Cơ sở cung cấp giống thanh long ruột đỏ của ông Lê Đắc Vinh ở xã Dương Thông Hội (huyện Châu Thành - Long An).
“Đặt cược” vào cây thanh long
Những ngày này, nếu về huyện Châu Thành của tỉnh Long An hay huyện Chợ Gạo của tỉnh Tiền Giang, thì câu chuyện trồng thanh long sẽ được người dân quan tâm hàng đầu. Theo họ, cây thanh long hiện là cây “kinh tế mũi nhọn”, bởi có nhiều người thu lời hàng trăm triệu, thậm chí tiền tỷ nhờ trồng cây thanh long.
Thấy vậy nên ai cũng hăm hở chuyển qua trồng thanh long, dù cây lúa, rau màu vẫn cho họ một nguồn thu nhập khá, ổn định hàng bao đời nay. Chỉ tính từ năm 2011 đến nay, người dân ở hai huyện này trồng mới hơn 2.700ha, vượt xa kế hoạch quy hoạch của hai huyện.
Như tại huyện Châu Thành, ông Trương Văn Biết, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Năm 2010, toàn huyện chỉ có khoảng 1.000ha, dự kiến quy hoạch đến năm 2015 lên 1.500ha. Thế nhưng, hiện nay diện tích trồng thanh long đã lên trên 2.200ha”.
Ở huyện Chợ Gạo của tỉnh Tiền Giang cũng thế. Năm 2010, toàn huyện chưa tới 2.000ha, nay vọt lên hơn 3.500ha (quy hoạch đến 2015 lên 4.500 - 5.000ha). Nếu chỉ tính diện tích trồng mới từ năm 2011 đến nay, số tiền người dân hai huyện bỏ ra trồng thanh long đã trên 810 tỷ đồng.
Còn nếu tính luôn phần diện tích quy hoạch trồng mới của hai huyện, thì số tiền lên đến gần 1.600 tỷ đồng. Đây quả là số tiền rất lớn mà người dân ở hai huyện này “đặt cược” vào cây thanh long, dù về lâu dài họ chưa biết là có hiệu quả hay không.
Ở đây, cái đáng lo là có rất nhiều nông dân làm theo “phong trào”, thấy người khác trồng có lời là làm theo chứ nhiều người không biết gì về mặt kỹ thuật hay kinh nghiệm trồng thanh long. Dù vậy, họ vẫn cho rằng: “Có gì đâu mà lo, người ta trồng được thì mình trồng được!”.
Ngay như ông Đ.V.N, một cán bộ của tỉnh Long An, cũng quyết chuyển hơn 1ha đất lúa của gia đình ở xã Phước Tân Hưng sang trồng thanh long, dù ông không biết gì về kỹ thuật trồng thanh long và cũng không chắc là trồng thanh long có lời hơn trồng lúa hay không.
Bởi đơn giản, “thấy người ta trồng có lời quá nên mê làm theo, còn lời hay lỗ là tùy… hên xui! Hay bà H.T.Đ, ở xã Tân Thuận Bình của huyện Chợ Gạo, cũng quyết tâm bỏ nghề trồng nếp bè truyền thống để chuyển sang trồng thanh long.
Khoảng trống tiêu thụ sản phẩm
Theo ông Trương Văn Biết, nguyên nhân chính để người dân bỏ lúa, rau màu chuyển qua trồng thanh long là do một hai năm nay thanh long có giá, dân trồng lời nhiều nên ai cũng ham mà ùn ùn làm theo. Bên cạnh đó, nguồn điện cung cấp cho sản xuất (đốt đèn xông thanh long, xử lý cho ra trái) gần đây cũng được đảm bảo tốt nên tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển qua trồng thanh long nhiều hơn.
Quả thật, hai năm gần đây, giá thanh long rất cao nên người trồng thu lời rất lớn. Như thanh long ruột trắng giá trung bình từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, thậm chí có lúc lên trên 30.000 đồng/kg. Còn thanh long ruột đỏ, giá từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, có lúc lên 60.000 đồng/kg.
Tính ra, nếu trồng thanh long ruột trắng, mỗi hécta lời khoảng 300 - 400 triệu đồng, còn thanh long ruột đỏ lời khoảng 700 - 800 triệu đồng, thậm chí có người lời hơn 1 tỷ đồng. Theo tính toán của người dân, nếu duy trì được mức giá như thế, họ chỉ cần sau 2 năm là có thể thu hồi vốn đầu tư và có lãi (thanh long trồng khoảng 15 - 17 tháng là cho trái, sang năm thứ 3 trở lên cho trái trung bình từ 10 - 20 tấn/ha).
Tuy nhiên, vấn đề đầu ra và giữ giá ổn định đang là chuyện lo lắng của các địa phương hiện nay. Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, cho biết:
Do lợi nhuận cao nên dân ùn ùn trồng thanh long, thậm chí có nơi không nằm trong vùng quy hoạch cũng trồng thanh long, nên sẽ gặp khó về nguồn điện sản xuất và nguồn nước tưới tiêu. Nhưng cái khó nhất trong thời gian tới là làm sao để đảm bảo đầu ra cho trái thanh long và giá cả hợp lý để người dân có lời.
Cái hạn chế hiện nay là thanh long Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, nếu đầu ra này gặp trở ngại là người trồng sẽ gặp khó khăn.
Cho nên, để trái thanh long có thể đứng vững ở thị trường trong nước và xuất khẩu, các ngành chức năng đã khuyến cáo người dân nên trồng thanh long trong vùng được quy hoạch. Mặt khác cũng hỗ trợ người dân về mặt khoa học kỹ thuật, để họ sản xuất thanh long theo hướng sạch nhằm vừa đảm bảo giảm giá thành, vừa tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, để có thể xâm nhập vào các thị trường mới, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…
Đây là định hướng mà Long An và Tiền Giang đã bàn tính và quyết tâm thực hiện để giúp cho trái thanh long đứng vững trên thị trường, giúp người trồng thanh long có lời, an tâm sản xuất.
Theo SGGP Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã