Học tập đạo đức HCM

Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch Người dân sẽ thiệt thòi nhiều hơn?

Thứ hai - 17/09/2012 04:27
SGTT.VN - Dự án luật Đất đai sửa đổi đang được lấy ý kiến của người dân. Tại một cuộc hội thảo cuối tuần qua, nhiều tỉnh thành đề nghị Nhà nước sẽ chủ động đứng ra thu hồi đất theo quy hoạch, tạo quỹ đất sạch sau đó sẽ giao đất, cho thuê đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất. Mục đích nhằm xoá bỏ cơ chế xin cho, giảm bớt thiệt hại cho người dân.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, cách làm này sẽ đặt chính quyền vào vị trí “vừa đá bóng vừa thổi còi”, khó loại bỏ lợi ích nhóm và gây thiệt thòi cho người dân.

Vừa đá bóng, vừa thổi còi

Trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị về vấn đề: nếu Nhà nước vừa là cơ quan đưa ra giá bồi thường, vừa thu hồi đất thì khi bị thiệt hại như giá bồi thường thấp, người dân sẽ kêu ai? Luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch hội Luật gia TP.HCM nói đây là cách làm theo kiểu vừa đá bóng vừa thổi còi, không khách quan và chỉ phục vụ cho lợi ích nhóm.

“Anh là Nhà nước – tức cơ quan công quyền – nhưng lại vừa định giá đất, vừa thu hồi đất rồi sau đó lại giao đất cho các dự án kinh doanh thì người dân không còn cửa, không biết kêu ai khi bị thiệt hại quyền lợi. Mục tiêu của dự luật là nhằm xoá bỏ cơ chế xin cho, nhưng cách làm này lại làm tăng nguy cơ đó vì nhóm lợi ích lobby chính sách”, luật sư Hậu cảnh báo. Theo ông Hậu, tốt nhất là phải có một cơ quan thẩm định giá độc lập để khi dân thấy bị thiệt hại quyền lợi do giá đất bồi thường thấp, thì có thể yêu cầu cơ quan này tham gia thẩm định.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, nguyên nhân của tình trạng khiếu kiện kéo dài và đông người liên quan đến đất đai hiện nay là do đền bù không thoả đáng; cơ chế thu hồi thiếu minh bạch, thiếu sòng phẳng, không bình đẳng; chính sách tạm cư, tái định cư và chuyển đổi nghề cho người dân sau khi thu hồi đất chưa tốt.

Ông Châu nói: “Thực tế phân chia lợi nhuận từ việc tăng giá trị sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp thành đất đô thị chưa công bằng, người có đất thấy mình bị thiệt thòi. Cụ thể là trong cùng một khu vực, có nhiều dự án thực hiện theo những cơ chế khác nhau dẫn đến chính sách bồi thường và tái định cư khác nhau: dự án nhà ở, trung tâm thương mại để kinh doanh thì nhà đầu tư thương lượng bồi thường đất có giá cao hơn giá đất Nhà nước bồi thường trong những dự án làm đường, trường học, công viên...”

Do vậy, theo ông Châu, trong trường hợp chính sách bồi thường giữa Nhà nước và tư nhân còn chênh lệch như hiện nay thì việc xoá bỏ cơ chế giao đất theo dự án, chuyển sang Nhà nước đứng ra thu hồi đất theo quy hoạch khiến người dân đang bị thiệt sẽ càng thiệt hơn vì “họ không biết chạy đi đâu để kêu cứu, bảo vệ quyền lợi”.

Cần hai cơ chế thu hồi đất

Góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi luật Đất đai tại hội thảo “Cơ chế thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, định giá đất” do ban Chỉ đạo tổng kết nghị quyết Trung ương 7 (khoá IX) và hiệp hội Bất động sản TP.HCM tổ chức giữa tháng 7 tại TP.HCM vừa qua, ông Đào Anh Kiệt, giám đốc sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM cho rằng nên giữ hai cơ chế thu hồi đất như hiện nay. Đó là Nhà nước thu hồi đất và doanh nghiệp tự thoả thuận để chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Theo ông Kiệt, đối với những dự án xã hội, phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia... Nhà nước phải đứng ra thu hồi. Đối với những dự án sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch thì doanh nghiệp phải tự thoả thuận với người dân. Hai cơ chế này phải tồn tại song song, tuy nhiên cũng cần có những quy định rõ ràng hơn để cả hai cơ chế có thể vận hành tốt.

Ý kiến của ông Kiệt cũng được luật sư Trương Thị Hoà tán thành. Tuy nhiên, bà Hoà cho rằng vấn đề là làm sao triển khai tốt hai cơ chế đó trong mối liên quan đến vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và định giá đất. “Tái định cư cho người dân phải được quan tâm, nên cố gắng tái định cư tại chỗ. Dự án phải làm sao để người dân gắn với chỗ ở và có thể sống được, khi đó công tác đền bù sẽ dễ dàng hơn”, bà Hoà nói.

Giá bồi thường đất nông nghiệp quá thấp

Các quận/huyện tại TP.HCM vừa có văn bản báo cáo UBND TP.HCM về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đào tạo, giải quyết việc làm khi thu hồi đất trên địa bàn. Theo đó, đơn giá bồi thường đất nông nghiệp quá thấp khiến các dự án thực hiện kéo dài do không nhận được sự đồng thuận của người dân. Đơn cử, tại dự án khu tái định cư phường Tân Thới Nhất, quận 12 có 740 hộ dân bị ảnh hưởng nhưng sau nhiều năm thực hiện đến nay vẫn còn 206 hộ dân chưa di dời. Lý do đơn giá bồi thường đất nông nghiệp được thành phố phê duyệt chỉ từ 342.000 – 380.000 đồng/m2, cộng với mức hỗ trợ thêm dao động khoảng từ 700.000 đồng đến 1,1 triệu đồng/m2. Nếu so sánh thì mức bồi thường này quá thấp so với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường.

Trong văn bản kiến nghị gửi các cơ quan ban ngành Trung ương mới đây, hiệp hội Bất động sản TP.HCM nói rõ cơ chế tự thoả thuận sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư chủ động quỹ đất thực hiện dự án, rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng, hạn chế khiếu kiện. Đồng thời giảm tải cho các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc thu hồi đất, tăng thêm quyền lợi cho người dân khi phải nhường đất cho dự án kinh doanh. Trong trường hợp nhà đầu tư không thoả thuận được với người có đất còn lại (một số ít đòi giá cao) thì sẽ áp dụng các phương án, một là nhà đầu tư bồi thường cho chủ đất bằng với mức giá cao nhất mà nhà đầu tư đã thực hiện bồi thường trong dự án; hai là thuê công ty tư vấn thẩm định giá độc lập để thẩm định giá khu đất và nhà đầu tư thực hiện bồi thường theo giá được công ty tư vấn thẩm định.

Theo điều 51 dự thảo luật Đất đai, Nhà nước thu hồi đất sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và giao cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giao đất, cho thuê đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng hoặc đấu giá để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội. Trong khi đó, theo điều 40, luật Đất đai năm 2003, thì đối với dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt thì nhà đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân mà không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất.

VŨ NGUYÊN
sgtt.vn

 

Thường vụ Quốc hội thảo luận về luật Đất đai sửa đổi

Theo chương trình họp tuần tới, sáng ngày 17.9, Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ bàn về dự án luật Đất đai sửa đổi. Ngày tiếp theo (18.9), các đại biểu sẽ nghe báo cáo của đoàn giám sát và Chính phủ về kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân với các quyết định hành chính về đất đai. Các nội dung quan trọng khác trong tuần (17 – 22.9) mà Thường vụ tập trung là dự án luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012; báo cáo của Chính phủ về việc thi hành luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2012 và cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII.

V.A

 

 
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập265
  • Hôm nay60,085
  • Tháng hiện tại856,783
  • Tổng lượt truy cập90,920,176
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây