Xác lập thước đo sự hài lòng của người dân
TS.Vũ Trọng Bình, Phó viện trưởng Ipsard cho biết: Bộ chỉ số đánh giá chất lượng DVC nông thôn (RPSI) do Trung tâm Phát triển nông thôn triển khai xây dựng trên cơ sở khảo sát, đánh giá thí điểm tại 3 tỉnh Hà Nam, Bình Định và Vĩnh Long; thử nghiệm trên 4 loại dịch vụ: khuyến nông, thú y, nước sạch nông thôn và y tế xã.
Kết quả khảo sát tại 3 tỉnh cho thấy, khả năng tiếp cận của người dân đối với dịch vụ khuyến nông (KN) còn hạn chế; cụ thể, 41% số huyện đánh giá mức độ phủ của dịch vụ thấp hơn 5/10 điểm. Có 50% người nghèo xác nhận được tham gia vào hoạt động KN như tập huấn, đào tạo và tiếp cận thông tin nhưng họ ít có điều kiện đầu tư vào các mô hình cụ thể do khó khăn về tài chính. Chuyên môn của cán bộ KN xã chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp, ít có người thành thạo cả 3 chuyên môn này. Các kỹ năng khác như tổ chức nông dân, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, phát triển chuỗi giá trị… chưa được chú ý trang bị cho cán bộ KN. Phần lớn KN viên ở cấp xã chỉ mới qua đào tạo sơ cấp về kỹ thuật nông nghiệp, thậm chí vừa mới tốt nghiệp PTTH nên chưa đủ khả năng để người dân có thể tham vấn khi cần thiết. Trong các địa phương được khảo sát, nhóm huyện có chỉ số DVC KN kém nhất gồm Vân Canh (Bình Định) với 19,7; Duy Tiên (Hà Nam) 29,1; Long Hồ (Vĩnh Long) 34,9. Chỉ số DVC KN cao nhất thuộc về An Lão (Bình Định) và Kim Bảng (Hà Nam) cùng được 74,7.
Ở dịch vụ thú y, tỷ lệ gia súc, gia cầm được tiêm chủng chỉ đạt 50 - 60%, nơi thấp nhất là 20%. Việc không có giấy chứng nhận tiêm phòng là một yếu tố cản trở việc mua bán, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Thế nhưng, tỷ lệ gia súc, gia cầm được cấp giấy chứng nhận tiêm phòng tại Hà Nam chỉ là 3,1%; Bình Định 5,7%, Vĩnh Long 38,5%.
Cần cải thiện chất lượng DVC
Tại 3 tỉnh được điều tra, 70,8% số người dân được hỏi ghi nhận nhân viên y tế xã nhiệt tình, có năng lực chuyên môn tốt. Tuy nhiên, các hộ sống ở gần trục đường chính, thị trấn có xu hướng sử dụng dịch vụ y tế ở tuyến trên hơn là chọn tuyến xã. Đánh giá chỉ số tổng hợp về dịch vụ y tế: thấp nhất là huyện Thanh Liêm (Hà Nam) với 32,1; tiếp đến là huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) với 33,3; cao nhất thuộc về huyện Hoài Nhơn (Bình Định) với 70,4.
Phục vụ DVC về cung cấp nước sạch sinh hoạt hiện nay do nhiều tổ chức thực hiện: Trung tâm nước sạch, doanh nghiệp, tư nhân, cộng đồng địa phương, hợp tác xã, hộ gia đình tự cung cấp. Tại 3 tỉnh khảo sát, chỉ có 13% số hộ được sử dụng nước sạch cho ăn uống, 82% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh cho tắm giặt. Chỉ số tổng hợp về nước sạch thấp nhất là Thanh Liêm, 32,1; cao nhất là Hoài Nhơn với 70,4.
Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp - Phát triển nông thôn nhận định: “RPSI đã định lượng được các tiêu chí cụ thể, “đo” mức độ hài lòng của người dân nông thôn đối với các dịch vụ công hiện nay, điều mà trước đây thường chỉ đánh giá theo định tính. Y tế và nước sạch vẫn là vấn đề bức xúc ở khu vực này khi người giàu dễ tiếp cận hơn người nghèo. Trong khi đó, mức độ đầu tư cho y tế của nhà nước hiện vẫn tập trung ở tuyến tỉnh và huyện, những nơi chỉ có người giàu tiếp cận được. Bác sĩ giỏi cũng không ai muốn về xã công tác, điều này khiến dịch vụ y tế ở nông thôn đang đi xuống nhiều hơn đi lên và tạo ra khoảng cách lớn so với khu vực thành thị”.
TS.Vũ Trọng Bình nhận xét, hiện vẫn còn nhiều người nhận thức chưa đúng về DVC và xã hội hoá DVC. Nhiều tổ chức cung ứng DVC vẫn thực hiện theo cơ chế hành chính công, trong khi ngân sách nhà nước cho DVC không đủ đáp ứng nhu cầu. Sự độc quyền của các cơ quan nhà nước dẫn đến cung cấp dịch vụ chất lượng thấp, chưa thực sự có môi trường cạnh tranh để nâng cao chất lượng.
Còn TS.Hoàng Vũ Quang, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn nhìn nhận: Đưa DVC đến với người nghèo nhằm tạo ra sự cân bằng trong thụ hưởng lợi ích từ các dịch vụ này là vấn đề quan trọng nhất hiện nay. Nhà nước không thể là đơn vị duy nhất cung cấp DVC mà nên khuyến khích doanh nghiệp, các tổ chức xã hội cùng vào cuộc đầu tư xã hội hóa DVC ở nông thôn. Thời gian tới, với sự tài trợ của Quỹ châu Á tại Việt Nam, Ipsard sẽ tiếp tục hoàn thiện bộ chỉ số đánh giá trên, đồng thời mở rộng thử nghiệm tại nhiều địa phương khác, với nhiều loại DVC khác như bảo vệ thực vật, thủy nông…
Chương Phượng
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã