Yêu cầu cấp bách
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, 2012 là năm giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp vẫn được duy trì và phát triển, góp phần quan trọng cho sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước. Tính chung trong 10 năm qua, trung bình hàng năm ngành nông nghiệp tăng 5,4% về giá trị. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng nông sản trọng điểm tuy xuất khẩu với số lượng lớn, song giá trị lại đạt thấp hơn so với các quốc gia khác, mà chủ yếu là do không đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, người làm nông nghiệp vẫn có mức thu nhập rất thấp do gặp nhiều rủi do về thời tiết, dịch bệnh, bị thương lái ép giá.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng, hậu quả trên xuất phát từ kết cấu hạ tầng phục vụ bảo quản, chế biến kém phát triển. Doanh nghiệp chế biến nông sản hầu hết có quy mô nhỏ, chất lượng không bảo đảm; phần lớn nông sản đang được xuất khẩu ở dạng thô, giá trị gia tăng thấp...
Còn theo nhận định của đại diện Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard), nền nông nghiệp của Việt Nam đang có xu hướng giảm tăng trưởng do những vướng mắc về đất đai, khoa học công nghệ chậm phát triển, vật tư nông nghiệp vừa đắt đỏ vừa kém chất lượng, cơ sở hạ tầng lạc hậu, liên kết lỏng lẻo cả trong sản xuất, tiêu thụ và chế biến...
Ngoài ra, theo Ipsard, việc đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn thấp hơn nhiều so với nhu cầu của ngành cũng là một trong những nguyên nhân cản trở ngành phát triển. Vì vậy, vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang trở thành yêu cầu cấp bách.
Trước đó, từ giữa tháng 2/2013, trong Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 – 2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Theo bà Hồng, với mục tiêu gắn phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, theo chủ trương của Chính phủ, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp vừa phải tuân theo quy luật của cơ chế thị trường, vừa phải đảm bảo các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng.
“Điểm đáng chú ý của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp là có sự tăng cường tham gia của tất cả các thành phần kinh tế, xã hội, từ Trung ương đến địa phương, đẩy mạnh phát triển đối tác công tư (PPP) và cơ chế đồng quản lý, phát huy vai trò của các tổ chức cộng đồng. Nông dân và DN trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn”, bà Hồng nói.
Đổi mới từ tư duy
Tại Hội nghị tái cơ cầu ngành Nông nghiệp và PTNT, đại diện một số cơ quan quản lý và nhà khoa học đều đánh giá cao 5 nhóm giải pháp chính trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gồm: nâng cao chất lượng quy hoạch gắn với giám sát nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước; khuyến khích và thu hút đầu tư tư nhân; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đầu tư công; cải cách thể chế, trong đó chú trọng tiếp tục sắp xếp, đổi mới DN Nhà nước, nâng cao năng lực cho kinh tế hợp tác, phát triển đối tác công tư (PPP)…; tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách trong nông nghiệp, gồm các chính sách liên quan đến đất đai, thương mại, tiền tệ và tài chính… để tạo động lực cho sản xuất nông nghiệp.
Về vấn đề tái cơ cấu, đại diện Ipsard góp ý: Chúng ta cần mạnh dạn thay đổi vai trò của Nhà nước trong nông nghiệp, theo đó cần giảm bớt quy hoạch đất chi tiết, quản lý DN quốc doanh, cung cấp khoa học công nghệ, cung cấp dịch vụ hỗ trợ (bảo vệ thực vật, thú y…), đầu tư trực tiếp, thu mua nông sản, tham gia thương mại…, mà Nhà nước cần tăng thêm các hoạt động xây dựng pháp lý, hỗ trợ thị trường đất đai hoạt động hiệu quả; hỗ trợ hoạt động dịch vụ nông nghiệp; tạo môi trường đầu tư thuận lợi; hỗ trợ liên kết giữa nông dân - DN; hỗ trợ/giám sát/điều chỉnh thương mại; cung cấp thông tin và hỗ trợ quản lý rủi ro…
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục điều chỉnh cơ cấu sản xuất, tập trung cao cho các lĩnh vực đem lại giá trị gia tăng cho người tham gia sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản. “Tiếp tục duy trì và nâng cao tốc độ tăng trưởng của ngành, không chạy theo số lượng sản phẩm, không tăng trưởng bằng mọi giá, không dành thời gian cho những giải pháp tình huống mà phải có giải pháp căn cơ. Do đó, từng tiểu ngành, từng lĩnh vực đều phải tái cơ cấu, nhưng không đơn phương thực hiện mà phải có quan hệ, liên kết, hỗ trợ lẫn nhau. Ví dụ, nuôi trồng thủy sản phải gắn với phát triển thủy lợi…”, Bộ trưởng Phát nói.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng quán triệt nhiệm vụ cho các đơn vị trong toàn ngành cần khẩn trương hoàn thiện đề án, lập kế hoạch tái cơ cấu cụ thể, góp ý kiến hoàn thiện trước ngày 20/6/2013. Trong đó nhấn mạnh các tổng cục xây dựng đề án riêng cụ thể hoặc đề án tổng thể để thực hiện tái cơ cấu ngay trong lĩnh vực mình phụ trách.
“Mục tiêu chính của Đề án là tạo ra một hệ thống, khuôn khổ, phản ứng năng động trước thay đổi của thực tiễn nền kinh tế thị trường và hiệu quả xã hội. Nền nông nghiệp mới là phải xây dựng nên một guồng máy, tạo ra sản phẩm mang hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường, tái cơ cấu chính là điều chỉnh guồng máy đó”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Bộ Nông nghiệp và PTNT đã hoàn thiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trình Chính phủ. Theo đó, tăng đầu tư cho ngành nông nghiệp giai đoạn 2011-2015 lên 239.400 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 tăng lên 478.800 tỷ đồng. Chuyển dịch cơ cấu đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, giảm đầu tư thủy lợi, tăng đầu tư nông nghiệp và thủy sản. Giữ ổn định 3,8 triệu hecta đất lúa với tổng sản lượng hàng năm đạt 45 triệu tấn; trong thủy sản giai đoạn tới, tôm được xem là sản phẩm chiến lược. |
Minh Huệ (kinhtenongthon.com.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã