Học tập đạo đức HCM

Làm thủy điện phớt lờ sự an toàn của người dân

Thứ hai - 17/09/2012 20:29
Hàng chục hộ dân ở các thôn Sađaco, thôn 4, thôn 6, thôn 9 và bon Bu Ðắch, xã Quảng Tín (huyện Ðác R'Lấp, tỉnh Ðác Nông) sinh sống và có đất canh tác dọc theo con kênh dẫn nước của Nhà máy thủy điện Quảng Tín đang ngày đêm lo lắng trước tình trạng sạt lở đất, gây hư hại nhà cửa và bị nước tràn làm hư hại cây trồng, gây cản trở giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hằng ngày. Nỗi lo này bắt đầu từ cuối năm 2009, khi Công ty TNHH N&S đưa công trình thủy điện Quảng Tín vào hoạt động.
 

 
Kênh dẫn nước Nhà máy thủy điện Quảng Tín tràn vào vườn, nhà dân làm hư hại cây trồng, nhà cửa.  
 
Ðưa chúng tôi đi xem con kênh dẫn nước của Nhà máy thủy điện Quảng Tín, Ðác Ru chạy qua ngay giữa khu dân cư gây sạt lở đất, nước tràn ngập đường đi và gây ngập úng nhiều diện tích cà-phê của người dân địa phương, anh Lê Văn Phong, cán bộ phụ trách giao thông, thủy lợi xã Quảng Tín cho biết: Năm 2007, Công ty TNHH N&S khởi công công trình thủy điện Quảng Tín tại địa phận xã Quảng Tín và Ðác Ru, huyện Ðác R’Lấp với công suất 5MW. Dự án gồm nhà máy và một hệ thống kênh mương, ống dẫn nước dài gần 10 km, trong đó hệ thống kênh dài 4 km, bề ngang rộng 2,5 m, chiều sâu 2,5 m đi qua địa bàn các thôn: Sađaco, thôn 4, 6, 9, xã Quảng Tín. Theo thiết kế hệ thống kênh dẫn nước đi qua khu dân cư phải được đậy nắp bằng bê-tông để bảo đảm an toàn cho người và gia súc, đồng thời không để nước tràn ra ngoài; đối với những đoạn có mái ta-luy dương cao và sát nhà dân thì phải kè bằng đá để không bị sạt lở đất... Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay, sau khi đưa Nhà máy thủy điện Quảng Tín vào vận hành, chủ đầu tư "quên" luôn việc đậy nắp con kênh và kè mái ta-luy, gây sạt lở đất, nước tràn kênh, ngập đường giao thông đi lại của người dân, ngập úng cây trồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, sản xuất của hàng chục hộ dân sinh sống dọc hai bên con kênh.

Chỉ tay về phía mái ta-luy dựng đứng cao khoảng 8-9m, có nhiều đoạn bị sạt lở đất, làm sụp cả một đoạn tường rào và gây nứt nẻ sân, tường nhà mà mình đã làm lụng cả đời mới xây dựng được, ông Phạm Văn Trường ở thôn Sađaco bức xúc: "Trước đây, mái ta-luy này cách nhà tôi 7-8 m, nhưng chỉ sau ba mùa mưa đất sạt lở vào tận vách nhà chỉ còn cách 0,5 m. Tình trạng sạt lở đất ngày càng diễn ra nghiêm trọng. Mới đây, vào lúc 14 giờ ngày 4-8, một cơn mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở một đoạn tường rào bằng xi-măng dài hơn 5m sát ngay bên hông nhà và làm tường nhà, sân bị nứt nẻ. Sự việc đã được đại diện các ban, ngành, đoàn thể của thôn lập biên bản gửi UBND xã nhưng vẫn không cơ quan nào vào kiểm tra, xử lý. Hằng đêm, cả gia đình tôi không ngủ được và luôn sống trong tâm trạng lo lắng vì ngôi nhà có thể sập đổ bất cứ lúc nào, không chỉ hủy hoại toàn bộ tài sản của gia đình tôi sau mấy mươi năm tích góp mà còn đe dọa tính mạng của cả gia đình". Cùng hoàn cảnh như ông Trường, gia đình bà Phạm Thị Hoài, 64 tuổi, ở đội 2, thôn Sađaco trồng được 200 cây cà-phê và đào hai ao nuôi cá rộng 2.000 m2. Bà vừa mua 15 triệu đồng cá giống về nuôi thì gặp lúc nhà máy thủy điện xả nước làm nước tràn kênh, trôi cả hai ao cá và làm chết 20 cây cà-phê nhưng công ty không đền bù cho gia đình bà. Nhìn ao cá bị bồi lấp, bà Hoài than thở: "Năm nay tôi đã lớn tuổi rồi, cuộc sống chủ yếu dựa vào mấy trăm cây cà-phê và hai ao cá trong vườn, nhưng bây giờ không biết lấy gì mà ăn. Tôi đã nhiều lần gửi đơn cầu cứu xã nhưng không ai giải quyết, biết kêu ai bây giờ!".

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh kiêm công an viên thôn Sađaco Ðoàn Thành Minh cho biết: "Có đến hàng chục hộ dân ở thôn Sađaco và các thôn 4, 6, 9 và bon Bu Ðắch, xã Quảng Tín bị ảnh hưởng, trong đó có 10 hộ dân ở thôn Sađaco là thiệt hại nặng nhất. Cứ sau mỗi trận mưa lớn là xảy ra tình trạng sạt lở đất, gây hư hại nhà cửa và nước tràn kênh gây ngập đường giao thông, cây trồng của người dân trong thôn, trong xã với tổng diện tích cây trồng, chủ yếu là cà-phê bị ảnh hưởng lên đến hàng chục ha. Mỗi ngày có hàng chục người dân đến trình báo, khiếu nại nhưng chúng tôi chỉ lập biên bản, giữ gìn an ninh trật tự chứ không giải quyết được. Việc giải quyết là trách nhiệm của chính quyền các cấp".

Theo Chủ tịch UBND xã Quảng Tín Phan Thành Ðạt, việc xây dựng kênh dẫn nước Nhà máy thủy điện Quảng Tín không chỉ gây ra những hậu quả nêu trên, mà còn do không được che đậy cẩn thận, không có biển báo nên rất nguy hiểm với người dân sinh sống dọc hai bên con kênh. Trong ba năm qua, đã có một người dân rơi xuống con kênh bị nước cuốn chết, còn gia súc, gia cầm của những hộ sinh sống hai bên con kênh rớt xuống bị nước cuốn chết thì đếm không xuể. UBND xã đã nhiều lần mời lãnh đạo Công ty TNHH N&S lên làm việc và yêu cầu đậy nắp kênh, xây kè chống sạt lở đất, tường rào và cắm biển báo ở những vị trí nguy hiểm để bảo đảm an toàn cho người dân, khắc phục những hậu quả nêu trên... nhưng lãnh đạo công ty mà trực tiếp là Giám đốc công ty Hoàng Ðình Tuấn chỉ trả lời qua loa cho xong chuyện, không thực hiện yêu cầu của xã. Sau nhiều lần đề nghị, doanh nghiệp không thực hiện, UBND xã cũng bất lực và chỉ biết báo cáo lên cấp trên.

Về trách nhiệm của Công ty TNHH N&S trong việc đền bù những thiệt hại cũng như khắc phục những hậu quả do tuyến kênh dẫn nước Nhà máy thủy điện Quảng Tín gây ra cho người dân địa phương, Chủ tịch UBND huyện Ðác R’Lấp Lê Văn Thị bức xúc: Trong ba năm qua, trước việc người dân làm hàng chục đơn thư cầu cứu gửi tới các cấp, các ngành trong tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương phối hợp UBND huyện Ðác R’Lấp và xã Quảng Tín nhiều lần tiến hành kiểm tra thực tế và yêu cầu Công ty TNHH N&S tiến hành đền bù và khắc phục ngay hậu quả do tuyến kênh gây ra, bảo đảm cuộc sống cho nhân dân. Thế nhưng đến nay, công ty vẫn phớt lờ sự chỉ đạo của các ngành chức năng của tỉnh và các cấp chính quyền địa phương. Thậm chí, Giám đốc công ty Hoàng Ðình Tuấn đã ký cam kết với hộ ông Phạm Văn Trường, công ty sẽ xây bờ kè đá ta-luy phía sau nhà để chống sạt lở. Nhưng từ cuối năm 2010 đến nay công ty vẫn chưa thực hiện, để gia đình ông Trường cũng như hàng chục hộ dân sinh sống và sản xuất hai bên con kênh ngày đêm lo lắng, thấp thỏm.

Trước sự chây ỳ, vô trách nhiệm, coi thường kỷ cương của Công ty TNHH N&S, đề nghị các cấp, các ngành chức năng tỉnh Ðác Nông có biện pháp xử lý mạnh hơn, buộc công ty phải khắc phục những hậu quả do kênh dẫn nước Nhà máy thủy điện Quảng Tín gây ra, bảo đảm an toàn cuộc sống và sản xuất của hàng chục hộ dân sinh sống dọc hai bên tuyến kênh.

Bài và ảnh: NGUYỄN HOÀI BÃO
nguồn:nhandan.com.vn
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập245
  • Hôm nay59,367
  • Tháng hiện tại856,065
  • Tổng lượt truy cập90,919,458
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây