Ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NNPTNT), cho biết dù chưa có tổng hợp số liệu chi tiết của các địa phương (hạn chót là ngày 10/8/2013) nhưng qua thực tế làm việc và kiểm tra ở các địa phương, ông cũng phần nào nắm được những nguyên nhân khiến người dân bỏ ruộng.
Làm "cửu vạn", “osin” còn giàu hơn... làm ruộng
Qua khảo sát của Cục Kinh tế hợp tác, tại khu vực Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), người đông, đất ít nhưng nông dân vẫn bỏ ruộng.
Ở nhiều vùng, nông dân bỏ ruộng vì không thể sống được từ ruộng. Ảnh minh họa |
Từ năm 2011 trở về trước, việc bỏ hoang ruộng đất đã xảy ra ở một số tỉnh như: Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Ninh... nhưng chủ yếu là ở địa bàn xung quanh các doanh nghiệp, khu cụm công nghiệp, do đất bị chia nhỏ không đủ canh tác và chất lượng đất cũng không còn tốt khi ở gần các nhà máy này.
“Nhưng từ năm 2011 đến, ngày càng có nhiều hộ nông dân bỏ ruộng, thậm chí họ còn "làm đơn trả ruộng". Tình trạng này xảy ra nhiều ở các tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh”, ông Lộc nói.
Ước tính hiện nay, số diện tích ruộng bị bỏ hoang bình quân mỗi tỉnh khoảng 100ha, tỉnh nhiều như Hải Dương là trên 200ha. Con số này có xu hướng tăng lên và diện tích ruộng bị trả chủ yếu là ruộng làm 2 vụ lúa hoặc 2 lúa 1 màu.
Ông Lộc đưa ra ví dụ làm lời giải cho tình trạng trên: Ở ĐBSH, bình quân 1 hộ có 3,72 khẩu (tính ra khoảng 1,7 lao động), mỗi hộ được giao khoảng 5,5 sào ruộng. Nếu tính thu nhập từ làm ruộng khi cấy 2 vụ lúa trên 5,5 sào và trong đó có khoảng 30% đất có thể làm được vụ 3 (vụ màu) thì tổng thu nhập 1 năm được khoảng hơn 22 triệu đồng (năng suất lúa trung bình khoảng 300 kg/sào/vụ và 1 sào màu/vụ bình quân thu 1,5 triệu đồng).
Trừ khoảng 48% chi phí (thuê công làm đất, mua giống, phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ thủy lợi, công gặt tuốt lúa...) thì 1 hộ còn gần 13 triệu đồng/năm. Như vậy giá trị ngày công (tiền lãi) bình quân 1 lao động/hộ chỉ khoảng 45.000 đồng/công (tính 24 công/tháng). Tính ra thấp hơn rất nhiều so với giá trị ngày công của vùng.
Bây giờ ở khu vực ĐBSH, giá thuê nhân công 1 ngày là 150.000-200.000 đồng, chưa kể ăn uống, sinh hoạt nên người ta thu về cũng được từ 2,5-3 triệu đồng. Vì thế, nông dân không thiết tha gì với đồng ruộng cũng là lẽ tất nhiên.
Đóng góp còn nặng
Theo số liệu của Cục Kinh tế hợp tác, năm 2011, nhiều xã ở ĐBSH đóng góp bình quân khoảng 1,6-1,7 triệu đồng/hộ/năm, gồm các khoản: tiền bảo vệ đồng ruộng, tiền thu làm giao thông nông thôn, nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, vệ sinh môi trường, quỹ khuyến học, quỹ nông dân...; phần lớn những khoản này vẫn được tính theo đầu sào ruộng (vì chia bình quân cho dễ), trên lý thuyết, nhà nào nhiều ruộng thì thu nhập khá hơn.
Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác Tăng Minh Lộc |
Cùng với đó, những mảnh ruộng manh mún khiến người dân khó có điều kiện áp dụng tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí (chưa kể là làm theo các quy trình GAP hay Global GAP để có thương hiệu, tăng giá trị sản phẩm).
Cái vòng luẩn quẩn đó đủ mạnh để “đánh gục” người nông dân khi đóng góp ở nông thôn hiện nay chủ yếu được tính theo đầu sào ruộng, khiến người dân có tâm lý những mảnh ruộng là “gánh nặng” cho họ.
Ông Tăng Minh Lộc, người bám sát việc thực hiện triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới những năm gần đây, chia sẻ: Chủ trương thực hiện nông thôn mới đã đem lại nhiều thành quả cho nông dân, nông thôn nhưng cũng rất khó khăn khi thực hiện tại thời điểm kinh tế “trầm lắng” như hiện nay. “Hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước hạn chế, các doanh nghiệp đầu tư cũng hạn chế. Như vậy chủ yếu đóng góp của người dân”, ông Lộc nhìn nhận.
Lý thuyết là nhà càng nhiều ruộng đóng càng nhiều tiền. Nhưng thực tế là nhà nhiều ruộng cũng như ít ruộng đều không thể trông chờ vào hiệu quả kinh tế từ những mảnh ruộng.
Sức hút của đô thị
Ông Lộc tổng kết: “Có thể nói hầu hết thanh niên nông thôn đều cố gắng vượt khỏi lũy tre làng của mình để đến và mưu sinh tại thành phố. Mặc dù làm việc rất vất vả nhưng xem ra thu nhập của họ cao hơn làm ruộng. Hơn nữa, đi làm ở thành phố cũng thích hơn làm ruộng nên hiện nay ở làng quê vắng bóng lao động chính, chỉ còn lại chủ yếu là người già, phụ nữ. Vì thế việc đồng áng trông chờ vào số người ở lại quê, thậm chí cả trẻ em cũng phải ra đồng”.
Chuyện những ngôi làng chỉ còn toàn người già và trẻ con không còn lạ nữa. Thanh niên, thậm chí là phụ nữ, đàn ông còn sức lao động đều ra thành phố tìm việc hoặc tìm đường đi xuất khẩu lao động mong có thể đổi đời. Chính điều đó dẫn đến việc ở làng không có lao động trẻ, lao động chất lượng, nên việc tiếp thu các tiến bộ khoa học còn hạn chế, năng suất lao động thấp.
Người ta thường nói không ai sát việc bằng dân. Nhưng ở đây, những người làm chính sách đã nhìn thấy được những lý do rất cụ thể, rất vi mô chứ không chỉ khơi khơi vĩ mô tổng quát. Vậy cần phải làm gì để nông dân không rời bỏ những mảnh ruộng “cha truyền con nối” của mình?
Câu trả lời chắc chắn không dễ, nhưng không phải là không có...
Đỗ Hương
Theo:chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã