Mạ khay và hành trình 20 năm “tìm đất”
Với diện tích hơn 250.000 ha đất lúa, Thanh Hóa đứng thứ 5 cả nước về diện tích SX lúa. Cùng với mục tiêu đưa SX lúa xứ Thanh thành SX hàng hóa bằng các mô hình cánh đồng mẫu lớn, nhiều TBKT nhằm tiến tới CGH đồng bộ, thay thế hoàn toàn lao động chân tay đã được triển khai ở tất cả các khâu như máy làm đất, mạ khay, máy cấy, máy gặt đập...
Tuy nhiên thực tế đại đa số nông dân vẫn làm ruộng bằng những cách “thâm căn cố đế” như cấy tay, gặt tay, thậm chí “con trâu đi trước, cái cày theo sau” không phải hiếm.
Điển hình cho tình trạng chậm chạp trong việc áp dụng CGH ở xứ Thanh phải kể tới câu chuyện mạ khay. Từ những năm 1990, phương pháp gieo mạ khay đã sớm manh nha. Ở xã Hợp Lý (huyện Triệu Sơn), cơ sở SX Bác Hồng những năm 90 đã hình thành được dịch vụ SX mạ khay khá bài bản cung ứng cho nông dân trong xã và một số xã lân cận cấy tay.
Tuy nhiên suốt hơn 20 năm qua, do chưa xuất hiện máy cấy nên phương pháp gieo mạ khay gần như “không có đất sống” và dần mai một.
Phải tới vụ ĐX 2011-2012, khi những chiếc máy cấy đầu tiên xuất hiện trên đất Thanh Hóa, một số mô hình mạ khay kết hợp máy cấy mới bắt đầu được triển khai ở hai huyện Triệu Sơn và Yên Định. Cùng với việc đưa máy làm đất, máy gặt đập liên hợp vào các mô hình này, việc áp dụng mạ khay, máy cấy đã khép kín toàn bộ quy trình SX lúa trên đồng ruộng.
CGH đồng bộ mở ra hướng đi mới cho SX lúa
Hiệu quả của mô hình CGH khép kín đồng bộ đã nhìn thấy rõ: Nông dân gần như không còn phải tham gia gì bằng lao động chân tay trong suốt quá trình SX; chi phí đầu tư thấp hơn SX thủ công truyền thống từ 20 - 30%; lúa khỏe, ít nhiễm bệnh; năng suất cao hơn SX truyền thống từ 10 - 15%; chất lượng gạo đồng đều, mẫu mã đẹp...
Cái lợi của việc áp dụng CGH đồng bộ quả là ai cũng nhìn ra. Nhà quản lý, nhà khoa học cũng đều khẳng định CGH đồng bộ là yêu cầu tất yếu. Thực tế tại Thanh Hóa, các DN SXKD vật tư, thiết bị cơ khí nông nghiệp luôn sẵn sàng nguồn hàng; thậm chí có nhiều chương trình khuyến mại, tiếp thị kịch liệt, nhưng máy móc vẫn ế chỏng chơ.
Trong khi đó, sau 3 năm triển khai với mục tiêu nhanh chóng nhân rộng, việc áp dụng CGH đồng bộ vẫn hết sức chậm chạp, chủ yếu vẫn dừng lại ở một số mô hình, với sự giúp sức chủ yếu của nhà nước.
Vướng ở đâu?
Ông Nguyễn Văn Nam, nguyên PGĐ Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa (mới được điều chuyển làm GĐTT Nghiên cứu ứng dụng KHKT giống cây trồng Nông nghiệp), đơn vị từng nhiều năm nỗ lực nhân rộng mô hình CGH khép kín; đặc biệt là phương pháp mạ khay, máy cấy ngán ngẩm phân tích: "Tư duy SX của nông dân đang là rào cản lớn nhất khiến việc đưa CGH vào đồng ruộng quá chậm. Dĩ nhiên, thay đổi điều này không thể một sớm một chiều.
Tôi lấy ví dụ: Khi đưa máy xuống ruộng cấy xong, nhiều nông dân thấy mạ thưa thớt quá nên lội cả xuống ruộng lúa đã cấy để cấy dặm thêm... cho vừa mắt! Có hộ thậm chí còn nhổ đi cấy lại. SX ra máy cấy thì người ta đã nghiên cứu rất kỹ là phải cấy ra sao cho đạt mật độ, đạt yêu cầu về số dảnh... Thế mà giải thích mãi cũng chẳng ăn thua”, ông Nam ngán ngẩm.
Ông Lã Văn Lâm, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Triệu Sơn lại cho rằng, mấu chốt “mở nút” để có thể đưa nhanh CGH đồng bộ vào đồng ruộng đang vướng ở công tác quản lý.
Theo ông Lâm, sai lầm hiện nay là tất cả các mô hình CGH, mà tiêu biểu như kỹ thuật mạ khay, máy cấy đang được thực hiện quá nặng nề về quản lý hành chính (ví dụ giao cho UBND xã hoạch toán triển khai, hoặc có sự can thiệp hỗ trợ quá nhiều của cơ quan quản lý nhà nước).
Trong khi đó đáng ra, việc đưa CGH vào đồng ruộng cần phải được tiến hành bằng con đường như một hình thức kinh doanh dịch vụ. Cụ thể, việc đầu tư, vận hành, quản lý phải do một tổ chức kinh tế, DN, tổ hợp tác... đứng ra đảm nhận.
Một lãnh đạo Cty CP Công nông nghiệp Tiến Nông, đơn vị chuyên cung ứng vật tư và máy nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhận định: Xu hướng dịch vụ mạ khay, máy cấy với quy mô nhỏ theo cấp xã chắc chắn sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, nếu chính quyền và các ngân hàng tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho nông dân. Trước mắt, chỉ cần mở rộng hình thức mạ khay, máy cấy ra 50% diện tích lúa toàn tỉnh đã là một thành công lớn. Muốn áp dụng CGH đồng bộ, nhất định cần phải triển khai trên cánh đồng mẫu lớn, đồng nhất một loại giống thì mới có thể làm được. |
Cũng theo vị này, muốn đưa nhanh CGH khép kín, nhất thiết việc dồn điền đổi thửa, quy hoạch lại đồng ruộng luôn phải đi trước một bước. “Ruộng đất nhỏ lẻ manh mún, máy cày, máy cấy không thể xoay sở được thì làm sao CGH cho nổi”, ông Lâm nhìn nhận.
Ông Lê Đình Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Dân (Triệu Sơn), đơn vị trực tiếp làm dịch vụ CGH cho nông dân thì phân tích: Khó khăn khi đưa CGH đồng bộ vào SX là chi phí đầu tư trang thiết bị quá lớn (trên dưới 1 tỷ đồng/mô hình). Trong khi đó thời gian sử dụng các máy móc này chỉ gói gọn từ 30 - 40 ngày/năm, sau đó nằm “đắp chiếu” suốt cả năm nên lợi nhuận thu được cũng chỉ đủ để trả lãi ngân hàng chứ không có lời.
Vả lại, các HTX muốn tiếp cận với vốn vay ngân hàng để đầu tư lại không hề dễ dàng. Bên cạnh đó, kỹ thuật làm mạ, vận hành máy cấy cũng chưa được đào tạo bài bản, vô hình chung một số nơi đã biến CGH đồng bộ thành... chưa đồng bộ.
Nguồn:nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã