Tràn ngập rau củ ngoại
Có mặt tại chợ đầu mối Long Biên - một trong những chợ đầu mối nông sản lớn nhất Hà Nội tối 3/8, hình ảnh chúng tôi ghi lại được là sự tràn ngập của các loại rau củ có xuất xứ ngoại nhập từ Trung Quốc đang được bày bán tại chợ. Không khó để nhận ra những quầy bán rau củ nhập ngoại bởi mẫu mã khá bắt mắt, vẻ bóng mượt như cà chua, bắp cải, cải thảo, củ cải… cho đến cả củ gừng, củ tỏi, hành.
Gặp anh Nguyễn Văn Hưng, người chuyên nhập rau củ cho một nhà hàng trên địa bàn Hà Nội tại chợ Long Biên, anh Hưng cho chúng tôi biết: “Phần lớn những loại rau anh nhập cho nhà hàng đều là rau quả nhập ngoại. Những loại rau này có giá cả phải chăng hơn rau trong nước, mẫu mã lại đẹp hơn so với hàng trong nước. Như cải thảo ngoại nhập có giá 13.000 đồng/kg, cải bắp có giá 5.000 đồng/kg, cà chua có giá 10.000 đồng/kg, gừng 12.000 đồng/kg… Do giá cả phải chăng, ít bị sâu nên nhà hàng bán mới có lãi. Chứ rau trong nước như từ Đà Lạt ra làm sao đủ cung cấp cho thị trường TP Hồ Chí Minh nói gì là Hà Nội”.
Một quầy bán rau củ tại chợ Long Biên. |
Khi thấy chúng tôi giơ chiếc máy ảnh lên định chụp, ông chủ quầy rau tại chợ Long Biên đã nói một cách hết sức “cảnh giác”: “Toàn rau an toàn cả, chụp ảnh để làm gì thế?”.
Tỉ tê hỏi chuyện, chủ một quầy hàng kinh doanh mặt hàng cà rốt, cà chua… tại chợ Long Biên mới cho chúng tôi biết: Trước đây, chị cũng buôn rau trong nước nhưng bán không lãi nhiều mà lại ế nên chuyển sang buôn rau củ nhập ngoại. Cà rốt do nông dân trong nước trồng thường khẳng khiu, nhiều đoạn bị thâm và có nhiều rễ hơn. Nhưng của ngoại nhập thì bao giờ cũng to tròn và bóng mượt, đều tăm tắp chẳng phải phân loại. Cà chua cũng vậy. Cà chua trong nước quả thường nhỏ, chín không đều, giá lại cao khó bán hơn nhiều. Cà chua nước ngoài thì căng mọng, đỏ đều rất bắt mắt.
Khi chúng tôi hỏi hàng nhập như thế này có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm không thì chị chủ hàng này cho hay: “Nhìn như thế này thì sâu bệnh gì mà không đảm bảo an toàn vệ sinh”.
Ngay bên cạnh, hàng chục bao tải rau cải bắp đang được dỡ từ trên một chiếc xe tải xuống. Chỉ nhìn bằng mắt thường cũng thấy, chiếc bắp cải nào cũng tròn đều như nhau, bắp cuộn rất chặt.
Càng muộn thì không khí mua bán tại chợ Long Biên càng trở nên tấp nập. Hàng chục chiếc xe tải và xe máy chuyển chở các loại rau từ Lào Cai, Lạng Sơn… ùn ùn đổ về chợ Long Biên. Rồi từ chợ Long Biên, hàng chục chiếc xe tải, xe máy chờ lấy hàng để phân phối đi khắp các chợ trên địa bàn Hà Nội cũng như các tỉnh, thành.
Tại chợ đầu mối Đền Lừ, quận Hoàng Mai, Hà Nội, khung cảnh mua bán tấp nập cũng không khác gì so với tại chợ Long Biên. Những gian hàng rau củ mỡ màng có xuất xứ ngoại nhập cũng đang được bày bán khá rộng rãi như cải thảo, cải bắp, cà chua, cà rốt… Theo chủ hàng tại các chợ, hiện chỉ có rau sống, rau thơm và một số loại rau củ đặc trưng như rau muống, su su là hàng nội.
Rau củ nhập ngoại đang được kiểm định như thế nào?
Liên quan đến việc kiểm định các loại rau quả Trung Quốc tại các chợ đầu mối của Hà Nội, Chi cục Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, trách nhiệm kiểm định các loại rau quả thuộc về các đơn vị quản lý khâu nhập khẩu từ các cửa khẩu trước khi về bày bán tại các chợ trên địa bàn Hà Nội. Bởi lẽ, tại bất kỳ cửa khẩu nào hiện cũng đã có các Trạm kiểm dịch thực vật.
Theo Thông tư 13 có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các trạm kiểm dịch thực vật này vừa có chức năng kiểm dịch bệnh và sâu hại, đồng thời đảm nhiệm thêm chức năng kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các trạm kiểm dịch thực vật ở cửa khẩu, sân bay hay bến cảng đều chưa có phòng thí nghiệm, máy móc cũng như con người có thể phân tích các chỉ tiêu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cửa khẩu, sân bay hay bến cảng đối với rau quả vẫn dựa vào cảm tính, cảm quan. Nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường sinh nghi, mới lấy mẫu gửi về 2 phòng phân tích đặt ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để kiểm tra. Trong khi đó, phải mất 7 ngày sau mới có kết quả phân tích, kiểm tra.
Ông Hồng cho biết: Vì thời gian để phân tích một mẫu rau, quả kéo dài, trong khi, nông sản tươi không để lâu ở cửa khẩu, phải cho lô hàng lưu thông ngay sau đó. Nếu 7 ngày sau, kết quả kiểm tra phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, hoặc phát hiện chất cấm thì lô hàng tiếp theo sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn.
Công tác kiểm dịch tại các cửa khẩu là như vậy. Còn công tác kiểm dịch trong nước được diễn ra như thế nào? Còn nhớ, sau thông tin cải thảo tại Trung Quốc nhiễm formaldehyde, Cục Bảo vệ thực vật đã lấy 74 mẫu cải các loại, trong đó 22 mẫu rau cải có nguồn gốc từ Trung Quốc để truy tìm chất độc hại này.
Tuy nhiên, liệu những người tiêu dùng có thể yên tâm khi mà sự chủ động của cơ quan chức năng dường như là không có, phần lớn là bị động? Mọi thông tin về rau quả nhập khẩu nhiễm chất cấm đều từ nước sở tại phát hiện, rồi phương tiện truyền thông lên tiếng, sau đó, cơ quan chức năng vào cuộc, lấy mẫu kiểm tra.
Với công tác kiểm dịch liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm như nói trên, người tiêu dùng vẫn đang phải đi mua rau với tâm trạng lo ngay ngáy. Và, để đảm bảo an toàn cho mình, không ít người tiêu dùng đã tìm đến một biện pháp là thường xuyên mua rau của người quen được trồng từ các địa phương gửi về
Theo cand
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã