feature_stories) available access on 25/8/2008.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập104
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm102
  • Hôm nay31,524
  • Tháng hiện tại649,344
  • Tổng lượt truy cập91,823,073
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây